Làn sóng thương mại điện tử trên thế giới sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai

author 11:16 15/04/2021

(VietQ.vn) - Kết quả phân tích, dự đoán thị trường của DHL Express cho thấy, thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.

Trong "Sách trắng" có tựa đề “The Ultimate B2B E-commerce Guide: Tradition is out. Digital is in” (tạm dịch: “Tài liệu hướng dẫn cơ bản về thương mại điện tử B2B: Truyền thống đang rút lui. Kỹ thuật số đang tiến đến”, DHL Express (nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế hàng đầu thế giới) nhận định, thị trường thương mại điện tử (đặc biệt là thương mại điện tử B2B) thế giới sẽ tiếp tục phát triển mạnh.

Theo đó, đến năm 2025, 80% các giao dịch mua bán B2B (B2B là viết tắt của Business to Business - hình thức kinh doanh, buôn bán giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) sẽ diễn ra trên các kênh kỹ thuật số. Xu hướng tăng trưởng thương mại điện tử toàn cầu chủ yếu đến từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với tốc độ số hóa và sự thay đổi hành vi mua hàng của thế hệ millennials (thế hệ sinh ra trong giai đoạn 1984 - 1996), đây cũng chính là những người mua hàng B2B chuyên nghiệp xét theo độ tuổi hiện nay.

Ông John Pearson, Tổng giám đốc DHL Express nhận định, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự phát triển này nhiều hơn bao giờ hết, với mức tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng các doanh nghiệp bán hàng trên các sàn thương mại quốc tế. Vì vậy, thương mại điện tử và logistics toàn cầu là những yếu tố chính giúp khơi thông những gián đoạn do tình trạng phong tỏa gây ra, duy trì hoạt động của các nền kinh tế và giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 lên các khách hàng của chúng tôi.

Sách trắng cũng cho thấy những yếu tố góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử B2B toàn cầu như. Bên cạnh xu hướng toàn cầu hóa và số hóa, thế hệ trẻ với niềm đam mê công nghệ cũng đang bắt đầu tạo dấu ấn và là các yếu tố thúc đẩy thương mại điện tử. Hiện nay, thế hệ này chiếm 73% trong các quyết định mua hàng B2B.

Vốn là người có hiểu biết về các ứng dụng kỹ thuật số và dựa trên trải nghiệm của bản thân trong lĩnh vực thương mại điện tử B2C (Business to Customer – từ Doanh nghiệp đến Khách hàng cá nhân), họ đặt ra kỳ vọng cao khi thực hiện các giao dịch B2B. Điều này mang lại nhiều tiềm năng tăng trưởng lớn, đồng thời cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải tiếp tục đầu tư vào các giải pháp kỹ thuật số, ví dụ như nền tảng bán hàng.

Ông Ken Lee, Giám đốc điều hành DHL Express khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết thêm, số lượng hàng hóa vận chuyển tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước trong hai tháng cao điểm là tháng 11 và 12 năm 2020, bởi có nhiều người gửi hàng hơn và mức chi tiêu của mỗi khách hàng cũng tăng hơn 21%.

Chỉ trong hai tháng đó, các lô hàng B2C tăng 65%, trong đó các sản phẩm công nghệ tiêu dùng và hàng may mặc chiếm đa số. Lượng hàng hóa vận chuyển tăng vọt càng cho thấy rõ tốc độ phát triển của mua sắm trực tuyến và nhu cầu vận chuyển xuyên biên giới. Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ logistics phải liên tục thích nghi và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”.

Trên thực tế, không chỉ có thị trường thương mại điện tử B2C phát triển nhờ vào những bước tiến lớn của quá trình số hóa và sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng. Trong năm 2019, trước khi đại dịch diễn ra, doanh số bán hàng toàn cầu trên các trang web và sàn thương mại điện tử B2B đã tăng trưởng 18,2%, đạt 12.2 nghìn tỷ đô la Mỹ vượt xa quy mô của thị trường B2C...

Thị trường thương mại điện tử thế giới sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Ảnh minh họa 

Liên quan tới vấn đề trên, trước đó, theo báo cáo của Mastercard, chi tiêu bán lẻ trực tuyến trên khắp thế giới trong năm 2020 đã gia tăng thêm khoảng 900 tỷ USD. Nói cách khác, trong năm 2020, cứ mỗi 5 USD chi tiêu bán lẻ thì thương mại điện tử chiếm khoảng 1 USD, tăng từ tỷ lệ 1/7 vào năm 2019. 

Đại dịch Covid-19 đã buộc người tiêu dùng trên khắp thế giới phải ở nhà, hầu như mọi thứ từ rau củ quả cho tới vật dụng làm vườn, đều được mua sắm trực tuyến. Chính vì vậy, đối với các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng và doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, khả năng bán hàng trực tuyến đã trở thành sợi dây cứu sinh khi hoạt động tiêu dùng trực tiếp bị gián đoạn. Báo cáo cho thấy, khoảng 20-30% khối lượng chuyển dịch sang thương mại số toàn cầu liên quan tới Covid được kỳ vọng sẽ giữ nguyên.

Ông Bricklin Dwyer, Nhà kinh tế trưởng tại Mastercard kiêm Viện trưởng Viện Kinh tế Mastercard, cho biết, dù bị mắc kẹt ở nhà, người tiêu dùng vẫn có thể tiêu tiền ở bất cứ đâu nhờ thương mại điện tử.

“Điều này mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Các quốc gia và công ty đặt ưu tiên cho lĩnh vực số sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành quả. Phân tích của chúng tôi cho thấy ngay cả những doanh nghiệp nhỏ nhất cũng nhận ra lợi ích khi chuyển sang nền tảng kỹ thuật số”, ông Bricklin Dwyer nói.

Báo cáo của Mastercard cũng cho biết, các nền kinh tế như Anh và Hoa Kỳ được số hoá nhiều hơn trước khủng hoảng, thì giờ đây được hưởng lợi nhiều hơn trước làn sóng dịch chuyển sang thương mại số trong nước, và lợi ích ấy bền vững hơn so với các nước có ít thị phần thương mại điện tử hơn trước khủng hoảng, như Argentina hay Mexico. Châu Á - Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và châu Âu là những khu vực có sự thúc đẩy triển khai thương mại điện tử mạnh mẽ nhất.

Trong các lĩnh vực thu hút được thương mại điện tử nhiều nhất, thì lĩnh vực bán lẻ đồ thiết yếu, vốn có tỷ trọng số nhỏ nhất trước khủng hoảng, thì nay lại nhận được nhiều lợi ích nhất khi người tiêu dùng chuyển sang thương mại số.

Theo Mastercard, với việc hình thành thói quen tiêu dùng mới và nền tảng người dùng trước đại dịch còn thấp, dự kiến 70-80% lượng khách chuyển sang mua sắm nhu yếu phẩm qua thương mại điện tử sẽ vẫn lựa chọn hình thức này.

Không chỉ là thương mại điện tử trong nước, mà thương mại điện tử quốc tế cũng tăng trưởng trong đại dịch, tăng cả về quy mô doanh số lẫn số lượng quốc gia có đơn đặt hàng. Với vô vàn lựa chọn dễ dàng, tính đến tháng 2/2021, chi tiêu thương mại điện tử quốc tế đã tăng khoảng 25-30% so với tháng 3/2020.

Năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và quy mô khoảng 15 tỷ USD. Dự kiến, đến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt mức 35 tỷ USD, tương đương với việc mỗi người dân sẽ chi tiêu khoảng 600 USD/năm thông qua mua sắm online. Điều này cho thấy, Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về phát triển TMĐT, với tốc độ tăng trưởng thuộc top 3 trong khu vực Ðông Nam Á.

Bảo An

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang