Nhìn lại những vụ triệu hồi ô tô điện 'đình đám' trên thế giới do nguy cơ cháy nổ

author 16:55 07/04/2021

(VietQ.vn) - Trên thế giới, nhiều hãng ô tô đã phải ra quyết định thu hồi các sản phẩm xe ô tô điện do lo ngại nguy cơ cháy nổ.

Sự kiện: Ô tô - Xe máy

Cháy nổ là một trong những vấn đề khiến người mua ô tô lo lắng nhất. Cũng giống như xe xăng, ô tô điện cũng có nguy cơ gây cháy nổ. Nhiều hãng sản xuất ô tô trên thế giới đã phải thu hồi loạt xe điện do lo ngại nguy cơ này.

Mới đây vào tháng 2/2021, đợt triệu hồi 82.000 xe ô tô điện của Hyundai được đánh giá là một trong những đợt triệu hồi tốn kém nhất lịch sử ngành xe hơi. Theo Yonhap, Hyundai bắt đầu thay thế hệ thống quản lý pin (BMS) trên 75.680 chiếc Kona chạy điện (Kona EV), 5.716 chiếc IONIQ EV và 305 Elec City từ ngày 29/3 tại thị trường nội địa. Trong khi đó các thị trường nước ngoài bắt đầu từ tháng 4. Hệ thống pin cần thay thế được sản xuất bởi LG Energy Solutions (một nhánh của LG Chem) trong khoảng thời gian từ 11/2017 – 3/2020.

 Chiếc Kona EV bốc cháy khi đang sạc pin tại một trạm sạc ở Namyangju, cách Seoul khoảng 20 km về phía đông. Ảnh: Yonhap

Lãnh đạo Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc cho biết, phát hiện một số tế bào pin được sản xuất tại nhà máy của LG Energy từ tháng 7/2017 đến tháng 7/2019 bị lỗi và tiềm ẩn nguy cơ gây cháy. LG Energy đã bác bỏ cáo buộc về lỗi tế bào pin nhưng cho biết sẽ tiếp tục hợp tác để tìm ra nguyên nhân chính xác của vụ cháy. Các cuộc kiểm tra trong phòng thí nghiệm của Viện Nghiên cứu và Thử nghiệm ô tô Hàn Quốc cho thấy cả dải phân cách của pin cũng như các tế bào pin bị lệch không phải là nguyên nhân gây cháy.

Quyết định thay thế của Hyundai được đưa ra sau khi hãng xe thực hiện đợt triệu hồi tự nguyện đối với 77.000 chiếc Hyundai Kona chạy điện trên toàn cầu, trong đó có 25.564 chiếc tại thị trường nội địa vào hồi tháng 10 năm ngoái. Có tổng cộng 14 vụ cháy liên quan đến pin kể từ khi mẫu xe Kona điện ra mắt vào năm 2018. Trong đợt triệu hồi năm ngoái, Hyundai đã nâng cấp hệ thống quản lý pin BMS để giới hạn tốc độ sạc tối đa ở mức 90%, nhưng vẫn không loại bỏ được những lo ngại về an toàn sau khi một chiếc xe đã cập nhật phần mềm bốc cháy vào tháng trước.

Trước đó, tháng 11/2020, công ty sản xuất ô tô General Motors Co (GM) của Mỹ cũng thông báo triệu hồi 68.677 ô tô điện trên toàn thế giới có nguy cơ gây cháy sau khi ghi nhận năm vụ cháy và hai người bị thương nhẹ. Đợt triệu hồi này liên quan tới mẫu xe điện Chevrolet Bolt sản xuất trong giai đoạn 2017 - 2019 với pin điện áp cao được chế tạo tại nhà máy Ochang tại Hàn Quốc của Công ty hóa chất LG Chem.

Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA) tháng 10/2020 đã mở cuộc điều tra sơ bộ về xe điện Bolt sau khi có báo cáo về việc 3 vụ cháy liên quan tới xe Bolt. GM cho biết các xe điện Bolt có nguy cơ cháy nổ khi sạc đầy hoặc sạc gần đầy dung lượng pin của xe.

GM cho biết đã phát triển phần mềm hạn chế việc sạc đầy xe ở mức 90% để giảm thiểu rủi ro, đồng thời xác định phương án sửa chữa thích hợp cuối cùng.

Tháng 1/2021, Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia Mỹ (NHTSB) cũng kêu gọi các hãng xe điện đưa ra hướng dẫn xử lý pin hỏng và nghiên cứu về các nguy hiểm của pin lithium-ion.

 Pin lithium-ion có thể bốc cháy trở lại ngay sau khi dập tắt do năng lượng vẫn còn "mắc kẹt" bên trong.

Các hãng xe tăng cường phát triển xe điện nhằm giải quyết những lo ngại về biến đổi khí hậu và môi trường, nhưng một thực tế khác cho thấy xe điện cũng để lại nhiều mối nguy hại tiềm tàng. Những mẫu xe điện tiên tiến như Tesla Model 3 hay Ford Mustang Mach-E đều được trang bị pin lithium-ion, loại pin này đang gây hoài nghi về an toàn sau các vụ va chạm ở tốc độ cao và những vụ tai nạn khác.

Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia Mỹ (NHTSB) đã kêu gọi các nhà sản xuất ôtô đưa ra báo cáo chi tiết về các vụ hỏa hoạn sau va chạm do loại pin này gây ra. Thông tin này đặc biệt quan trọng đối với người dùng, một khả năng đáng lo khác là những đám cháy từ pin lithium-ion có thể bùng phát trở lại ngay sau khi chúng đã được dập tắt.

Cơ quan này yêu cầu các nhà sản xuất xe điện đưa ra hướng dẫn cụ thể về cách bảo quản pin an toàn sau khi chúng bị hỏng, đồng thời chú trọng nghiên cứu các mối nguy hiểm của pin. Bên cạnh đó, Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (NHTSA) cũng tạo ra danh sách xếp hạng an toàn mới trong chương trình đánh giá xe mới.

NTSB đã tiến hành điều tra 4 vụ tai nạn liên quan đến xe Tesla, trong đó có 3 vụ xe bốc cháy sau khi va chạm ở tốc độ cao. Vụ thứ tư là do pin hỏng. Ba chiếc xe liên quan đến vụ bốc cháy đều phát hỏa trở lại ngay sau khi lực lượng cứu hỏa đã dập tắt lửa.

Tesla không phải nhà sản xuất ôtô duy nhất có xe điện bốc cháy do vấn đề về pin. Chevrolet Bolt là ví dụ gần nhất. Không giống như động cơ đốt trong, pin vẫn còn năng lượng sau sự cố và các nhà sản xuất cần xác định các phương pháp để lính cứu hỏa có thể khử nguồn năng lượng đó. NTSB tuyên bố: "Các nguy cơ điện giật và bốc cháy trở lại phát sinh từ lượng năng lượng 'mắc kẹt' vẫn còn trong pin".

Ngoài ra, các mối nguy về hóa chất và điện áp cũng được NTSB quan tâm. Cơ quan này chỉ ra phương pháp để giải quyết các bình ắc quy hỏng là tháo chúng ra khỏi xe và ngâm vào nước mặn để xả hết năng lượng còn lại.

Thu Hà (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang