Những cách chữa Covid-19 tại nhà bị khuyến cáo 'phản khoa học' ở một số quốc gia

author 17:27 31/07/2021

(VietQ.vn) - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người dân nhiều quốc gia áp dụng những phương pháp điều trị tại nhà. Tuy nhiên các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần thận trọng.

Dùng thuốc chống ký sinh trùng, uống sữa, keo ong tại Indonesia

Theo thông tin trên báo VnExpress, khi biến thể Delta càn quét Indonesia, người dân nước này lan truyền các phương pháp chữa Covid-19 tại nhà song được chuyên gia y tế khuyến cáo "không có căn cứ khoa học".

Nhiều bệnh viện ở Indonesia đang ứng phó với lượng bệnh nhân tăng và tình trạng thiếu oxy. Người dân không thể tiếp cận hệ thống y tế, cố gắng tự xoay xở giúp đỡ bạn bè hoặc người thân mắc bệnh. Họ tìm kiếm các phương án thay thế để tự chữa tại nhà hoặc kéo dài thời gian trước khi có giường bệnh, máy thở. Trong khi đó, nhiều loại thuốc, thực phẩm được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội, dù chưa có nhiều bằng chứng khoa học "chữa Covid".

Thuốc chống ký sinh trùng

Nhiều người Indonesia chia sẻ bài viết về Ivermectin, một loại thuốc chống ký sinh, có thể điều trị Covid-19. Sự quan tâm đến thuốc tăng vọt sau khi nhiều hãng truyền thông địa phương đăng tải thông tin sai lệch, rằng thuốc đang được chính phủ xem xét phê duyệt.

Tuy nhiên, thực tế, Ivermectin vẫn trong quá trình thử nghiệm, đến nay chưa chứng minh hiệu quả điều trị Covid-19. Các hãng truyền thông đưa tin dựa trên nghiên cứu sơ bộ của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM), công bố hôm 15/7. Song ngay sau đó, người đứng đầu BPOM, Penny Lukito, khẳng định thuốc chưa được cấp phép khẩn cấp.

Nhầm lẫn nảy sinh vì Ivermectin được đưa vào danh sách cùng với các loại thuốc khác, hai trong số đó đã được phê duyệt khẩn cấp. Theo bà Lukito, Ivermectin xuất hiện vì nó đang được thử nghiệm lâm sàng tại 8 bệnh viện, nhưng đến tháng 10 mới có kết quả.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng cảnh báo thuốc này chỉ sử dụng trong một số cơ sở lâm sàng nhất định. Tuy nhiên, trên mạng xã hội, Ivermectin được quảng cáo như phương pháp điều trị chính thức.

Bác sĩ Reza Gunawan ủng hộ sử dụng thuốc, trên tài khoản Twitter có hơn 350.000 người theo dõi. Được hỏi về lý do, ông trả lời: "Ivermectin tương đối an toàn, chi phí thấp, hiệu quả, thuận tiện và dễ sử dụng. Nó có thể hỗ trợ chương trình tiêm chủng đang diễn ra". Song ông thừa nhận mình không phải một "bác sĩ y khoa".

Nhà sản xuất Merck cho biết chưa nghiên cứu khoa học nào chứng minh Ivermectin có tác dụng chống Covid-19. Tiến sĩ Dicky Budiman, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Griffith, Australia, cảnh báo không nên sử dụng thuốc mà thiếu sự giám sát của bác sĩ, bởi có thể gây phản ứng phụ nghiêm trọng.

 Nhiều phương pháp điều trị Covid-19 tại nhà phản khoa học. Ảnh minh họa

Uống sữa tạo kháng thể

Trên mạng xã hội, nhiều người truyền tai nhau thông tin uống sữa sẽ tạo kháng thể chống Covid-19. Một số video cho thấy người dân Indonesia đổ xô đi mua một loại sữa đóng lon. Tin đồn bắt nguồn từ các nhóm WhatsApp. Do nhu cầu đột biến, giá sữa tăng tới 455%.

Nhà sản xuất loại sữa này ở Indonesia cho biết chưa từng tuyên bố sản phẩm tạo được kháng thể ngừa nCoV.

Thực tế, thông tin uống sữa chống Covid-19 đã xuất hiện từ tháng 4 năm ngoái. Trang web "The Bullvine" của Mỹ khẳng định "sữa có chứa lactoferrin, một loại protein giúp đẩy lùi virus. Bên cạnh đó, thành phần vitamin C và kẽm cũng đóng vai trò tăng cường khả năng miễn dịch". Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết đây là thông tin sai lệch.

Đại diện Tổ chức Dinh dưỡng Anh tuyên bố: "Không có thực phẩm hoặc chất bổ sung nào bảo vệ bạn khỏi Covid-19. Tuy nhiên, chế độ ăn uống lành mạnh giúp hỗ trợ chức năng miễn dịch, nhiều chất dinh dưỡng thực sự có ảnh hưởng đến khả năng chống nhiễm trùng".

Trước thông tin cho rằng các loại đồ ăn, thức uống và gia vị như dừa tươi, sữa tiệt trùng có thể phòng chống hay thậm chí chữa Covid-19, tiến sĩ Siti Nadia Tarmizi, lãnh đạo cơ quan phòng chống và kiểm soát bệnh truyền nhiễm thuộc Bộ Y tế Indonesia, nói: "Chưa có thử nghiệm lâm sàng nào cho thấy các loại thực phẩm như vậy có hiệu quả ngừa Covid-19 chứ đừng nói đến chữa khỏi".

Quan chức Bộ Y tế Indonesia cho biết thêm đã nhiều lần cảnh báo người dân không tích trữ các mặt hàng trên, song nhiều người vẫn làm ngơ.

Keo ong và "chất tăng cường miễn dịch"

Bên cạnh Ivermectin và sữa, sản phẩm được chia sẻ khác là keo ong - loại hợp chất ong mật thu được trong quá trình lấy mật hoa kết hợp với nước bọt của chúng, thường dùng trị viêm loét. Tin đồn xuất phát từ một bài đăng trên Twitter với nội dung: "Keo ong Anh, đã được chứng nhận không sử dụng thành phần chất cấm theo quy định Hồi giáo, hiệu quả chữa Covid-19 và các loại bệnh khác".

Keo ong được cơ quan quản lý thực phẩm Indonesia cấp phép tại từ năm 2018 như một phương thuốc bổ truyền thống. Trang web chính thức tuyên bố sản phẩm chống virus, song không chỉ rõ có ngừa nCoV hay không. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy dùng keo ong hiệu quả điều trị Covid-19. Công ty tiếp thị sản phẩm ở Indonesia chưa lên tiếng về vấn đề này.

Bên cạnh đó, tin đồn sử dụng "chất tăng cường miễn dịch" cũng lan truyền chóng mặt, không chỉ ở Indonesia mà nhiều nước khác. Tiến sĩ Faheem Younus, trưởng khoa truyền nhiễm Đại học Maryland, cho rằng thuật ngữ "tăng cường miễn dịch" rất chung chung. Hiện chưa có bằng chứng chất này chống lại Covid-19. Một số người dùng mạng xã hội đề xuất uống dầu tràm, thường dùng bôi ngoài da điều trị kích ứng để ngăn ngừa Covid-19. Các chuyên gia khẳng định đây là thông tin sai lệch. Trên thực tế, dầu tràm có thể gây ra các vấn đề hô hấp nếu hít phải.

Nước khử trùng tự làm tại Ý

Vì tình trạng khan hiếm nước khử trùng tay và cũng vì việc rửa tay được cho là một trong những cách quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của virus, các công thức tự làm gel rửa tay tại nhà bắt đầu xuất hiện. Tại  Ý, những công thức này được quảng bá là bản sao của một trong những thương hiệu khử trùng tay phổ biến nhất, thực ra chỉ là công thức làm ra chất khử trùng vệ sinh các bề mặt chứ không thích hợp để sử dụng trên da, các nhà khoa học nói. Gel tay chứa cồn thường có kèm chất làm mềm da, giúp chúng nhẹ nhàng hơn trên da, với mức độ cồn 60-70%.

Giáo sư Sally Bloomfield, tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London cho biết bà không tin rằng có thể tạo ra một sản phẩm hiệu quả tại nhà, ngay cả vodka chỉ chứa 40% cồn. Để làm sạch bề mặt, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết hầu hết chất khử trùng thông thường trong gia đình đều hiệu quả. Tuy nhiên theo các nhà khoa học dù hiệu quả nhưng cần có cách pha chế chuẩn nếu không sẽ gây ra hậu quả khó lường cho làn da. 

Cứ 15' uống nước một lần tại Nhật Bản

Một bài đăng được sao chép và chia sẻ nhiều trên Facebook trích dẫn một "bác sĩ Nhật Bản" khuyên nên uống nước cứ sau 15 phút để loại bỏ bất kỳ loại virus nào có thể xâm nhập vào miệng. Một phiên bản bằng tiếng Ả Rập đã được chia sẻ hơn 250.000 lần. Giáo sư Bloomfield nói rằng hoàn toàn không có bằng chứng nào cho thấy điều này sẽ hiệu quả.

Virus trong không khí xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp khi bạn hít vào. Một trong số chúng có thể xâm nhập vào miệng của bạn, nhưng thậm chí uống nước liên tục sẽ không ngăn bạn nhiễm virus. Tuy nhiên, uống nước và giữ nước nói chung là lời khuyên y tế tốt.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang