Kinh nghiệm từ một số tổ chức tiêu chuẩn hóa tiên phong trong xây dựng tiêu chuẩn sản xuất thông minh

author 06:05 28/07/2022

(VietQ.vn) - Để xây dựng các tiêu chuẩn, tổ chức phát triển tiêu chuẩn cần sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và cơ quan Chính phủ.

Các ban kỹ thuật tiêu chuẩn sản xuất thông minh gồm chuyên gia, nhà khoa học và các bên có liên quan trao đổi, thảo luận và đồng thuận các nội dung của tiêu chuẩn sản xuất thông minh. Một số tổ chức phát triển tiêu chuẩn thường xuyên nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, cải tiến, phát triển và thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn cần thiết cho sản xuất thông minh phù hợp với điều kiện thực tiễn. Để xây dựng các tiêu chuẩn này, tổ chức phát triển tiêu chuẩn cần sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và cơ quan Chính phủ.

Một số tổ chức phát triển tiêu chuẩn sản xuất thông minh hiện nay gồm: Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (The International Organization for Standardization, ISO) là một tổ chức tiêu chuẩn độc lập, phi Chính phủ được thành lập vào năm 1946. Hiện nay, ISO có 164 quốc gia thành viên. Tổ chức này đã xây dựng, công bố hơn 22.500 tiêu chuẩn quốc tế. Các tiêu chuẩn ISO bao gồm nhiều lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, y tế và an toàn thực phẩm. ISO 15926 về chủ đề “tích hợp và hệ thống tự động hóa công nghiệp” (Industrial automation systems and integration) là một tiêu chuẩn quan trọng áp dụng cho lĩnh vực sản xuất thông minh.

Ảnh minh họa.

Ủy ban Kỹ thuật điện Quốc tế (The International Electrotechnical Commission, IEC) là tổ chức tiêu chuẩn hàng đầu với 86 quốc gia thành viên. IEC tập trung vào phát triển các tiêu chuẩn quốc tế về công nghệ điện, điện tử và các vấn đề có liên quan. IEC thường xuyên hợp tác, trao đổi với ISO để phát triển một số tiêu chuẩn mà IEC và ISO cùng quan tâm.

Trong thời gian qua, IEC có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển các tiêu chuẩn mạng viễn thông, cơ sở hạ tầng của Internet vạn vật. Ví dụ: IEC đã xuất bản một ấn phẩm có tiêu đề “Internet vạn vật: Mạng cảm biến không dây” (Internet of Things: Wireless Sensor Networks) để thảo luận về việc phát triển tiêu chuẩn, ứng dụng và phát triển mạng cảm biến không dây trong bối cảnh thế giới tập trung nghiên cứu, phát triển Internet vạn vật.

Hiệp hội Tự động hóa Quốc tế (The International Society of Automation, ISA) là hiệp hội chuyên nghiệp, phi lợi nhuận. ISA xây dựng và phát triển các tiêu chuẩn để các bên có liên quan áp dụng kỹ thuật và công nghệ để quản lý an toàn và an ninh mạng của các hệ thống điều khiển, hệ thống tự động hóa hiện đại. Được thành lập vào năm 1945, ISA có sứ mệnh phát triển các tiêu chuẩn toàn cầu được sử dụng rộng rãi; chứng nhận chuyên gia; cung cấp dịch vụ giáo dục và đào tạo; xuất bản sách và bài báo kỹ thuật; tổ chức hội nghị, triển lãm; cung cấp, kết nối cho 36.000 thành viên và 350.000 khách hàng trên toàn thế giới. 

Nhóm ứng dụng mở (The Open Applications Group, OAGi) được thành lập năm 1994, là một tổ chức phát triển tiêu chuẩn mở, phi lợi nhuận, tập trung phát triển các tiêu chuẩn về khả năng tương tác của quy trình kinh doanh trong nội bộ doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp với nhau. Ban đầu, các tiêu chuẩn quy định kỹ thuật tích hợp nhóm các ứng dụng mở (Open Applications Group Integration Specification - OAGIS) tập trung chủ yếu vào nội dung, thông tin trao đổi, cập nhật trạng thái sản xuất... Đến nay, tiêu chuẩn OAGIS đang được phát triển để hỗ trợ tích hợp ứng dụng web và các quy trình kinh doanh dựa trên tiêu chuẩn. 

Tổ chức OPC (OPC Foundation, OPC) là tập đoàn công nghiệp có mục tiêu xây dựng và duy trì các tiêu chuẩn mở để kết nối với các thiết bị và hệ thống tự động hóa công nghiệp như: hệ thống điều khiển công nghiệp, hệ thống điều khiển quá trình. Các tiêu chuẩn OPC mô tả việc truyền thông dữ liệu trong quy trình công nghiệp, các sự kiện, dữ liệu lịch sử và dữ liệu giữa các cảm biến, dụng cụ, bộ điều khiển, hệ thống phần mềm…

Gần đây, tổ chức OPC phát triển bộ tiêu chuẩn OPC-UA để trao đổi an toàn thông tin trong hệ thống tự động hóa công nghiệp. Hầu hết các nhà cung cấp cho các hệ thống SCADA/DCS đều sử dụng các tiêu chuẩn OPC để trao đổi thông tin liên quan đến thiết bị tự động hóa theo thời gian thực. 

Liên minh hệ thống mở quản lý, vận hành và bảo trì thông ti(An Operations and Maintenance Information Management Open System Alliance, MIMOSA) là một hiệp hội công nghiệp phi lợi nhuận tập trung vào xây dựng và phát triển các tiêu chuẩn để tích hợp các hoạt động quản lý, vận hành và bảo trì thông tin. MIMOSA đang hợp tác với các tổ chức phát triển tiêu chuẩn sản xuất thông minh khác như: Open O & M, một tổ chức tập trung vào việc gắn kết tốt hơn giữa các tiêu chuẩn và sản xuất; tổ chức ISO và POSC Caesar về việc hài hòa hóa MIMOSA và ISO 15926. 

Hiệp hội giải pháp doanh nghiệp sản xuất (The Manufacturing Enterprise Solutions Association, MESA) có vai trò trong việc phát triển và áp dụng các tiêu chuẩn chuyên ngành. MESA cung cấp hướng dẫn dưới dạng tài liệu đào tạo, sách trắng… về vai trò và việc áp dụng các tiêu chuẩn chuyên ngành cho các hệ thống sản xuất thông minh của doanh nghiệp. Vào năm 2012, MESA đã sáp nhập với Tổ chức công nghệ sản xuất (Organization for Production Technology, WBF) và sau đó, phát triển B2MML và BATCHML (dựa trên ISA-95 và ISA-88 tương ứng). MESA cũng là một trong những đối tác của Open O&M, cùng với Mimosa, OAGi, OPC Foundation, IEC, ISO và ISA.

Hà My

(Lược trích từ cuốn "Những vấn đề cơ bản về sản xuất thông minh” - Tổng cục TCĐLCL)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang