Dùng thuốc gia truyền theo quảng cáo trên mạng, người đàn ông bị ngưng tim
Tiêu chuẩn ETI - cam kết của doanh nghiệp về đạo đức kinh doanh
Cần ban hành bộ tiêu chí xác định chính xác hàng hóa sản xuất tại Việt Nam
Dẹp nạn sách giả, sách lậu: Đâu là nhân tố quyết định?
Ngày 21/8, Bệnh viện Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) cho biết vừa cứu sống bệnh nhân nam 43 tuổi, ngụ thành phố Vũng Tàu bị ngưng tim 2 lần trong 1 tiếng đồng hồ. Trước đó, bệnh nhân này dùng thuốc gia truyền để trị tiểu đường, nghi có thành phần Phenformin.
Theo thông tin của người nhà, bệnh nhân mắc tiểu đường, đã khám tại bệnh viện và được bác sĩ chỉ định thuốc tiểu đường chích. Tuy nhiên, bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ mà nghe theo quảng cáo trên mạng và mua thuốc gia truyền trị tiểu đường về uống.
Trước đó, bệnh nhân có biểu hiện đau bụng, nôn ói, đến sáng ngày hôm sau thì đau bụng dữ dội và được người nhà đưa cấp cứu tại Bệnh viện Vũng Tàu.
Trong thời gian làm xét nghiệm máu chờ nhập viện, bệnh nhân đột ngột ngưng tim và được các bác sĩ hồi sức tim thành công, chuyển sang khoa hồi sức. Một lúc sau, bệnh nhân tiếp tục ngưng tim lần 2.
Bác sĩ Văn Viết Thắng, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Vũng Tàu cho biết, đây là bệnh nhân với diễn tiến bệnh nặng, thay đổi liên tục, có những thời điểm tưởng chừng không còn hi vọng nhưng nhân viên của bệnh viện vẫn nỗ lực để giành lại sự sống cho bệnh nhân.
Sau 2 tuần điều trị, chăm sóc tích cực bằng lọc máu, thở máy, sử dụng thuốc hỗ trợ tim mạch bệnh nhân đã thoát khỏi nguy kịch, sức khỏe dần ổn định. Bệnh nhân được rút nội khí quản, cai máy thành công, ngưng sử dụng thuốc hỗ trợ tim mạch.
Sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, cai máy thở và ngưng dùng thuốc hỗ trợ tim mạch.
Theo bác sĩ Thắng, Phenformin là chất đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới. Việc sử dụng thuốc có thành phần Phenformin ban đầu sẽ làm bệnh nhân hạ đường huyết. Tuy nhiên, thuốc hay gây biến chứng và thường là các biến chứng nặng nề, dẫn đến khả năng tử vong rất cao nếu như bệnh nhân không được cấp cứu, điều trị kịp thời tại cơ sở y tế có các điều kiện về hồi sức tích cực chuyên sâu.
Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng thường xuyên tiếp nhận điều trị cho các trường hợp bị biến chứng do sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc xuất xứ, như bệnh nhân N.T.T (30 tuổi, ở Hà Nội) tự mua thuốc đông y trên mạng để điều trị đái tháo đường. Sau khi sử dụng, nữ bệnh nhân phải nhập viện vì đường huyết tăng cao, sụt cân và mệt mỏi.
Thời gian gần đây, tình trạng bán thuốc qua mạng, quảng cáo thuốc tràn lan đang rất đáng báo động. Các chuyên gia khuyến cáo, với bệnh mạn tính như: Đái tháo đường, xương khớp, thận... người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối việc điều trị, sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân bỏ dở việc điều trị, tự tìm mua và sử dụng những loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc, khiến bệnh ngày càng trầm trọng.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo: “Bệnh đái tháo đường là bệnh mạn tính dễ gây tâm lý nản với một số bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh có nhiều hậu quả và biến chứng nên cần điều trị và theo dõi chặt chẽ, lâu dài về y học hiện đại kết hợp tuân thủ chế độ ăn uống, vận động và dùng thuốc.
Người dân cần cảnh giác và tránh xa trước những lời quảng cáo, chào mời từ các loại sản phẩm thuốc y học cổ truyền, các thực phẩm chức năng hay thuốc không bảo đảm về nguồn gốc, không có các thông tin đầy đủ rõ ràng về giấy phép được cấp bởi Bộ Y tế”.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia y tế, khi nghi bị ngộ độc hoặc phản ứng bất lợi do một loại sản phẩm thuốc hoặc thực phẩm chức năng nào đó, người bệnh cần giữ lại tất cả các mẫu vật còn lại cùng thông tin liên quan để có thể chuyển cho các cơ quan chức năng hoặc bệnh viện tuyến cuối kiểm tra, xét nghiệm nhằm xác minh và có các biện pháp ngăn chặn ngộ độc tiếp tục xảy ra với người khác.
Thanh Hiền (t/h)