Tuần sau Việt Nam sẽ được chiêm ngưỡng nhật thực một phần cực hiếm

author 17:06 04/03/2016

(VietQ.vn) - Vào ngày 9/3 tới đây, người dân trên thế giới sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn nhật thực toàn phần, trong đó, Việt Nam chỉ thấy một phần.

Sự kiện: Thiên nhiên kỳ thú

Vào khoảng 6h30 (giờ Việt Nam) ngày 9/3 tới đây, những người yêu thiên văn Việt Nam sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn kỳ thú - nhật thực một phần. Được biết, đây là nhật thực thứ 6 mà chúng ta có thể quan sát được tại Việt Nam trong thế kỉ XXI. Lần chiêm ngưỡng hiện tượng nhật thực tiếp theo sẽ rơi vào cuối năm 2019, theo Trí Thức Trẻ.

Giới thiên văn cho biết, vùng quan sát được nhật thực toàn phần nằm trong dải hẹp khoảng từ 94 km đến 155 km bắt đầu từ Ấn Độ Dương (phía tây đảo Sumatra) lúc mặt trời mọc, sau đó đi qua một số vùng trên lãnh thổ của Indonesia, rồi vượt ra ngoài Thái Bình Dương trước khi kết thúc ở khu vực phía bắc Thái Bình Dương (phía bắc đảo Hawaii).

Hiện tượng nhật thực toàn phần sẽ diễn ra vào ngày 9/3 tới đây

Hiện tượng nhật thực toàn phần sẽ diễn ra vào ngày 9/3 tới đây

Khu vực lớn thuộc châu Á - Thái Bình Dương như các nước Đông Nam Á và Australia sẽ chỉ quan sát được nhật thực một phần. "Trong lần này Indonesia là nơi có điều kiện quan sát tốt nhất", Đặng Tuấn Duy, Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TP. HCM (HAAC) nói.

Tại Việt Nam, chúng ta chỉ có thể quan sát được một phần của hiện tượng này. Trong đó, tỷ lệ che khuất tại các tỉnh miền Nam và miền Trung sẽ lớn hơn so với miền Bắc.

Cụ thể là ở khu vực miền Nam, tỷ lệ che khuất cực đại có thể đạt từ trên 50 đến khoảng 60%, trong khi ở Hà Nội tỷ lệ này chỉ còn trên 20% và nhỏ hơn nữa khi lên tới các tỉnh phía Bắc. Theo các chuyên gia thiên văn, trong điều kiện thời tiết không có mây mù, người quan sát chỉ cần hướng mắt về bầu trời phía Đông.

Tuy nhiên, nhật thực một phần là hiện tượng nguy hiểm cho người quan sát bởi hiện tượng này có thể dẫn đến những thương tổn cho mắt hoặc thậm chí có thể dẫn đến mù lòa. Bởi vậy các chuyên gia khuyến cáo người quan sát không nên nhìn trực tiếp vào Mặt trời mà cần nhìn qua kính viễn vọng hay thấu kính, mắt kính đặc biệt để quan sát hiện tượng này, theo VnExpress.

Nguyễn Thùy (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang