Tăng năng suất ngành dệt may nhờ sợi len làm từ xương động vật

author 15:44 01/08/2015

(VietQ.vn) - Các nhà khoa học đã tìm ra cách thức biến sản phẩm thải từ các lò giết mổ gia súc, gia cầm như xương, da,… thành sợi len siêu mềm, giúp nâng cao năng suất chất lượng của toàn ngành dệt may.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Các sản phẩm len luôn được lòng người tiêu dùng trên toàn thế giới. Hiện nay, hầu hết đồ len trên thị trường đều được làm bằng sợi kéo từ lông động vật hoặc các loại sợi từ thực vật khác. Tuy nhiên kết quả từ một công trình nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Thụy Sỹ hứa hẹn sẽ giúp giảm áp lực cho các nhà máy dệt cần nguyên liệu trực tiếp từ lông động vật, từ đó nâng cao năng suất chất lượng của toàn ngành dệt may.

Theo đó, nhóm các nhà nghiên cứu đến từ  Viện công nghệ liên bang Thụy Sỹ (ETH Zurich) do giáo sư Wendelin Stark dẫn đầu đã phát triển thành công phương pháp tạo ra sợi len mềm từ sản phẩm thải ra của các lò giết mổ. Đặc biệt, các sản phẩm được tạo ra không có điểm khác biệt lớn so với sợi len thông thường và theo thời gian, nhóm nghiên cứu thậm chí sẽ tìm ra được cách giúp chúng trở nên mềm nhẹ hơn hẳn.

Chiếc găng tay đầu tiên làm từ sợi len mới, mở ra khả năng nâng cao năng suất chất lượng toàn ngành dệt may

Chiếc găng tay đầu tiên làm từ sợi len mới, mở ra khả năng nâng cao năng suất chất lượng toàn ngành dệt may

Được biết, ý tưởng về cách chế tạo sợi len mới bắt nguồn từ thực tế rằng có một số lượng lớn chất thải động vật đang sản sinh ra hàng ngày từ các lò giết mổ. Trong suốt 4 năm, nhóm nghiên cứu đã tập trung phát triển một loại sợi len siêu mềm được làm từ collagen tận dụng được từ các sản phẩm của động vật như da, dây chằng, xương hoặc gân.

Cụ thể, chất Gelatin được sản sinh từ các sản phẩm động vật sẽ được đốt nóng trong một bể hóa chất. Sau quá trình chiết xuất với một ống kim tiêm và quá trình ép chặt, các nhà nghiên cứu đã thu được một loại sợi siêu nhỏ. Ngoài ra, nhờ một cỗ máy đặc biệt, toàn bộ quá trình trên sẽ được tự động hóa và tiết kiệm khá nhiều thời gian.

Lợi ích của loại sợi len mềm này là rất đa dạng, trong đó có việc giúp giảm sự tác động của ngành dệt may tới môi trường. Đồng thời nếu như được ứng dụng rộng rãi, các doanh nghiệp sẽ giúp hạn chế được hàng triệu tấn chất thải động vật sinh ra tại các lò mổ trên thế giới mỗi năm cũng như tiết kiệm đáng kể chi phí nguyên vật liệu.

Không chỉ giúp nâng cao năng suất, sợi len mới còn giúp các doanh nghiệp dệt may tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu và bảo vệ môi trường

Không chỉ giúp nâng cao năng suất, sợi len mới còn giúp các doanh nghiệp dệt may tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu và bảo vệ môi trường

Tuy nhiên, do các sợi len mềm này được làm từ gelatin, loại chất thường gặp tình trạng bị hòa tan khi tiếp xúc với nước nên dẫn tới nguy cơ các sản phẩm làm từ len của người dùng có thể sẽ bị "biến mất" khi gặp trời mưa. Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học đang tính tới việc bổ sung các hóa chất đặc biệt để giảm tác động của môi trường lên sản phẩm.

Với mục tiêu nâng cao năng suất chất lượng ngành dệt may, trước đó, các nhà khoa học cũng từng bỏ nhiều công sức chế tạo loại vải thông minh biết phát điện để có thể ứng dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp dệt may. Theo đó, các lớp vải tráng bạc cọ sát với lớp màng polymer hữu cơ và thông qua sự ma sát đó, điện được sinh ra, giúp thắp sáng hoặc sạc thiết bị điện tử.

Minh Thùy

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang