Nguyên Khôi Farm: Biến chất thải dư thừa thành nguồn năng lượng ‘vàng’

author 15:47 02/07/2019

(VietQ.vn) - Trong quá trình làm việc, Nguyên Khôi Farm đã nghiên cứu rất kĩ lưỡng những kĩ thuật trong việc xử lí chất thải, hướng tới một mô hình chăn nuôi xử lý triệt để chất thải. Đặc biệt, biến chất thải của quy trình này trở thành đầu vào của quy trình khác.

Trước nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng Việt Nam đối với các sản phẩm an toàn, xanh, sạch và thân thiện với môi trường, nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia vào các hoạt động đầu tư, sản xuất, nuôi trồng chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Và Công ty cổ phần Nguyên Khôi Xanh (còn gọi là Nguyên Khôi Farm) là một trang trại xanh điển hình với phương châm “Quay về với mẹ thiên nhiên”.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham quan gian hàng của Nguyên Khôi Farm.

Giải quyết “bài toán” nhức nhối về môi trường

Ngày 24/06, Công ty cổ phần Nguyên Khôi xanh được World Bank (Ngân hàng thế giới) vinh danh ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo hướng tới nền kinh tế xanh bằng việc đã nghiên cứu và áp dụng thành công “Mô hình nông nghiệp định hướng hữu cơ tuần hoàn – Circular organic agriculture model (COAM)” - mô hình tiên phong cho xu thế kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam trong bối cảnh nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt với tình trạng biến đổi khí hậu có thể sẽ trầm trọng hơn.

Chia sẻ về mô hình này, bà Nguyễn Phương Thảo – Phó Giám đốc CTCP Nguyên Khôi Xanh cho biết, bài toán nhức nhối nhất trong ngành trồng trọt, chăn nuôi hiện nay chính là vấn đề ô nhiễm môi trường do quá trình chăn nuôi gây ra, đặc biệt là chăn nuôi lợn, lượng chất thải rất lớn và việc sử dụng phân bón hóa học tùy tiện, tràn lan.

Đặc thù của vùng trung du miền núi hiện tại, đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, thường sẽ xả thẳng chất thải ra môi trường, một số tận dụng xử lý qua biogas nhưng nước thải ra từ biogas cũng không đạt tiêu chuẩn. Vì vậy, trong quá trình làm việc, Nguyên Khôi Farm đã nghiên cứu rất kĩ lưỡng những kĩ thuật trong việc xử lí chất thải, hướng tới mô hình chăn nuôi xử lý triệt để chất thải. Đặc biệt, biến chất thải của quy trình này trở thành đầu vào của quy trình khác.

Bà Nguyễn Phương Thảo – Phó Giám đốc CTCP Nguyên Khôi Xanh vinh dự nhận giải thưởng từ Ngân hàng thế giới.

Bà Thảo lấy ví dụ như chất thải rắn của lợn được xử lí qua men vi sinh, trở thành thức ăn cho giun quế. Sau đó, đạm giun lại trở thành đạm cho vật nuôi, phân giun trở thành phân bón hữu cơ cho các cây trồng trong trang trại. Phần nước thải sau biogas không xả thẳng ra môi trường mà có hệ thống bể lọc ngập nước kiến tạo, bao gồm các vật liệu lọc và cây thủy sinh để tiếp tục phân giải các chất dư thừa là Nitơ và Phốt pho. Nước thải sau bãi lọc được tận dụng để tưới cây và đưa ra đầm sen nhằm tạo năng suất cũng như để đạt hiệu quả kinh tế… Bãi lọc và cây trồng là cây thủy sinh và trồng trọt cũng tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như: cây sen và trà hoa.

Đây là quy trình khép kín, được bố trí liên hoàn, chặt chẽ, biến những năng lượng dư thừa từ chất thải trở thành năng lượng có giá trị và thân thiện với môi trường.

Các công nghệ trong mô hình COAM rất dễ vận hành, phù hợp thói quen sản xuất nông nghiệp của người nông dân, ít rủi ro, chi phí vận hành thấp.

Mô hình COAM có hiệu quả kinh tế cao, cụ thể: giảm tới 28% chi phí thức ăn chăn nuôi, 40% chi phí phân bón hữu cơ, 50% lượng nước tưới tiêu và tăng ít nhất 150% giá trị sản phẩm. Mô hình tạo ra ít nhất 3 chủng loại sản phẩm từ: chăn nuôi, trồng trọt và phân bón hữu cơ. Vì vậy, đem lại thu nhập ổn định cho trang trại vì sản phẩm có kì thu hoạch ngắn và dài hạn khác nhau, đặc biệt khi một trong các sản phẩm bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch hoặc thị trường thì có nguồn thu từ sản phẩm khác hỗ trợ.

Hướng đến áp dụng mô hình để phát triển cộng đồng chăn nuôi bền vững

Cùng với đó, mô hình COAM đã cho kết quả tốt tại trang trại của Nguyên Khôi Xanh, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thời đại là chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành chăn nuôi và thị trường tiêu thụ về sản phẩm hữu cơ. Việc thúc đẩy nhanh việc thí điểm áp dụng tại các trang trại khác để rút ra những bài học là hết sức cần thiết. Từ đó làm cơ sở để nhân rộng và phát triển ra toàn bộ cộng đồng chăn nuôi.

Bà Thảo cho biết sẽ hướng đến áp dụng mô hình để phát triển cộng đồng chăn nuôi bền vững, nông nghiệp xanh, hướng hữu cơ tại Khu vực trung du và miền núi phía Bắc, nơi có ưu thế về tự nhiên để phát triển nông nghiệp hữu cơ với hương vị đặc trưng. Đây là nền tảng để chúng tôi và các trang trại chăn nuôi khác sản xuất được các sản phẩm nông sản được cấp chứng nhận hữu cơ từ các tổ chức uy tín do cần có sự quy hoạch đồng bộ, bài bản.

Qua đó, mô hình COAM góp phần thay đổi phương thức sản xuất trồng trọt và chăn nuôi sang nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn trung du và miền núi phía Bắc nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thực phẩm hữu cơ giúp giảm khả năng mắc ung thư Nghiên cứu mới nhất được đăng tải trên tạp chí y khoa JAMA Internal Medicine cho hay, thường xuyên tiêu thụ thực phẩm hữu cơ có thể giúp con người giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư, trong đó đáng kể nhất là ung thư vú sau mãn kinh và ung thư hạch không Hodgkin.

Thanh Minh

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang