Mặt cầu Thăng Long lún, nứt: Chuyên gia Nga từng thi công sẽ tìm phương án xử lý

authorHòa Lê 11:53 23/08/2018

(VietQ.vn) - Lần kiểm tra gần đây cho thấy, mặt đường trên cầu Thăng Long bị rạn nứt khoảng gần 9.000 m2. Diện tích hằn lún tổng cộng gần 2.000 m2.

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có báo cáo về tình trạng hư hỏng của cầu Thăng Long. Mặt đường bê tông nhựa trên năm dàn thép cầu chính bị hằn lún, rạn nứt nhiều chỗ.

Lần kiểm tra gần đây cho thấy, mặt đường bị rạn nứt khoảng gần 9.000 m2. Diện tích hằn lún tổng cộng gần 2.000 m2. Vạch sơn mòn, sơn tim đường bị biến dạng, 4 trong 8 khe co giãn cầu bị hư hỏng và được che tạm bằng tấm thép để đảm bảo an toàn giao thông.

Bộ Giao thông đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ sửa chữa hư hỏng phần mặt cầu để đảm bảo an toàn giao thông. Các chuyên gia trong nước đánh giá việc sửa chữa cầu Thăng Long rất phức tạp do đặc thù mặt đường bê tông nhựa được trải trên giàn thép.

Mặt cầu Thăng Long nứt toác: Mời chuyên gia Nga sang nghiên cứu

 Cầu Thăng Long thường xuyên bị hằn lún, rạn nứt. Ảnh: Bá Đô

Theo đó, đại diện Tổng cục Đường bộ cho biết đã liên hệ mời chuyên gia và nhà thầu của Nga từng thi công xây dựng cầu Thăng Long tham gia nghiên cứu, sửa chữa triệt để cầu Thăng Long.

Tổng cục cũng cho biết, phía Nga đã đồng ý hợp tác và đề nghị chuyển tài liệu cho họ nghiên cứu trước, Nga sẽ khảo sát tình hình thực tế.

Trong lúc chờ phía Nga, Tổng cục Đường bộ cũng đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải ba phương án xử lý mặt cầu Thăng Long.

Theo đó, phương án 1: Sửa chữa tổng thể cả bản thép mặt cầu; khắc phục, tăng cường dính bám, chống trượt lớp bê tông nhựa trên mặt thép theo hướng khôi phục lại nguyên lý thiết kế của Liên Xô trước đây. Giải pháp này, Tổng cục Đường bộ đánh giá, có thể sẽ khắc phục được hết các hư hỏng trên nhưng có nhược điểm là tốn kém kinh phí; kéo dài thời gian; đảm bảo giao thông khó khăn; thi công lớp bản thép trực hướng khó khăn do kết cấu dàn thép đã có chuyển vị và đường sắt không thể dừng khai thác; thủ tục liên quan đến đánh giá tác động lên kết cấu dàn thép phức tạp.

Phương án 2: Chỉ thí điểm sửa chữa lớp bê tông nhựa mặt cầu như phương án 1, không sửa chữa phần kết cấu thép. Tuy nhiên, phương án này sẽ không xỷ lý được triệt để hiện tượng nứt dọc do bản thép bị mỏi, suy giảm khả năng chịu tải.

Phương án 3: Cho hàn lưới thép trên bản thép mặt cầu, sau đó làm lớp dính bám như phương án 1 và thảm bê tông nhựa. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại trong quá trình hàn sẽ phát sinh nhiệt có thể làm biến dạng bản thép và trong quá trình khai thác, biến dạng và dao động của bản thép làm bong bật các mối hàn.

Hòa Lê (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang