Lợi ích khi áp dụng tiêu chuẩn ISO 26000 về trách nhiệm xã hội

author 13:36 14/08/2024

(VietQ.vn) - Áp dụng tiêu chuẩn ISO 26000 mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: Tăng cường uy tín và hình ảnh của công ty; Tạo môi trường làm việc lành mạnh và công bằng; Đáp ứng yêu cầu của thị trường; Tuân thủ hiệu quả các quy định pháp luật về vấn đề kinh doanh, môi trường, chất lượng sản phẩm hàng hóa… trên thế giới;…

Ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn đánh giá trách nhiệm xã hội. Ảnh minh họa.

Đánh giá trách nhiệm xã hội không chỉ đơn thuần là xu hướng mà đã trở thành tín hiệu mạnh mẽ về sự tiến bộ của doanh nghiệp thời hiện đại. Từ đó thể hiện sự nhạy bén đáng kể về vai trò của doanh nghiệp không chỉ trong việc tạo ra lợi nhuận, mà còn góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững.

ISO 26000 là tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế (ISO) về hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng và thực hiện trách nhiệm xã hội một cách hiệu quả.

Tiêu chuẩn bao gồm các hướng dẫn tự nguyện và không có yêu cầu về một hệ thống quản lý đạt chuẩn cụ thể, do đó nó không thể được chứng nhận giống như những tiêu chuẩn ISO khác (ISO 9001 về hệ thống quản lý chất lượng, ISO 14001 về hệ thống quản lý môi trường,...).

Áp dụng tiêu chuẩn ISO 26000 mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: Tăng cường uy tín và hình ảnh của công ty; Tạo môi trường làm việc lành mạnh và công bằng; Đáp ứng yêu cầu của thị trường; Tuân thủ hiệu quả các quy định pháp luật về vấn đề kinh doanh, môi trường, chất lượng sản phẩm hàng hóa… trên thế giới;

Xây dựng nền tảng kinh doanh bền vững là bước đệm giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ; Cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ với tiềm năng lợi nhuận; Tăng lòng trung thành và cam kết của người lao động đối với doanh nghiệp; Tăng năng suất, tối ưu hiệu quả quản lý;…

Tiêu chuẩn ISO 26000 giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ với tiềm năng lợi nhuận. (Ảnh minh họa)

Nội dung chính của tiêu chuẩn ISO 26000 được cấu trúc như sau: Thứ nhất là phạm vi - xác định phạm vi của tiêu chuẩn này và nhận biết những hạn chế và ngoại lệ nhất định;

Thứ hai là thuật ngữ và định nghĩa - xác định và cung cấp định nghĩa của các thuật ngữ chính có tầm quan trọng cơ bản cho việc hiểu về trách nhiệm xã hội và sử dụng tiêu chuẩn này;

Thứ ba là hiểu biết về trách nhiệm xã hội - mô tả các yếu tố và điều kiện quan trọng có ảnh hưởng đến việc phát triển trách nhiệm xã hội và còn tiếp tục tác động đến tính chất và thực hành trách nhiệm xã hội. Điều này cũng mô tả khái niệm trách nhiệm xã hội - có nghĩa là gì và được áp dụng như thế nào với tổ chức. Điều này bao gồm hướng dẫn cho các tổ chức quy mô nhỏ và vừa áp dụng tiêu chuẩn này.

Thứ tư là nguyên tắc trách nhiệm xã hội - giới thiệu và giải thích các nguyên tắc trách nhiệm xã hội: trách nhiệm giải trình, minh bạch, hành vi đạo đức, tôn trọng lợi ích của các bên liên quan, tôn trọng nguyên tắc pháp quyền, tôn trọng các chuẩn mực hành vi quốc tế, tôn trọng quyền con người;

Thứ năm là nhận biết về trách nhiệm xã hội và việc tham gia của các bên liên quan - đề cập đến sự thừa nhận của một tổ chức đối với trách nhiệm xã hội của mình, đồng thời xác định và gắn kết các bên liên quan của tổ chức, doanh nghiệp;

Thứ sáu là hướng dẫn về các đối tượng chính, chủ đề cốt lõi của trách nhiệm xã hội - giải thích các chủ đề cốt lõi và vấn đề kèm theo liên quan đến trách nhiệm xã hội. Đối với từng chủ đề cốt lõi, thông tin được cung cấp bao gồm phạm vi, mối quan hệ với trách nhiệm xã hội, các nguyên tắc và xem xét liên quan, cũng như các hành động và mong đợi liên quan;

Thứ bảy là hướng dẫn về việc tích hợp trách nhiệm xã hội trong toàn bộ tổ chức - cung cấp hướng dẫn về việc đưa trách nhiệm xã hội vào thực tiễn trong một tổ chức. Điều này gồm hướng dẫn liên quan đến: hiểu biết về trách nhiệm xã hội của tổ chức, tích hợp trách nhiệm xã hội trong toàn bộ tổ chức, truyền thông về trách nhiệm xã hội, cải thiện sự tin cậy của tổ chức về trách nhiệm xã hội, tiến trình xem xét, cải tiến hiệu năng và đánh giá các sáng kiến tự nguyện đối với trách nhiệm xã hội.

Tiêu chuẩn ISO 26000 phù hợp với tất cả loại hình tổ chức trong khu vực tư nhân, nhà nước và các tổ chức phi lợi nhuận dù cho quy mô lớn hay nhỏ và tổ chức hoạt động ở nước phát triển hay đang phát triển.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang