Đắk Nông: Phát hiện 6 cơ sở kinh doanh phụ tùng xe máy có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu

author 05:58 17/02/2023

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông vừa phát hiện 06 cơ sở đang kinh doanh 117 sản phẩm phụ tùng xe mô tô nghi giả nhãn hiệu của Honda và Yamaha.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông, thông qua công tác theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh hàng hóa của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.

Cụ thể, các Đội Quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông phối hợp với đại diện Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh đã tiến hành kiểm tra đột xuất, phát hiện 06 Cơ sở kinh doanh phụ tùng xe mô tô, xe gắn máy đóng trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Honda và giả mạo nhãn hiệu Yamaha đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Honda bị thu giữ

 

Quá trinh kiểm tra, phát hiện 06 cơ sở kinh doanh này đang kinh doanh 75 đơn vị sản phẩm phụ tùng xe mô tô ghi nhãn hiệu Honda, 42 đơn vị sản phẩm phụ tùng xe mô tô ghi nhãn hiệu Yamaha có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Honda và giả mạo nhãn hiệu Yamaha đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Hiện, các Đội Quản lý thị trường đã tạm giữ và niêm phong toàn bộ số sản phẩm nêu trên để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định.

Trên thị trường hiện này, phụ tùng xe gắn máy có rất nhiều sản phẩm làm giả, làm nhái các nhãn hiệu lớn như Honda, Yamaha,… đa phần có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc trong nước sản xuất và được bày bán tại một số cửa hàng sửa chữa xe máy trên toàn quốc.

Do hàng nhái chủ yếu được sản xuất bằng công nghệ thủ công và chất liệu không đạt chuẩn, nhiều loại pha trộn hợp chất kém chất lượng nên độ chính xác và tuổi thọ đều kém, nhanh hỏng và không an toàn cho người sử dụng.

Điều đáng nói là hàng nhái được sản suất ngày càng tinh vi và rất giống với hàng thật, kể cả nhãn mác bao bì sản phẩm. Một lí do khác khiến các loại phụ tùng này rất hiếm khi bị phát giác là đa phần khách hàng đi sửa xe thường không có kiến thức chuyên môn nên hay phó mặc cho các thợ sửa xe trong việc lựa chọn phụ tùng, linh kiện nào để thay thế.

Khi mới sử dụng phụ tùng xe máy kém chất lượng, có thể người tiêu dùng sẽ chưa nhận biết được tác hại của nó. Nhưng sau một thời gian, các linh kiện giả sẽ nhanh chóng hư hại, kéo theo độ bền của xe ngày càng giảm, hoặc ảnh hưởng các bộ phận liên quan.

Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên giảng viên Khoa Cơ khí, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, phụ tùng xe máy giả được sản xuất lậu nên không tuân thủ nguyên tắc kỹ thuật về an toàn, ngoài tuổi thọ kém, các loại phụ tùng này còn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng người sử dụng. Nguy hiểm nhất là má phanh giả, do chỉ sử dụng nguyên liệu amiăng, là loại nguyên liệu đã được Tổ chức Y tế Thế giới chứng minh là gây ung thư phổi. Điều này có thể gây hại cho không chỉ bản thân người thường xuyên sử dụng xe mà còn gây hại cho cộng đồng.

Theo quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ được xác định như sau:

Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu) quy định tại khoản 2 Điều này và hàng hoá sao chép lậu quy định tại khoản 3 Điều này.

Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

Hàng hoá sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.

Xử lý hàng hóa xâm phạm

Đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó thì cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm áp dụng một trong các biện pháp sau đây:

Phân phối không nhằm mục đích thương mại hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại theo quy định tại Điều 30 của Nghị định này;

Theo quy định tại Điều 31, buộc chủ hàng, người vận chuyển, người tàng trữ loại bỏ các yếu tố xâm phạm và đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hoá quá cảnh là hàng hoá giả mạo về nhãn hiệu, tái xuất đối với hàng hoá nhập khẩu là hàng hoá giả mạo về nhãn hiệu, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về nhãn hiệu; nếu không loại bỏ được yếu tố xâm phạm khỏi hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó thì áp dụng biện pháp thích hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

Đối với hàng hoá nhập khẩu, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về chỉ dẫn địa lý, hàng hoá sao chép lậu thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, cơ quan xử lý xâm phạm áp dụng biện pháp buộc loại bỏ yếu tố xâm phạm và biện pháp thích hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

Tuỳ từng trường hợp cụ thể, cơ quan xử lý xâm phạm quyết định áp dụng các biện pháp quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này hoặc biện pháp khác, nếu xét thấy thích hợp. Trong quá trình ra quyết định xử lý xâm phạm cơ quan xử lý có thể xem xét đề nghị của các bên liên quan về việc xử lý xâm phạm.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang