Liên tiếp phát hiện các công ty sản xuất phân bón giả

author 07:12 22/06/2022

(VietQ.vn) - Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa vừa phát hiện thêm một công ty sản xuất hàng giả là phân bón và đã khởi tố 3 bị can về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả".

 Lực lượng chức năng thu giữ phân bón giả.

Theo đó, Cơ quan CSĐT - Công an thành phố Thanh Hóa đã khởi tố vụ án “Sản xuất hàng giả là phân bón” xảy ra tại Công ty cổ phần phân bón Sông Mã, có địa chỉ tại Lô C4, khu công nghiệp Lễ Môn, thành phố Thanh Hóa. Đồng thời, CQĐT cũng khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 đối tượng về tội danh nêu trên, gồm: Nguyễn Xuân Quy (SN 1981); Lê Thế Hùng (SN 1993) và Lê Hưng Long (SN 1984), cùng ở thành phố Thanh Hóa.

Theo kết quả điều tra ban đầu, Công ty cổ phần phân bón Sông Mã đã sản xuất sản phẩm phân bón Hoa Nông chuyên thúc thiếu hàm lượng Silic khoảng 40% để bán ra thị trường với giá thành rẻ hơn, gây thiệt hại cho người nông dân. Công an thành phố Thanh Hóa đã thu giữ hơn 11 tấn phân bón Hoa Nông chuyên thúc không đảm bảo chất lượng nđể phục vụ công tác điều tra.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Hoàng Văn Cường (SN 1982, Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại tổng hợp Cường Phát) về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.

Được biết, cơ quan chức năng đã tiến hành mã hóa các mẫu phẩm để gửi trưng cầu giám định phân tích thành phần cấu thành sản phẩm. Qua đó phát hiện hơn 3000 tấn phân bón không đủ tiêu chuẩn, trong đó có hơn 100 tấn là hàng giả, không có giá trị sử dụng.

Theo Luật sư Phạm Quang Xá (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), kinh doanh, sản xuất phân bón giả là chế tạo, vận chuyển, buôn bán, cung ứng phân bón có hình dáng giống như loại phân bón được đơn vị khác sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, giả, nhái về nhãn mác đối với loại phân bón đã được bảo hộ.

Nghị định số 15/2010/NĐ-CP tại Điều 7 quy định hành vi sản xuất phân bón giả có giá trị tương đương với hàng thật từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng bị xử lý hành chính là phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 150 triệu đồng. Tại Điều 10 quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi kinh doanh phân bón giả có giá trị tương đương với hàng thật từ 1 triệu đồng đến 50 triệu đồng bị xử lý hành chính phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Hình phạt bổ sung đối với hai hành vi nêu trên là tịch thu và tiêu hủy toàn bộ hàng hóa giả, chịu toàn bộ chi phí tiêu hủy.

Tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 15 quy định: “Các hành vi vi phạm hành chính về sản xuất, gia công phân bón, kinh doanh phân bón giả quy định tại Nghị định này nếu có giá trị tương đương hàng thật từ 30 triệu đồng trở lên có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Về xử lý hình sự, Điều 195 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi đối với người có hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả thì tùy từng trường hợp, tình tiết, người này có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 20 năm và bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo thống kê từ Bộ Công thương, trung bình mỗi năm lực lượng Quản lý Thị trường bắt giữ khoảng 4.000 vụ phân bón giả. Thời gian qua, các ngành chức năng đã liên tiếp triệt phá hàng loạt cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón giả trên địa bàn cả nước.

Theo các chuyên gia, ngoài giá phân bón tăng cao thời gian qua, cả nước có quá nhiều cơ sở, nhà sản xuất (có tới trên 1.000 cơ sở với 7.000 chủng loại phân bón), nên phân bón giả dễ trà trộn, tiêu thụ dễ dàng và vượt tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý.

 An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang