Luật sư kể chuyện "bi hài án" (Bài 2)

author 07:11 15/02/2013

(VietQ.vn) - Không bỏ qua từng chi tiết nhỏ trong mỗi vụ án, buồn trước thực trạng vi phạm pháp luật của giới trẻ bắt nguồn từ những sự việc rất nhỏ đã không kìm nén được bản thân dẫn đến việc gây tội ác và sự cảm thông trước những giọt nước mắt muộn màng của bị cáo.

Được thay đổi tội danh từ chi tiết nhỏ

Trong số những thân chủ cũ, có nhiều người coi luật sư Hà Đăng, Đoàn luật sư Hà Nội là ân nhân cứu mạng, họ vẫn thường xuyên đi lại, thăm ông. Ông bảo, đó là sự “giàu có” mà gần 30 năm trong nghề bào chữa cho thân chủ ông tạo dựng được.

Thân chủ trong vụ án giết người ở nhà máy chè Kim Anh là một ví dụ. Ông Trần Văn B, bảo vệ của nhà máy chè Kim Anh, trên đường về nhà để thay quần áo, chuẩn bị đi trực đêm, khi đi ngang qua cổng làng gặp một tốp thanh niên đang ngồi giữa cổng làng, đám thanh niên giữ lại dọa đánh.

Ông B xin tha, rồi về nhà. Ngày đó, ông B làm bảo vệ được công ty trang bị súng để làm nhiệm vụ nhưng thường để súng ỏ nhà.

Luật sư hành nghề

Khi ông đi làm, qua đám thanh niên khi nãy, thấy ông vác súng, tốp thanh niên liền xông vào đánh ông tới tấp, buộc ông phải nổ súng bắn gẫy chân một thanh niên. Sau đó, cơ quan điều tra đề nghị truy tố ông về tội giết người.

Để bào chữa cho bị cáo B, ông đã tìm hiểu rất kỹ, xác minh tất cả những tình tiết trong vụ án và phát hiện một tình tiết mới. Trên mu bàn tay phải của người thanh niên bị hại có một vết rách nhỏ. Trong lời khai của bị cáo B cũng thể hiện rõ, trong lúc xô xát ông bị một thanh niên đánh gẫy một cái răng, sau đó ông mới nổ súng, lời khai này của ông B phù hợp với vết rách trên tay người bị hại.

Trước những chứng cứ rõ ràng của mình khi cung cấp trước tòa. Tòa án đã tuyên bị cáo B phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và bị xử án treo. Không thể tả nổi sự mừng vui, sắp chết vớ được cọc của ông B lúc đó.

“Vừa nghe tòa tuyên án xong, ông B quay về phía tôi, quỳ xuống cúi lạy. Trên khuôn mặt bị cáo và thân nhân nhạt nhòa những giọt nước mắt mừng vui khôn xiết. Thú thực, chứng kiến cảnh đó tôi cũng không kìm lòng được và tôi đã khóc”, luật sư Hà Đăng kể.

Đến bây giờ ông B vẫn thỉnh thoảng vẫn nhắc lại lời tôi nói lúc đó trước tòa rằng “ bị cáo hãy cảm ơn hội đồng xét xử, vì chính sự công tâm của hội đông xét xử đã xử bị cáo đúng người, đúng tội”. Từ đó đến nay cứ chiều 30 tết nguyên đán vợ chồng ông B lại đến nhà luật sư Hà Đăng để gặp lại ân nhân.

Giọt nước mắt biết ơn muộn màng của thân chủ

Có vụ án anh nhận bào chữa cho thân chủ bị khép vào tội tử hình nhưng bị cáo vẫn vui vì những điều mà luật sư phân tích đã nói thay điều suy nghĩ của bị cáo ấp ủ từ trước chưa có dịp thổ lộ. Ngay cả hội đồng xét xử cũng không cầm được những giọt nước mắt xót thương, nhưng “kẻ gieo gió ắt phải gặp bão”, pháp luật sẽ không dung tha cho những ai phạm tội.

Vụ giết người ở Hà Nội gây xôn xao dư luận thủ đô cách đây không lâu là một ví dụ. Dương – bị cáo phạm tội giết người, trong khi đang ngồi ăn tối cùng bạn gái trên hè phố Hà Nội.

Vụ án được tóm tắt như sau. Khi bị cáo Dương cùng bạn gái đang ăn tối trên vỉa hè thì có ông bán chó con đi ngang qua chào mua.

Thấy vậy, bạn gái – người yêu của Dương hỏi mua. Đang cùng người yêu vừa ăn vừa tâm sự nên Dương bảo người bán chó “ông đi đi”. Nghe Dương nói vậy, ông bán chó liền cự lại “cậu không mua, thì để người khác mua”. Nghe vậy, Dương liền bảo, “ông không đi tôi chém chết chó bây giờ”. Ông bán chó tiếp lời “mày chém được thì chém đi”.

Sĩ diện, xen lẫn sự tức giận, Dương vớ ngay con dao chặt thịt gà trên bàn của quán phở chém con chó con đứt làm hai khúc. Thấy vậy, ông bán chó thách đố, “cậu chém được chó của tôi, có chém được tôi thì chém đi”. Đang điên máu, sẵn con dao trên tay Dương đâm ông bán chó một nhát, khiến ông bán chó chết ngay tại chỗ.

Dương bị bắt và bị truy tố về tội giết người. Để bào chữa cho bị cáo trong vụ án này, luật sư Hà Đăng đã tìm hiểu kỹ về gia đình bị cáo, thấy hoàn cảnh rất éo le. Bố Dương là thương binh. Từ nhỏ Dương đã phải sống trong cảnh thiếu thốn tình cảm do bố mẹ ly hôn, lúc có bố thì không có mẹ và thiếu hẳn sự giáo dục mà mọi người thường gọi là gia đình. Do vậy, khi Dương có người yêu, hắn tha thiết, mong muốn, khát khao đến cháy bỏng sẽ có một gia đình trong tương lai với cô người yêu.

Nhưng từ những lời giao dịch rất bình thường giữa Dương và người bán chó như đã nêu ở trên,  thể hiện chính Dương đang muốn yên ổn, “ông đi đi” và hậu quả mà người bán chó – nạn nhân đã chết là do chính nạn nhân tạo ra. “Mày chém được chém đi”, đó là lời thách đố của người bán chó, người bị hại chính là chủ mưu trong vụ án, bị cáo chỉ là người thực hiện.

Chính ra, khi Dương chém chết chó, người bán chó phải ra báo cáo chính quyền, sẽ không vấn đề gì xảy ra. Một người thiếu tình cảm như Dương đang khao khát một gia đình yên ấm trong tương lai, hành động  giết người của  Dương là hành động vô thức.

Trước khi chém người bán chó, Dương đang ngồi trên nghế, còn người bán chó đứng gần, vị trí đâm của Dương chỉ là phần ngực, do vậy hắn đã đâm một nhát trúng tim của nạn nhân. Đâm xong, hắn tỉnh ngộ và bỏ chạy. Điều này thể hiện sự thiếu thốn hay nói cách khác là sự mất mát tình cảm từ nhỏ của hắn.

Ngay chính bố mẹ - người dứt ruột đẻ đau ra hắn còn bỏ rơi hắn cho xã hội, mặc cho hắn muốn làm gì thì làm, chính vì điều này khẳng định Dương cũng là nạn nhân. Nguyên nhân dẫn tới việc bố mẹ hắn bỏ nhau là do bố Dương là thương binh – hậu quả của chiến tranh, không còn đủ sức lao động lo cuộc sống cho cả gia đình. Dẫn tới việc bố mẹ hắn chia tay, không ai chăm lo cho hắn.

Việc Dương phạm tội giết người trong vụ án này Dương sẽ bị xử tử hình theo quy định của pháp luật, nhưng về mặt tình luật sư Hà Đăng đã đề nghị hội đồng xét xử xem xét để Dương được giảm án.

Kể đến đây luật sư Hà Đăng dừng lại trầm ngâm, những kỷ niệm gần 30 năm nghề tràn về trào dâng trong ông, tôi nhìn thấy trong khóe mắt của anh chứa đựng niềm thương cảm cho một kiếp người lầm lỗi.

Ông không thể quên được hình ảnh và câu nói trong nước mắt dàn giụa của Dương khi nghe tòa vừa tuyên án hắn chịu mức án cao nhất, tử hình “chào anh, em xuống trước, em không còn ân hận điều gì trên đời này mặc dù phải chết. Hôm nay, anh đã nói hộ em tất cả những điều từ trước tới nay em phải chịu mà không nói được, cảm ơn anh lần cuối”.

Mỗi vụ án, mỗi nỗi buồn riêng mà người luật sư đều chứng kiến và phải trải qua. Trong khuôn khổ bài viết này tôi không thể kể hết những vụ án, những nỗi niềm của người luật sư đã trải qua. Chỉ hôm nay, nghe ông kể trong một không gian đầy tâm sự này tôi mới hiểu được và thông cảm phần nào nghề “thầy cãi”. Ngoài trời, mưa vẫn rơi, nhỏ những giọt tí tách trên mái tôn nhà ai đó nghe thật buồn.
 

Nguyễn Tiến - Đan Lê

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang