Liệu pháp điều trị ung thư đạt giải Nobel 2018 đang được ứng dụng tại Việt Nam

author 12:12 06/10/2018

(VietQ.vn) - Tại Việt Nam đã ứng dụng liệu pháp làm tăng số lượng và chất lượng tế bào miễn dịch đủ mạnh để tiêu diệt các tế bào ung thư.

Giải Nobel Y học 2018 vừa được trao cho 2 nhà khoa học nghiên cứu ra một liệu pháp điều trị ung thư mới, kích hoạt tế bào miễn dịch của cơ thể để chúng nhận ra và tiêu diệt tế bào ung thư. 

Tác giả của công trình này là hai nhà khoa học danh tiếng GS Tasuku Honjo (76 tuổi, ĐH Kyoto, Nhật Bản) - người phát hiện ra PD1 và GS James P.Allison (70 tuổi, ĐH Texas, Mỹ) - người phát hiện ra CTLA4. Cả hai Giáo sư đều tìm ra lý do vì sao tế bào ung thư lại “trốn thoát” khỏi sự tiêu diệt của các tế bào miễn dịch.

PD1 và CTLA4 đều là tác nhân điều biến miễn dịch và có vai trò quan trọng trong bệnh học ung thư. Kháng thể kháng PD1 và kháng thể kháng CTLA4 đã chính thức trở thành thuốc điều trị ung thư mới nhất trên thế giới. Các thuốc trên có vai trò hoạt hóa và kéo dài tuổi thọ của các tế bào miễn dịch đặc hiệu để các tế bào này có thể nhận diện và tiêu diệt các tế bào ung thư.

Công trình nghiên cứu sử dụng liệu pháp miễn dịch chống một số bệnh ung thư vừa được trao tặng Giải Nobel Y học 2018 đã được ứng dụng ở Việt Nam. Đây là thông tin đáng mừng cho các bệnh nhân ung thư.

Bệnh nhân ung thư đang điều trị tại bệnh viện K (Ảnh: C.Q) 

Tại Việt Nam, GS Tạ Thành Văn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội - người học trò Việt Nam đầu tiên của GS Tasuku Honjo đã cùng cộng sự tại Đại học Y Hà Nội ứng dụng liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu tự thân từ đầu năm 2017, theo cơ chế tương tự với phát minh trên là tăng cường vai trò của hệ thống miễn dịch song với hướng tiếp cận khác.

Theo GS.Văn, với liệu pháp này, các tế bào miễn dịch của bệnh nhân được phân lập, nhân lên và biệt hoá ở ngoài cơ thể sau khi đạt được số lượng lớn thì được truyền trở lại cơ thể người bệnh. Bệnh nhân được lấy khoảng 10-30ml máu ngoại vi để phân lập các tế bào miễn dịch, nuôi cấy và hoạt hóa các chức năng chuyên biệt của các tế bào này trong môi trường đặc biệt. Sau khi đủ số lượng và có được các chức năng mong muốn (chức năng nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư), các tế bào miễn dịch sẽ được truyền trở lại cơ thể người bệnh, làm tăng số lượng và chất lượng tế bào miễn dịch đủ mạnh để tiêu diệt các tế bào ung thư.

Khi tiếp xúc với tế bào miễn dịch, tế bào ung thư làm bất hoạt 2 thụ thể nói trên khiến tế bào miễn dịch không nhận ra tế bào ung thư. Nhờ phát minh của hai giáo sư, ngành dược đã sản xuất ra kháng thể kháng lại hai thụ thể PD-1 và CLTA-4, giúp tế bào miễn dịch nhận ra tế bào ung thư để tiêu diệt đích. Phương pháp này đã được thế giới áp dụng và được coi là phương pháp chính thức để điều trị ung thư và đã có hướng dẫn cụ thể.

Hiện đề tài này đã được Bộ Y tế phê duyệt và đã thử nghiệm lâm sàng được gần 2 năm trên 75 bệnh nhân mắc 5 loại ung thư phổ biến: Phổi, gan, vú, dạ dày và đại trực tràng ở giai đoạn 3b và 4. Theo GS Văn, kết quả thu được ban đầu rất khả quan, giúp các bệnh nhân ung thư cải thiện rất rõ rệt về triệu chứng lâm sàng như: Ăn được, ngủ tốt hơn, bớt đau, thể trạng cải thiện, chất lượng sống được nâng cao, chưa ghi nhận phản ứng phụ.

Một số bệnh nhân đáp ứng rất tốt, có trường hợp ở ranh giới sống - chết nhưng giờ đã khoẻ mạnh bình thường. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục đánh giá về hiệu quả dài lâu của phương pháp này.

Tính tới năm 2018, mỗi năm ở nước ta có khoảng 164.671 ca mới mắc ung thư, tỉ lệ mới mắc/100.000 dân là 151,4 ca, đứng thứ 87/186 quốc gia có báo cáo số liệu ung thư; và 114.871 ca tử vong do ung thư, tỉ lệ tử vong/100.000 dân là 104,4 đứng thứ 130/186 quốc gia có báo cáo số liệu ung thư. Những con số trên là hồi chuông cảnh báo thực trạng người bệnh thường đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn. Rất nhiều bệnh nhân ung thư đã mất hy vọng khi phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối. 

 Nguyễn Huệ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang