Mua bán rắn hổ mang chúa để ngâm rượu có thể bị xử lý hình sự

author 11:39 29/06/2017

(VietQ.vn) - Nhiều người sẵn sàng chi tiền "khủng" để có những bình rượu rắn hổ mang chúa mà không biết rằng chính họ đang tiếp tay cho hành vi săn bắt động vật hoang dã.

Rắn hổ mang chúa là loài rắn độc dữ tợn nhất trong các loài rắn hổ. Tùy vùng mà có nơi còn gọi rắn hổ chúa là rắn hổ mây. Người bị rắn hổ mang chúa cắn nếu không được sơ cứu, chữa trị kịp thời, đúng cách sẽ chết sau nửa giờ, bởi độc tố của chúng thuộc loại… cực độc.

Trong lịch sử, rắn hổ mang chúa được tôn trọng hoặc thậm chí tôn sùng do tín ngưỡng văn hóa bản địa trong phạm vi sinh sống của loài. Tuy nhiên, ngày nay số lượng rắn hổ mang chúa sụt giảm đáng kể tại nhiều nơi phân bố. Do con người phá rừng khai thác gỗ, lấy đất canh tác hay mở rộng đất định cư. Rắn hổ mang chúa cũng bị săn bắt lấy thịt, da, mật hoặc nọc độc... Loài này còn bị săn bắt trái phép với mục đích buôn lậu động vật quốc tế.

 Bể rắn hổ mang chúa của một đại gia. Ảnh: Internet

Mới đây, một đại gia Hà Nội đã chi 10.000 USD (gần 300 triệu đồng) để sở hữu một con rắn hổ mang chúa nặng đến 45kg. Theo dự đoán của người mua, con hổ mang chúa này có tuổi đời khoảng 50 - 70 năm. Ngoài ra, một “đại gia” khác ở Tuyên Quang cũng sở hữu chiếc bể thủy tinh cường lực có độ dài 1,4m, rộng 0,5m, ngâm một con hổ chúa khổng lồ. Con mãng xà này nặng 23kg, được ông K. mua được từ một đầu nậu rắn với giá 100 triệu đồng.

Theo luật sư Đặng Văn Cường phân tích: "Hiện nay, tất cả các loài động vật hoang dã (ĐVHD) đều được bảo vệ trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng số 29/2004/QH11. Riêng các loài như hổ, gấu, voi , cu li,…được bảo vệ trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về việc quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, thuộc nhóm IB (nhóm các loài động vật nghiêm cấm khai thác vì mục đích thương mại) và một số loài như khỉ, cầy (chồn), kỳ đà, kỳ đà vân, kỳ đà hoa, một số loài rắn, rùa,…cũng được bảo vệ trong Nghị định này, thuộc nhóm IIB (nhóm các loài động vật hạn chế khai thác vì mục đích thương mại). 

Theo danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (Ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ)​ Nhóm II. B, rắn hổ mang thuộc thứ tự số 68 thuộc nhóm II. B là động vật cấp quý hiếm cần được bảo tồn, bảo vệ. Vi phạm đối với các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm tùy theo mức độ, giá trị tang vật sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 500 triệu đồng đối với cá nhân và 1 tỉ đồng đối với tổ chức hoặc xử lý hình sự lên tới 7 năm tù giam".

Điều khiển ô tô, xe máy không bật đèn khi trời tối nguy hiểm khôn lường(VietQ.vn) - Đối với người điều khiển ô tô, xe máy, sau tác dụng chiếu sáng, việc bật đèn còn có tác dụng để xe khác dễ nhìn thấy mình hơn tránh xảy ra tai nạn giao thông đáng tiếc.

Rắn hổ mang chúa dù có nọc độc chết người nhưng cũng không thể bảo vệ được chính bản thân chúng trước sự hám lợi đồng tiền... của con người. Số phận của "chúa tể loài rắn" ngày càng hẩm hiu với nguy cơ tuyệt chủng đang đến rất gần!

Y học chính thống đến nay chưa có nghiên cứu nào đánh giá đầy đủ hiệu quả điều trị của các bài thuốc có dùng con rắn. Các tác dụng nếu có chỉ mới dừng lại ở mức độ dinh dưỡng. Bên cạnh đó, quá trình sơ chế - ngâm, bảo quản rắn và bản thân con rắn cũng có những thành phần vi khuẩn, độc chất khó kiểm soát. Do đó, uống rượu rắn có thể bị ngộ độc, không tốt và không nên dùng. 

BỘ LUẬT HÌNH SỰ 1999 sửa đổi năm 2009 quy định:

Điều 190. Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm

1. Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật đó, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;
d) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Ninh Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang