"Nhà khoa học không phải người làm thuê"

author 06:31 30/10/2012

(VietQ.vn) - Các nguồn kinh phí cần được quản lý tập trung, tránh việc nhà khoa học thuần túy chỉ đóng vai trò là "người làm thuê" cho các cơ quan, đơn vị có kinh phí.

Lời Tòa soạn: Những phát minh mới nhất về khoa học của nhân loại thường được ứng dụng đầu tiên trong lĩnh vực quốc phòng. Hiện nay, Học viện Kỹ thuật quân sự là đại học lớn nhất Việt Nam đào tạo các kỹ sư chế tạo vũ khí, xây dựng, hàng không, vô tuyến điện, tin học…

Chất lượng Việt Nam xin giới thiệu bài viết của GS.TSKH Phạm Thế Long, Giám đốc Học viện kỹ thuật quân sự (người từng là Tổng thư ký Hội Toán học Việt Nam, chuyên gia hàng đầu về Toán Tối ưu, Công nghệ Thông tin…, từng tốt nghiệp ngành Toán, ĐH Misk, Cộng hòa Belarus) về vấn đề phát triển KHCN trong quân đội. Tít bài và các tít phụ do tòa soạn đặt, để độc giả tiện theo dõi.

Khoa học công nghệ  thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Ảnh: internet
Khoa học công nghệ thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Ảnh: internet

Từ Hội nghị Trung ương…

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 (khóa XI) bàn bạc, cho ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó đã thông qua Nghị quyết “Phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, nhằm xác định hướng đi để tháo gỡ những bất cập, khó khăn, phát huy thế mạnh, tạo đà cho phát triển KH-CN trong điều kiện mới.

Hội nghị Trung ương 6 tiếp tục cụ thể hóa, xác định mục tiêu tổng quát: KH-CN phải thực sự trở thành động lực then chốt phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, tạo chuyển biến về chất trong đóng góp của KH-CN để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh (QP-AN), góp phần đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH và phát triển kinh tế tri thức, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và là nước công nghiệp hiện đại vào giữa thế kỷ XXI.

Đây là sự tiếp nối nhất quán quan điểm lãnh đạo của Đảng về KH-CN, như Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nhấn mạnh: “Phát triển mạnh KH-CN làm động lực đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH, phát triển kinh tế tri thức, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước; nâng tỷ lệ đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp và tăng trưởng”.

…đến việc phát triển KHCN

Những năm qua, cuộc cách mạng KH-CN trong thời kỳ toàn cầu hóa đã và đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến mọi quốc gia, dân tộc; các phát minh khoa học gia tăng mạnh mẽ; khoảng cách từ phát minh đến ứng dụng rút ngắn một cách đáng kể. Đồng thời với quá trình ấy, sự cạnh tranh về công nghệ cao diễn ra một cách quyết liệt và cùng với nó, truyền thông về KH-CN diễn ra sôi động bằng nhiều phương tiện và hình thức.

Không thể không thừa nhận rằng, cuộc chạy đua phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trên thế giới hiện nay thực chất là cuộc chạy đua về KH-CN. Chỉ có thể bằng KH-CN để nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động trên cơ sở hiện đại hóa nguồn nhân lực mới hy vọng không thua trong cuộc chạy đua ấy. Từ yêu cầu đó, giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) và KH-CN phải được "chuẩn hóa", "hiện đại hóa" và “hội nhập hóa quốc tế".

Nhận thức sâu sắc KH-CN là nhân tố chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và củng cố QP-AN, thêm một lần nữa, Hội nghị xác định hoạt động KH-CN là nhiệm vụ không chỉ của các nhà KH-CN, các nhà quản lý KH-CN, mà còn là công việc của mọi ngành, mọi cấp, mọi người; phát triển KH-CN phải gắn liền với bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển KT-XH nhanh và bền vững. 

Hội nghị cũng chỉ ra cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ tổ chức cũng như cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH-CN, coi đây là khâu đột phá; xác định nhân lực KH-CN là nhân tố quyết định đối với phát triển KH-CN; ưu tiên nguồn lực quốc gia, tạo động lực để phát triển KH-CN; chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế một cách sâu rộng, hiệu quả.

Triển khai Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) và Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa IX) của Đảng về KH-CN, chúng ta đã thu được những thành tựu quan trọng. Kết quả một số lĩnh vực KH-CN đã đáp ứng một phần thông tin phục vụ hoạch định các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; việc định hướng sản phẩm, đổi mới công nghệ được chú trọng, nhất là trong các ngành công nghiệp, góp phần không nhỏ giúp sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tục; trình độ cán bộ KH-CN được nâng lên một bước đáng kể, nhất là trong một số lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, góp phần nâng cao tiềm lực KH-CN chung của đất nước.

Việc nghiên cứu triển khai và ứng dụng KH-CN được nhiều cấp, ngành quan tâm phát triển; bước đầu hình thành thị trường công nghệ tạo điều kiện cho các dịch vụ KH-CN ngày càng phát triển.

Hợp tác quốc tế được mở rộng, góp phần đưa Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào quốc tế và khu vực. Những thành tựu đó cho phép khẳng định KH-CN thời gian qua đã có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển KT-XH và QP-AN.

Cần đầu tư nhiều hơn vào nguồn nhân lực

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những yếu kém không nhỏ: Hoạt động KH-CN trên thực tế vẫn chưa thực sự trở thành động lực then chốt cho phát triển KT-XH, QP-AN; sự đóng góp của KH-CN vào công cuộc phát triển đất nước chưa được như mong muốn; việc đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ KH-CN còn nhiều bất cập, là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ KH-CN còn thấp; đầu tư xã hội cho KH-CN chưa tương xứng, hiệu quả chưa cao (ở các nước phát triển, xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng đầu tư cho KH-CN nhiều hơn ngân sách Nhà nước từ 5 đến 10 lần).

Khoa học Công nghệ nâng cao tiềm lực quốc phòng. Ảnh: internet
Khoa học Công nghệ nâng cao tiềm lực quốc phòng. Ảnh: internet

Cơ chế quản lý hoạt động KH-CN (đặc biệt là cơ chế tài chính) chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; thị trường KH-CN phát triển chậm, chưa gắn kết chặt chẽ với kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình CNH, HĐH...

Cũng cần nói thêm, có những lĩnh vực chúng ta sẵn sàng đầu tư không nhỏ cho việc mua sắm, nhập khẩu trang thiết bị, trong khi việc đầu tư để làm chủ những trang thiết bị đó lại rất hạn chế và có nhiều bất cập.

Trong lĩnh vực QP-AN, hoạt động KH-CN thời gian qua được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng (BQP) nên đã đạt được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của nền KH-CN đất nước, hoạt động KH-CN trong lĩnh vực QP-AN cũng còn tồn tại những mặt hạn chế như: Nhận thức về vai trò KH-CN của cán bộ các cấp còn hạn chế; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ KH-CN trong Quân đội chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; một số cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp QP-AN chưa xác định được chiến lược phát triển KH-CN, còn mang nặng tư tưởng bao cấp.

Hệ thống tổ chức và nhân lực KH-CN còn chậm đổi mới để theo kịp xu thế chung; việc tổ chức và thực hiện các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu chưa thực sự hiệu quả, chưa gắn kết được với các dự án đầu tư lớn của BQP; thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp...

Nghị định của Chính phủ về huy động tiềm lực KH-CN quốc gia phục vụ nhiệm vụ QP-AN chưa được triển khai thực hiện một cách hiệu quả trên thực tế...

Bên cạnh đó, công tác quản lý và năng lực tham mưu của cơ quan quản lý các cấp về KH-CN còn nhiều hạn chế. Chúng ta mới chú trọng nhiều đến hoạt động nghiên cứu triển khai (các đề tài) mà chưa quan tâm thích đáng tới các nội dung khác của hoạt động KH-CN như: Xây dựng tiềm lực; xây dựng tổ chức; phát triển các nhóm nghiên cứu; ít quan tâm đến hoạt động chuyển giao công nghệ thông qua hợp tác quốc tế, trong khi đây là phương thức hiệu quả để rút ngắn lộ trình phát triển KH-CN; chưa có hoạt động hỗ trợ xây dựng thương hiệu, cơ chế tạo thị trường, đặt hàng cho sản phẩm nghiên cứu...

Việc đầu tư lớn cho thiết kế, chế tạo các sản phẩm mới rất cần quan tâm, song cũng cần hỗ trợ thích đáng cho các hoạt động KH-CN phục vụ công tác bảo đảm kỹ thuật (sản xuất vật tư kỹ thuật, làm chủ VKTBKT thế hệ mới…).

Nhà khoa học không phải người làm thuê

Để phát triển KH-CN phục vụ QP-AN hiệu quả, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, nhất là tinh thần Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI), các ngành, các cấp cần quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển KH-CN phục vụ QP-AN; tiếp tục hoàn thiện hệ thống các cơ chế chính sách, phù hợp với đặc thù, nhằm đáp ứng yêu cầu của QP-AN; khẩn trương hoạch định kế hoạch phát triển KH-CN nhằm tăng cường QP-AN dài hạn.

Đặc biệt, cần quan tâm xác định những sản phẩm KH-CN trọng điểm cần ưu tiên đầu tư phát triển phục vụ QP-AN, gắn kết chặt chẽ với các chương trình, dự án trọng điểm.

Cần có chiến lược phát triển KH-CN phục vụ QP-AN phù hợp với chiến lược phát triển KH-CN của cả nước và có những đặc thù riêng, để từ đó có căn cứ đầu tư tương xứng, đưa trình độ công nghệ lĩnh vực quốc phòng đạt ngang tầm các nước trong khu vực và từng bước rút ngắn khoảng cách đối với các nước tiên tiến trên thế giới, nhằm bảo đảm chủ động sản xuất, chế tạo trang bị vũ khí công nghệ cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Do những đặc thù của các hoạt động và nghiên cứu KH-CN phục vụ QP-AN, nên cùng với với việc huy động tiềm lực các đơn vị trong quân đội, thì các cơ chế, chính sách cũng cần có sự đổi mới để thu hút các nhà KH-CN giỏi và các cơ quan, nhà khoa học ngoài quân đội cùng tham gia giải quyết các vấn đề đặt ra với QP-AN.

Đặc biệt cần nghiên cứu phương thức để huy động được tiềm lực từ các cơ sở sản xuất trong và ngoài quân đội tham gia sản xuất thiết bị quân sự khi có yêu cầu.

Cần đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí được ưu tiên đầu tư cho hoạt động nghiên cứu KH-CN phục vụ QP-AN, đồng thời tìm các giải pháp tăng nguồn kinh phí đầu tư cho phát triển KH-CN từ nguồn ngân sách thường xuyên, như ngân sách bảo đảm kỹ thuật hằng năm, đóng góp của các doanh nghiệp...

Các nguồn kinh phí trên cần được quản lý tập trung thống nhất, tránh việc nhà khoa học thuần túy chỉ đóng vai trò là "người làm thuê" cho các cơ quan, đơn vị có kinh phí.

Cần tiếp tục tăng cường hợp tác giữa Bộ KH và CN với Bộ Quốc phòng nhằm thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, Nghị định của Chính phủ về công tác KH-CN, huy động tối đa tiềm lực KH-CN của cả quốc gia góp phần phát triển, bảo đảm cho QP-AN.

Cần có các giải pháp hiệu quả để tiếp tục nghiên cứu các đề tài về các vấn đề nghệ thuật tác chiến chiến lược, chiến dịch; tác chiến trong khu vực phòng thủ, tác chiến trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao; đầu tư thích đáng cho đào tạo nguồn nhân lực để chủ động nghiên cứu lựa chọn và làm chủ, khai thác hiệu quả công nghệ nhập, tích cực nghiên cứu sáng tạo công nghệ mới đáp ứng yêu cầu cải tiến sản xuất vũ khí trang bị, các mô hình, dụng cụ phục vụ huấn luyện chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu; tăng cường nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mũi nhọn như công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học…trong các hoạt động quân sự, quốc phòng, an ninh.

Đẩy mạnh hoạt động KH-CN để củng cố QP-AN có ý nghĩa rất quan trọng trong tình hình hiện nay. Kết hợp phát triển KH-CN gắn với QP-AN, góp phần nâng cao tiềm lực kỹ thuật quân sự là một vấn đề lớn, thực hiện hiệu quả sẽ góp phần thực hiện thành công Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới mà Đảng ta đã xác định; thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

GS.TSKH Phạm Thế Long
(Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang