Liên kết doanh nghiệp và hợp tác xã: Lời giải cho bài toán ‘khủng hoảng thừa’

author 06:20 31/10/2022

(VietQ.vn) - Việc đưa hợp tác xã vào chuỗi liên kết sản xuất của doanh nghiệp là hướng đi tất yếu, không chỉ đối với bản thân người nông dân và hợp tác xã, mà còn với cả nền nông nghiệp Việt Nam.

Có thời điểm, nhiều loại sản phẩm của các HTX có biểu hiện “khủng hoảng thừa”, khó tìm được thị trường tiêu thụ. Ảnh minh họa. 

Vai trò, vị trí quan trọng của HTX

Hợp tác xã (HTX) là tổ chức kinh tế tập thể (KTTT) khá phổ biến, hoạt động trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và hiện diện ở các nền kinh tế có trình độ phát triển khác nhau. Tại Việt Nam, mô hình kinh tế HTX đã hình thành và phát triển từ rất sớm. Mặc dù hiện nay, kinh tế hợp tác không phải là khu vực chính để tạo ra nhiều lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế, nhưng đối với một quốc gia nông nghiệp có hơn 69% dân số sống tại khu vực nông thôn, chiếm 48,7% toàn bộ lực lượng lao động, khu vực này vẫn có vai trò, vị trí quan trọng trong việc giải quyết việc làm, đảm bảo đời sống cho đông đảo người lao động, giải quyết vấn đề an ninh lương thực, tạo sự ổn định về chính trị - xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo một thống kê, giai đoạn 2016 - 2020, KTTT, HTX đã đóng góp trực tiếp khoảng 4,8% GDP cả nước và gián tiếp hơn 30% GDP thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên. Tính đến cuối năm 2020, cả nước có 26.040 HTX thu hút hơn 8,1 triệu thành viên. Tính riêng trong năm 2020, 96% HTX được chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động; quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên; tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt 56%; tổng doanh thu đạt hơn 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.900 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động 4,3 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt, cả nước có 1.718 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, 3.913 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tăng 1,5 lần so với năm 2019. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững; ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, đặc biệt là địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao nhận thức của xã hội và hệ thống chính trị đối với HTX kiểu mới.

Những năm gần đây, khi cả nước tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới thì việc hình thành và triển khai các mô hình HTX kiểu mới đang ngày càng được quan tâm đúng mức. Những chính sách hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới, những điều kiện về vay vốn, thế chấp tài sản, tổ chức cơ cấu lại hoạt động của HTX đang phát huy hiệu quả.

Riêng đối với HTX nông, lâm, ngư, diêm nghiệp còn được hưởng các chính sách: Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ chế biến sản phẩm; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trên cơ sở đó, đã xuất hiện nhiều mô hình HTX làm kinh tế giỏi, đã hỗ trợ hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của xã viên, hộ xã viên, đồng thời vươn lên trở thành những tổ chức kinh tế lớn mạnh, khẳng định được uy tín và vị thế trên thương trường. Một số HTX điển hình như: HTX trồng rau và hoa tại Đà Lạt, HTX trồng nấm ở Sóc Sơn - Hà Nội, HTX nông nghiệp ở Kiến Xương – Thái Bình, HTX dược liệu ở Lào Cai, các HTX trồng cây ăn quả ở Sơn La, Nghệ An…

Đưa HTX vào chuỗi liên kết sản xuất của doanh nghiệp

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các HTX vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập và hạn chế. Đa phần các HTX vẫn sản xuất theo phương thức tự phát: tự quyết định trồng cây gì, nuôi con gì, không biết trước ai sẽ mua, mua theo giá nào và mua với khối lượng bao nhiêu. Chất lượng sản phẩm chưa cao, phần nhiều còn ở dạng sơ chế, chưa xây dựng được thương hiệu thị trường hàng hóa nên sản phẩm ít vượt khỏi ranh giới địa phương.

Có thời điểm nhiều loại sản phẩm của các HTX có biểu hiện “khủng hoảng thừa”, khó tìm được thị trường tiêu thụ. Chẳng hạn như khủng hoảng thừa thịt lợn vào thời điểm tháng 9 - 10 vừa qua và mới đây nhất là tình trạng hàng nghìn xe container chở nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc ùn ứ tại các cửa khẩu của Lạng Sơn nhiều ngày nhưng chưa được thông quan đã khiến một số chủ hàng buộc phải đưa xe hàng quay đầu và đỗ dọc quốc lộ 1A để mở container bán đổ bán tháo với giá rẻ để gỡ lại phần nào chi phí.

Nhằm thay đổi thực trạng trên, việc đưa HTX vào chuỗi liên kết sản xuất của doanh nghiệp là hướng đi tất yếu, không chỉ đối với bản thân người nông dân và hợp tác xã, mà còn là đối với cả nền nông nghiệp Việt Nam. Trong chuỗi liên kết này, doanh nghiệp và HTX được xác định là hai “mắt xích” quan trọng nhất, bởi một bên – doanh nghiệp có vốn, kỹ thuật, công nghệ, quản trị, thị trường và một bên – HTX có sức lao động và đất đai.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khi thực hiện liên kết, doanh nghiệp giải quyết được vấn đề đất đai để sản xuất vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của các nhà máy chế biến, còn người nông dân thì giải quyết được vấn đề về kỹ thuật, công nghệ, quy trình sản xuất, tổ chức quản lý và thị trường đầu ra, hay nói cách khác người nông dân sẽ không còn phải lo trồng cây gì, nuôi con gì và bán cho ai.

Vì vậy, liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp cần được nâng lên ở mức độ cao hơn và cần có những điều khoản ấn định mức góp vốn của doanh nghiệp, quy định doanh nghiệp cử người tham gia điều hành HTX nông nghiệp, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, giám sát quá trình sản xuất của HTX, điều này không chỉ giúp cho hợp tác xã hoạt động tốt hơn, mà còn giúp phương thức liên kết giữa doanh nghiệp và HTX thêm chặt chẽ, phát huy thế mạnh của cả hai bên.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang