Nguyên nhân nào khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn?

author 09:37 14/06/2022

(VietQ.vn) - Ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án PCI, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp hiện nay là thiếu hụt dòng vốn, song khả năng tiếp cận vốn lại có hạn.

Mới đây, theo kết quả điều tra Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động doanh nghiệp với mức độ ảnh hưởng khác nhau.

Ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án PCI, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp hiện nay là thiếu hụt dòng vốn, song khả năng tiếp cận vốn lại có hạn. Kết quả nghiên cứu PCI chỉ ra có tới 47% số doanh nghiệp được hỏi cho biết họ gặp khó khăn trong tiếp cận vốn. Để giải quyết thiếu hụt vốn, 4% doanh nghiệp được hỏi đã buộc phải tìm đến tín dụng đen.

Một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp hiện nay là thiếu hụt dòng vốn, song khả năng tiếp cận vốn lại có hạn. Ảnh minh họa.

Một vị giám đốc công ty chuyên về may mặc tại Hà Nội cho biết, để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi hay lãi suất thấp hiện vẫn dựa vào những thương lượng giữa doanh nghiệp với ngân hàng. Công ty này hiện đang hoạt động, phục hồi trở lại trong giai đoạn hậu Covid-19, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn khá khó khăn bởi cần đáp ứng nhiều điều kiện của ngân hàng đưa ra.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, có một số nguyên nhân khiến các doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn. Đó là việc xem xét cấp tín dụng của các chi nhánh ngân hàng còn phụ thuộc nhiều vào trụ sở chính về mức cho vay và điều kiện tín dụng khác, hay quy định về các điều kiện cấp tín dụng…

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, các đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 gặp khó khăn thực sự chắc chắn sẽ được ngân hàng hỗ trợ, tạo điều kiện, vì doanh nghiệp chết thì ngân hàng cũng khó tồn tại. Do đó, hầu như các ngân hàng khó có thể từ chối hỗ trợ khách hàng nếu gặp khó khăn thực sự bởi dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin, tín dụng đã tăng tốc đáng kể trong tháng 3, tháng 4 và đến ngày 25/4 đạt 6,75% so với cuối năm 2021, cho thấy nhu cầu tín dụng rất lớn của nền kinh tế trong bối cảnh phục hồi mạnh mẽ.

Ngân hàng Nhà nước cũng có rất nhiều giải pháp cụ thể để đưa nguồn vốn tín dụng đến với doanh nghiệp góp phần phục hồi kinh tế. Có thể kể đến như giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ giúp giảm áp lực cho doanh nghiệp trong trả nợ vay ngân hàng và tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục vay mới khôi phục, ổn định sản xuất, kinh doanh.

Theo bà Hồng, ngoài các giải pháp về lãi suất, tín dụng, ngành ngân hàng đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục... đi đôi với việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng và kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:vốn, doanh nghiệp

tin liên quan

video hot

Về đầu trang