Nâng tầm doanh nghiệp Việt khi tham gia EVFTA

author 07:02 10/06/2020

(VietQ.vn) - Việc tham gia làm ăn kinh doanh với thị trường châu Âu là cơ hội để doanh nghiệp Việt nâng tầm hoạt động kinh doanh bởi EVFTA đòi hỏi tuân thủ chuẩn mực rất cao về trách nhiệm xã hội, quan hệ lao động, môi trường…

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được Quốc hội bỏ phiếu thông qua, có hiệu lực từ 1/8/2020. Đây là kết quả của quá trình thương thảo kéo dài nhiều năm. Hai bên bắt đầu đàm phán về EVFTA vào đầu năm 2010 và lễ ký kết diễn ra tại Hà Nội vào tháng 6 năm ngoái. Nghị viện châu Âu ngày 12/2 chính thức thông qua hiệp định.

Theo thỏa thuận, 65% hàng hóa xuất khẩu từ các thành viên EU vào Việt Nam sẽ được miễn thuế, 71% hàng xuất khẩu của Việt Nam cho liên minh châu Âu cũng không phải đóng thuế. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Trao đổi về vấn đề trên, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, khi thực hiện EVFTA, doanh nghiệp Việt có điều kiện tiếp cận một trong những thị trường rộng lớn và giàu có hàng đầu thế giới với gần 500 triệu dân. Chúng ta có điều kiện khơi thông dòng chảy đầu tư có chất lượng cao từ châu Âu, bởi nơi đây khởi nguồn rất nhiều chuỗi giá trị toàn cầu có chất lượng hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, việc tham gia làm ăn kinh doanh với thị trường châu Âu là cơ hội để doanh nghiệp Việt nâng tầm hoạt động kinh doanh của mình, bởi EVFTA đòi hỏi tuân thủ chuẩn mực rất cao về trách nhiệm xã hội, quan hệ lao động, môi trường…

Tham gia làm ăn kinh doanh với thị trường châu Âu là cơ hội để doanh nghiệp Việt nâng tầm hoạt động kinh doanh. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội là thách thức rất lớn. Doanh nghiệp phải bảo đảm các yêu cầu về xuất xứ nghiêm ngặt khi EVFTA buộc doanh nghiệp phải có nguyên liệu, vật tư từ trong nước hoặc từ châu Âu; nhưng đây cũng là áp lực để phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước. Khi mở cửa thị trường này cũng có nghĩa chúng ta chấp nhận cạnh tranh với những doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới, vì vậy doanh nghiệp nội địa phải nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình.

Để doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ EVFTA, ông Lộc cho hay, nhìn từ việc thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sau một năm rưỡi có hiệu lực, rất nhiều văn bản đã ban hành chậm trễ, sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa hài hòa. Không để tình trạng này tái diễn với EVFTA là điều rất quan trọng. Nhiều quy định có thể ban hành ngay sau khi hiệp định được phê chuẩn để bảo đảm thực thi luôn, chẳng hạn như các văn bản hướng dẫn liên quan thủ tục cấp và tiếp nhận C/O ưu đãi, thuế quan, mở cửa thị trường dịch vụ, điều chỉnh các hàng rào phi thuế…

Nhiều hiệp định trước đây, việc triển khai tuyên truyền vẫn còn chung chung. Với EVFTA cần tuyên truyền tỉ mỉ, rành mạch hơn nữa, có các tài liệu để doanh nghiệp tra cứu khi cần thiết. Doanh nghiệp cần được giải đáp, hướng dẫn ngay, khi có cách làm và cách hiểu khác nhau.

Đồng thời, theo ông Lộc, cộng đồng doanh nghiệp phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ những quy định của EVFTA liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, không thể tìm hiểu chung chung. Muốn vậy, rất cần sự chung tay của các cơ quan nhà nước, các hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nâng cấp nền tảng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp về mô hình kinh doanh, chiến lược; thay đổi quản trị, công nghệ để đáp ứng chuẩn mực cao nhất của thị trường này; tái cấu trúc các thị trường, bạn hàng, nguồn cung ứng. Đặc biệt, doanh nghiệp có thể phải mất thêm nhiều chi phí tuân thủ để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao hơn về lao động, môi trường.

Ngoài ra, chìa khóa để hội nhập EVFTA nói riêng, hội nhập kinh tế quốc tế nói chung thành công phải bắt nguồn từ những nỗ lực cải cách thể chế của Nhà nước. Nỗ lực cải cách thể chế cần phải được tiếp tục củng cố những nền tảng cạnh tranh minh bạch và công bằng; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường…

Nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam đáp ứng thị trường và hội nhập kinh tế(VietQ.vn) - Ngay sau thỏa thuận khung chương trình hợp tác hỗ trợ nông sản và doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, Bộ KH&CN đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị thúc đẩy doanh nghiệp hội viên nâng cao chất lượng, cùng vượt qua rào cản kỹ thuật để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa.

Thanh Tùng 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang