Ngân hàng thế giới cảnh báo mức giảm của năng suất lao động ở Việt Nam

author 16:01 07/09/2015

(VietQ.vn) - Trong vòng 15 năm qua, năng suất lao động của Việt Nam đã giảm, nếu không bảo đảm năng suất lao động sẽ khó bảo đảm được mức tăng trưởng trong tương lai.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Chiều 11/9, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc với bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và các thành viên trong đoàn về Báo cáo dân số tầm nhìn đến năm 2035.

Phát biểu trong buổi làm việc, bà Victoria Kwa Kwa nhận định, trong khoảng 30 năm nay, Việt Nam đã có bước cải cách và đạt được sự phát triển kinh tế tốt. Tuy nhiên, trong vòng 15 năm qua năng suất lao động của Việt Nam đã giảm, nếu không bảo đảm năng suất lao động sẽ khó bảo đảm được mức tăng trưởng trong tương lai.

Năng suất lao động Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương

Năng suất lao động Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương

Liên quan đến năng suất lao động hiện nay ở Việt Nam, theo TS. Hồ Đình Bảo - Nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế Quốc dân từng nhấn mạnh trong Hội thảo Kinh tế Việt Nam 9 tháng được tổ chức vào ngày 11/9 rằng, năng suất lao động theo giờ của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia, còn năng suất lao động tổng hợp thì rất thấp.

Thực tế, Việt Nam hiện đang kém xa năng suất lao động của những nước tương đồng trong phát triển kinh tế như Thái Lan. "Theo một báo cáo, nếu như tốc độc tăng năng suất lao động của Việt Nam và Thái Lan như hiện nay thì phải đến năm 2069 - tức là 54 năm nữa thì năng suất lao động của Việt Nam mới bằng Thái Lan", TS. Hồ Đình Bảo trích dẫn.

Cụ thể, năng suất lao động hiện nay của Việt Nam đang thấp hơn 18 lần so với Singapore, thấp hơn Hàn Quốc 11 lần, Malaysia 7 lần, Thái Lan 3 lần, Trung Quốc 3 lần, Indonesia và Philippines 2 lần. Năng suất tổng hợp của Việt Nam chỉ xấp xỉ Lào và cao hơn Campuchia 36,4%. Điều này sẽ khiến cho quá trình hội nhập của Việt Nam rất khó khăn.

Không chỉ dừng lại ở đó, nếu tính năng suất lao động theo giờ công, trong năm 2012, một giờ lao động của một người lao động Singapore tạo ra được 49,5 USD giá trị gia tăng, người Nhật Bản tạo ra 38,4 USD, người Hàn Quốc tạo ra 24,4 USD, người Malaysia tạo ra 20,5 USD..., một giờ của một người lao động Việt Nam chỉ tạo ra được 3,4 USD.

Nếu tính theo năng suất lao động theo giờ công, giá trị gia tăng do người lao động Việt Nam tạo ra cũng rất thấp so với các nước khác

Nếu tính theo năng suất lao động theo giờ công, giá trị gia tăng do người lao động Việt Nam tạo ra cũng rất thấp so với các nước khác

Mặt khác, tốc độ về tăng năng suất lao động cũng đang chậm dần lại. Bàn về năng suất lao động của Việt Nam hiện nay, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cũng nhận định, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay rất thấp. "Nhìn từ 2010 đến nay, năng suất lao động của ASEAN vẫn gấp 2/3 lần Việt Nam. Ngay cả như Lào, trong mấy năm liên tục năng suất lao động vẫn bám sát Việt Nam” – ông Tuấn phát biểu.

Đồng tình với những nhận định trên, bà Nguyễn Thị Minh, Trưởng khoa Nông nghiệp - ĐH Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, những đánh giá hay các báo cáo của Ngân hàng thế giới đều đúng. Theo đó, năng suất lao động của Việt Nam từ năm 1985 đến 2011 đều ở mức thấp nhất, thấp hơn cả Lào và Campuchia.

Trong tính toán của Ngân hàng thế giới, năng suất lao động trong ngành nông nghiệp lúc nào cũng thấp nhất và tốc độ tăng trưởng năng suất lao động cũng thấp, làm cho thu nhập của nông nghiệp tụt hậu so với toàn bộ nền kinh tế.

Trước tình hình này, trên cơ sở phân tích về sự yếu kém trong năng suất lao động của Việt Nam, TS. Hồ Đình Bảo đưa ra 6 khuyến nghị, trong đó nhấn mạnh năng suất lao động phải trở thành động lực cốt lõi dẫn dắt tăng trưởng.

Cải thiện năng suất lao động là vấn đề cấp bách để Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh

Cải thiện năng suất lao động là vấn đề cấp bách để Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh (số liệu cuối năm 2014)

"Việt Nam cần vực dậy làn sóng tăng trưởng dựa vào các nhân tốt khởi nguồn tăng trưởng mới thay thế cho sự hụt hơi của những động lực tăng trưởng cốt lõi trước đây. Trong đó, phải đẩy mạnh cải hiện năng suất nội ngành, nội khu vực thông qua cải tiến công nghệ, quy mô và trình độ lao động.

Ngoài ra, Chính phủ phải nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước. Đây mới chính là khu vực đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng năng suất lao động trong giai đoạn sắp tới", TS. Bảo nói.

Minh Thùy

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang