Nguy cơ Covid-19 trở lại: Cần chủ động phòng ngừa

author 20:23 16/05/2025

(VietQ.vn) - Số ca mắc COVID-19 đang gia tăng trở lại tại nhiều quốc gia châu Á sau các kỳ lễ lớn. Tại Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiếp tục đeo khẩu trang nơi công cộng và nâng cao ý thức phòng bệnh để ứng phó kịp thời trước diễn biến khó lường của dịch.

Tại Thái Lan, sau kỳ nghỉ lễ Songkran vào tháng 4, số ca mắc COVID-19 gia tăng rõ rệt. Theo Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan, từ ngày 1/1 đến 14/5, nước này ghi nhận hơn 71.000 ca nhiễm và 19 trường hợp tử vong. Riêng thủ đô Bangkok có hơn 16.700 ca, chiếm tỉ lệ lớn nhất, với đỉnh dịch ghi nhận từ ngày 27/4 đến 3/5 là hơn 14.000 ca, sau đó giảm xuống khoảng 12.500 ca trong tuần tiếp theo. Một số tỉnh khác như Chon Buri, Nonthaburi và Rayong cũng ghi nhận số ca tương đối cao.

Tại Singapore, Bộ Y tế và Cơ quan Quản lý bệnh truyền nhiễm nước này cho biết số ca nhiễm trong tuần từ ngày 27/4 đến 3/5 tăng hơn 3.000 ca, lên mức 14.200 ca. Số ca nhập viện trung bình mỗi ngày cũng tăng từ 102 lên 133. Hai biến thể chính đang lưu hành tại Singapore là LF.7 và NB.1.8, chiếm hơn 2/3 tổng số ca, tuy nhiên các biến thể này đã có vắc xin phòng ngừa, giúp kiểm soát được nguy cơ chuyển nặng.

Tại Trung Quốc, số ca nhiễm có xu hướng tăng nhẹ trong hai tháng qua. Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, trong giai đoạn từ ngày 31/3 đến 4/5, tỷ lệ ca nhiễm COVID-19 tại các khoa khám bệnh và cấp cứu với triệu chứng giống cúm tăng từ 7,5% lên 16,2%. Dù vậy, giới chức Trung Quốc vẫn khẳng định dịch bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Đài Loan (Trung Quốc) cũng ghi nhận sự gia tăng liên tiếp trong 5 tuần gần đây. Trong tuần từ ngày 4 đến 10/5, số lượt khám và cấp cứu liên quan đến COVID-19 gần chạm mốc 10.000, tăng 66% so với tuần trước đó. Từ ngày 6 đến 11/5, có 6 ca tử vong và 34 ca bệnh nặng được ghi nhận. Diễn biến này khiến các cơ quan y tế ở Đài Loan cảnh báo người dân cần nâng cao cảnh giác, nhất là với người cao tuổi và người có bệnh nền.

Bộ Y tế cảnh báo số ca nhiễm COVID-19 có thể tiếp tục tăng.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 148 ca COVID-19 tại 27 tỉnh, thành phố, không có ca tử vong. TP.HCM là địa phương có số ca nhiều nhất, tiếp đến là Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An và Bắc Ninh. Ngoài ra, 19 địa phương khác báo cáo từ 1 đến 2 ca.

Bộ Y tế nhận định số ca mắc tăng có thể liên quan đến việc di chuyển và tụ tập đông người trong kỳ nghỉ lễ. Các biến thể đang lưu hành chủ yếu là XBB.1.16 thuộc dòng Omicron – biến thể có tốc độ lây lan nhanh nhưng chưa có bằng chứng gây triệu chứng nặng.

Tại TP.HCM, số ca mắc có xu hướng tăng nhẹ trong những tuần gần đây. Theo Sở Y tế, trong tuần từ 5 đến 11/5, thành phố ghi nhận 16 ca mắc mới – tăng 10 ca so với mức trung bình 4 tuần trước đó. Hệ thống giám sát ghi nhận tổng cộng 40 ca COVID-19 từ giữa tháng 4 đến nay, trong đó không có ca nào cần hỗ trợ hô hấp. Tính từ đầu năm đến nay, thành phố có 51 ca, gồm 29 ca điều trị nội trú và 22 ca điều trị ngoại trú.

Trước tình hình này, Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) tăng cường giám sát tình hình dịch, đồng thời theo dõi chặt chẽ sự xuất hiện của các biến thể mới nếu có. Thành phố cũng chuẩn bị các phương án ứng phó phù hợp với từng giai đoạn dịch.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TP.HCM nhận định, các biến thể hiện nay là chủng lành tính, không có dấu hiệu gây bệnh nặng. Ông cho rằng một số ca tử vong tại Thái Lan có thể liên quan đến bệnh nền hoặc tuổi cao, không phản ánh nguy cơ chung.

"Tại Việt Nam, phần lớn người dân đã có miễn dịch nền, do đó nguy cơ trở nặng là rất thấp. COVID-19 giờ không khác gì cảm cúm thông thường. Ngành y tế đã kiểm soát tốt, người dân chỉ cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh cơ bản", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Trước diễn biến dịch tại khu vực, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không được chủ quan. Các biện pháp cơ bản như đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông và tại cơ sở y tế vẫn cần được duy trì. Bộ cũng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để theo dõi sát diễn biến dịch bệnh toàn cầu và đưa ra các biện pháp phòng, chống phù hợp, hiệu quả, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Thanh Hiền

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang