Nguy cơ từ giày dép giả mạo nhãn hiệu, kém chất lượng

author 09:52 25/02/2023

(VietQ.vn) - Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 8 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang đã phát hiện và xử lý lượng lớn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu NIKE.

Cụ thể, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang cho biết, mới đây Đội Quản lý thị trường số 8 đã tiến hành kiểm tra tại địa bàn xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh phát hiện nhiều đôi dép giả mạo nhãn hiệu NIKE đã được bảo hộ tại Việt Nam. Theo đó, Đội Quản lý thị trường số 8 đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Hộ kinh doanh Đỗ Hữu Quý, Địa chỉ: Thôn Phố Chợ, xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, Tỉnh Hà Giang. Kết quả kiểm tra phát hiện nhiều đôi dép giả mạo nhãn hiệu NIKE của công ty TNHH Nike Việt Nam đang bày bán tại cơ sở kinh doanh.

Về nguồn gốc xuất xứ số hàng hóa trên, chủ cơ sở khai nhận mua trôi nổi trên thị trường của một người không rõ tên tuổi, địa chỉ. Quá trình mua bán không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Đội Quản lý thị trường số 8 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

 Nhiều đôi dép giả mạo nhãn hiệu bị tịch thu. Ảnh: Cục QLTT Hà Giang

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch mai, đôi chân quy tụ hơn 7200 dây thần kinh, 2000 tuyến nội tiết kết hợp nhiều động mạch, tĩnh mạch, 66 huyệt đạo quan trọng, gánh vác trách nhiệm nâng đỡ, vận động của toàn cơ thể do đó khi sử dụng sản phẩm giày dép giả, nhái nhãn hiệu hay kém chất lượng thường không đảm bảo nâng đúng độ vòm theo khuôn bàn chân hoặc nâng sai vị trí vòm chân sẽ khiến gan lòng bàn chân căng cứng dễ dẫn đến viêm gan bàn chân. Hàng nhái làm từ vật liệu thô, cứng và chất lượng kém luôn tồn dư hóa chất trên bề mặt gây nguy hiểm cho da.

Ngoài ra, phần thiết kế gót chân không ôm trọn gót chân không có tác dụng bảo vệ gót chân làm chân thêm ê buốt và hệ lụy trầm trọng đó là đau gót chân. Đặc biệt những bệnh nhân có bàn chân bẹt có gân cơ yếu khi dùng các loại giày dép kém chất lượng sẽ bị nâng ép vòm quá mức dẫn đến ức chế xương trục cổ chân, chuyển áp lực sai vị trí gây nhiều thương tổn ở vị trí khác nhau trên bàn chân.

Từ những tác hại nghiêm trọng kể trên, để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, khách hàng cần nắm vững thông tin như có đầy đủ giấy chứng nhận chất lượng của các tổ chức y tế uy tín. Sản phẩm phải có tem nhãn đúng tiêu chuẩn từ nhà sản xuất.

Vi phạm về kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu bị xử phạt thế nào?

Hiện nay cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, các hành vi xâm phạm nhãn hiệu ngày càng gia tăng nhất là hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa. Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

Pháp luật nước ta nghiêm cấm các hành vi mua bán, sản xuất hàng giả, hàng nhái dưới mọi hình thức. Trường hợp mua bán hàng hóa giả mạo cũng bị nghiêm cấm tuyệt đối, nếu cá nhân, tổ chức nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, dưới những hình thức sau:

Đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa như trên thì sẽ bị xử lý như sau: (Điều 11 Nghị định Nghị định 98/2020/NĐ-CP)

+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá dưới 3.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 5.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

+ Có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang