Người dùng thẻ ATM hoang mang vì các loại phí

author 13:15 21/02/2013

(VietQ.vn)- Kể từ khi các loại phí của Ngân hàng có hiệu lực, khách hàng phải “cõng” từ 10 – 17 loại phí ATM khác nhau từ lúc cầm thẻ trên tay và đút vào giao dịch.

Ngân hàng “tận thu” hàng chục loại phí

Theo thống kê của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), toàn hệ thống thanh toán đang có khoảng gần 50 triệu thẻ các loại gồm: thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ thanh toán, thẻ mua hàng...

Đối với thẻ ghi nợ nội địa, khách hàng sử dụng cũng phải chịu đến 12 loại phí. Từ phí phát hành, mức thu phổ biến 50.000 đồng/thẻ, đến phí rút tiền.

Thời gian đầu, phần lớn các NH đều khuyến khích khách hàng nên không thu phí rút tiền nội mạng. Nhưng phí rút ngoài hệ thống, mỗi lần là 3.300 đồng, nếu chuyển khoản thì vẫn mức phí này áp dụng cho cả chuyển khoản nội mạng.

Để truy vấn số dư, chủ thẻ cũng phải trả 1.650 đồng/lần, muốn nhận bản sao hóa đơn giao dịch từ 10.000 đến 50.000 đồng/hóa đơn.

Nếu để mất thẻ, muốn làm lại 50.000 đồng/lần, mất mã pin 10.000 đồng/lần, phí đòi bồi hoàn thiệt hại 50.000 đồng/giao dịch.

Với loại thẻ tín dụng, người sử dụng được Ngân hàng cấp hạn mức tín dụng “tiêu trước trả sau” đến hàng trăm triệu đồng. Trong vòng 45 ngày đều không phải trả lãi nhưng lại “cõng” đến 17 loại phí. Sau 45 ngày lại là mức lãi suất “cắt cổ”.

Khách hàng ngán ngẩm với các loại phí thẻ ATM
Khách hàng ngán ngẩm với các loại phí thẻ ATM

 Chị Thanh Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị đang dùng thẻ tín dụng Techcombank Visa,  mức phí rút tiền mặt của loại thẻ này rất cao, trung bình khoảng 4% tổng số tiền giao dịch.

Bên cạnh đó, chị còn phải chịu một loạt phí khác như phí cấp lại mã pin 30.000 đồng/lần, phí thông báo thất lạc 100.000 đồng, phí cấp bản sao kê 80.000 đồng/lần, phí xác nhận hạn mức tín dụng 80.000 đồng/lần, phí quản lý chuyển đổi ngoại tệ 2,39%/tổng số tiền giao dịch.

“Có lần chậm thanh toán mất mấy ngày, tôi “ngã ngửa” vì ngân hàng tính thêm khoản phí 6% trên tổng số tiền chậm thanh toán. Điều đáng nói, những mức phí và lãi suất trên trời này hiện không được Ngân hàng quy định biểu phí như thẻ ghi nợ nội địa và không thông báo trước cho khách hàng. Người sử dụng cứ tiêu trước thoải mái rồi mới còng lưng ra trả phí và lãi suất”, chị Hà than thở.

Phí cao nhưng dịch vụ kém

Ngân hàng có số lượng thẻ đang hoạt động thực hàng đầu Việt Nam Vietcombank cũng đưa ra biểu phí phát hành và sử dụng thẻ Vietcombank Connect 24 với khá nhiều loại phí.

Phí phát hành thẻ thông thường: 50.000 đồng/thẻ, phí phát hành nhanh 50.000 đồng/thẻ, phí phát hành lại/thay thế thẻ: 50.000 đồng/lần/thẻ, phí cấp lại PIN 10.000 đồng/lần/thẻ….

Ngoài ra, còn có các loại phí quản lí tài khoản thẻ 3.300 đồng/tháng/thẻ, phí đòi bồi hoàn 50.000 đồng/giao dịch, phí cung cấp bản sao hóa đơn giao dịch tại điểm chấp nhận thẻ của Vietcombank là 10.000 đồng/hóa đơn, tại điểm chấp nhận thẻ không thuộc hệ thống VCB là 50.000 đồng/hóa đơn, chuyển khoản tại ATM trong hệ thống của VCB là 3.300 đồng/giao dịch, giao dịch ATM ngoài hệ thống của VCB, rút tiền mặt 3.300 đồng/giao dịch, truy vấn số dư 1.650 đồng/giao dịch, in sao kê 1.650 đồng/giao dịch, chuyển khoản 3.300 đồng/giao dịch.  

Chủ thẻ ghi nợ nội địa Active plus của Ngân hàng Quân đội (MB) cũng phải chịu hàng chục loại phí: Phí phát hành thẻ 55.000, phí phát hành lại thẻ 44.000 đồng/lần, phí phát hành lại thông báo mã PIN 20.000 đồng/lần.

Phí tra soát (khi chủ thẻ khiếu nại không đúng) 20.000 đồng/lần, phí rút tiền mặt tại ATM của ngân hàng khác 3.300 đồng/giao dịch, phí chuyển khoản trên ATM của ngân hàng khác 1.650 đồng/lần.

Phí in sao kê giao dịch trên ATM 1.650 đồng/lần, phí đổi PIN trên ATM 1.650 đồng/lần, phí cung cấp bản sao hóa đơn tại đơn vị chấp nhận thẻ của MB 20.000đồng/giao dịch, tại đơn vị chấp nhận thẻ của ngân hàng khác 50.000 đồng/giao dịch.

Từ những biểu số trên cho thấy, với con số gần 50 triệu thẻ đã được phát hành, các ngân hàng đã thu về những số lãi khủng như thế nào. Chỉ tính riêng phí phát hành (tính ở mức 50.000 đồng/thẻ), các ngân hàng đã thu về 2.500 tỉ đồng, phí quản lí tài khoản thường niên (tối thiểu 39.600 đồng/thẻ) thu về gần 2.000 tỉ đồng…

Mặc dù ngân hàng thu “lãi khủng” nhờ các mức thu phí ATM nhưng kịch bản ATM báo lỗi, tự ý “nuốt” thẻ, báo hết tiền vẫn xảy ra nhiều, đặc biệt là vào những “giờ cao điểm”. Trong dịp lễ, tết Nguyên đán, ATM lỗi thường diễn ra nhiều hơn, mức độ trầm trọng hơn.

Theo phản ánh của nhiều người dùng thẻ ATM, những cây ATM của các ngân hàng như Vietcombank, Techcombank , MB bank, Maritimebank, BIDV, Agribank, Đông Á Bank… tại những khu vực tập trung đông công nhân, người lao động, khu văn phòng thường xuyên gặp “vấn đề”.

Anh Quang Minh, nhân viên Văn phòng tại khu vực Bưu điện Bờ Hồ Hoàn Kiếm cho biết, gần đây có tới 7 trạm ATM nhưng có ngày cả 7 trạm đều “chết”. Người dân tập trung chờ cả tiếng đồng hồ cũng không rút nổi tiền mặt ra để về quê ăn Tết.

Ngân hàng thì chỉ biết thu phí, “đẻ” ra các loại phí chứ không chịu nâng cao chất lượng dịch vụ thẻ ATM. Phí ngày một cao trong khi khách hàng muốn rút tiền thì máy không chịu “nhả”, thậm chí còn lỗi liên tục.

Minh Hiếu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang