Những điều cần lưu ý khi xây dựng hệ sinh thái phát triển ngành quế
Chủ động ứng phó nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại ngày một lớn
Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại từ thị trường châu Á, châu Phi, châu Đại dương
Ban hành Bản câu hỏi điều tra rà soát áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với đường mía
Các ngành hàng trong nước đang nhận được những hậu thuẫn rất lớn từ tiến trình hội nhập và ngành quế Việt Nam đang sở hữu những lợi thế lớn để có thể vươn lên chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Hiện, trên thế giới, chỉ có 5 quốc gia trồng được quế, trong đó Việt Nam đứng thứ 3 về sản lượng.
Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 62.000 tấn quế, đạt kim ngạch hơn 177 triệu USD. Sản lượng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá trị lại giảm do quan hệ cung cầu trên thị trường.
Xuất khẩu ngành quế hiện tập trung chủ yếu ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, với khoảng 60% tổng sản lượng quế xuất khẩu; thứ hai là châu Mỹ với thị trường chính là Hoa Kỳ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng xuất khẩu; thứ ba là châu Âu với khoảng 10% và châu Phi gần 40%.
Về việc thực thi, tận dụng những ưu đãi từ các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới mang lại, năm 2024 chúng ta ghi nhận sự đột phá trong khẩu thị trường nhờ vào lợi thế từ các hiệp định FTA và nỗ lực của doanh nghiệp và người tiêu dùng thế giới ngày càng biết nhiều hơn đến hàng Việt Nam. 8 tháng năm 2024, xuất khẩu quế sang thị trường châu Âu tăng trưởng khoảng 45%, thị trường UK tăng 105%, thị trường Canada tăng hơn 25%, thị trường Mexico tăng khoảng hơn 70%... Đây là những động lực rất lớn, những con số trên đã là minh chứng rõ nhất về tình hình tận dụng ưu đãi từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu của doanh nghiệp.
Ảnh minh họa
Chia sẻ dưới góc độ cơ quan quản lý trong quá trình xây dựng hệ sinh thái các FTA, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho hay, kế hoạch của Bộ Công Thương trước hết là phải xây dựng thành công mô hình, sau đó lấy ý kiến từ lãnh đạo các cấp, bộ, ban ngành, doanh nghiệp, người dân... Các ngành hàng lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình hệ sinh thái FTA bao gồm da giày, dệt may, thủy sản, cà phê và quế.
Bộ Công Thương sẽ lấy ý kiến của người nông dân đến doanh nghiệp, cơ quan quản lý địa phương; trong đó, mời cơ quan quản lý Trung ương, các tổ chức có liên quan cùng thảo luận và sau đó Bộ Công Thương sẽ tổng hợp thành đề án và lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội một lần nữa rồi trình Chính phủ.
Qua đó, nếu được Chính phủ thông qua sẽ ra quyết định thành lập một hệ sinh thái; trong đó, xây dựng tổ công tác gồm đại diện các bộ, ngành, địa phương rồi thành lập cấu phần để thúc đẩy vận hành hệ sinh thái và xây dựng cơ sở vật chất cần thiết. Nếu thuận lợi, dự kiến tháng 9/2025 có thể bắt đầu triển khai vận hành thí điểm hệ sinh thái này.
Dưới góc độ chuyên gia về ngành nông nghiệp, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, có 3 thuận lợi cơ bản nhất. Cụ thể, thị trường xuất khẩu ngành quế bao gồm tất cả các quốc gia ở châu Á, châu Phi và châu Âu. Các thị trường này đang tăng cường nhập khẩu nông sản từ thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, vùng nguyên liệu quế của Việt Nam tập trung lớn vào hai tỉnh Lào Cai, Yên Bái. Đây là những vùng nguyên lâu đời của đồng bào các dân tộc có trình độ canh tác, thu gom, sản xuất rất đáng tin cậy và cũng là điều kiện để doanh nghiệp đưa khoa học thuật vào sản xuất. Hơn nữa, quế là cây trồng chủ lực của hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái nên các chính sách, sự chỉ đạo điều hành trong sản xuất ngành quế luôn được lãnh đạo tỉnh chú ý, tập trung. Nhờ đó, vùng trồng quế phát triển hơn rất nhiều so với các vùng trồng cây nguyên liệu khác.
Thế nhưng, hiện tại vẫn chưa có một chiến lược quốc gia về phát triển bền vững ngành quế nên chưa tạo động lực cho doanh nghiệp mạnh dạn mở rộng sản xuất để thu hút đầu tư. Chưa kể, vấn đề nguồn nhân lực cũng đang là thách thức đối với doanh nghiệp, hiệp hội sản xuất ngành quế.
Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành hàng chưa phát huy hết vai trò trong việc kết nối thành viên, dẫn dắt và hỗ trợ doanh nghiệp thành viên chuyển đổi sản xuất, tận dụng ưu đãi từ các FTA để xuất khẩu. Cơ chế, chính sách pháp luật về ngành quế còn chưa hoàn thiện, đồng bộ. Hơn nữa, sản phẩm xuất khẩu vẫn đang vướng mắc ở dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, canh tác manh mún…
Đáng chú ý, bà con sản xuất, xuất khẩu quế vẫn “mạnh ai nấy làm” khiến việc liên kết ngang, liên kết dọc trong sản xuất, xuất khẩu giữa người sản xuất - doanh nghiệp xuất khẩu - thị trường xuất khẩu là chưa có. Người sản xuất còn thiếu thông tin về thị trường xuất khẩu.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam nhấn mạnh, việc xây dựng một hệ sinh thái là vô cùng quan trọng, vì nó không chỉ là diễn đàn liên kết các tác nhân trong chuỗi cung ứng mà còn giúp tăng giá trị sản phẩm. Hệ sinh thái này sẽ giúp gắn kết các cam kết của Nhà nước trong thương mại quốc tế với thực tế, và doanh nghiệp; trong đó, doanh nghiệp là người thực thi, biến cam kết thành hiệu quả thực tế thông qua giá trị xuất khẩu tăng trưởng, thâm nhập thị trường...
Việc xây dựng hệ sinh thái phải dựa trên tư duy thực tế, cung cấp thông tin, tạo động lực cho sản xuất và mang lại lợi ích dù to hay nhỏ cho người nông dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý trung ương, địa phương... Hệ sinh thái phải là mô hình mà tất cả chủ thể tham gia đều có lợi; người dân, doanh nghiệp chỉ tham gia khi thấy lợi ích rõ ràng. Khi thấy lợi ích, giá trị từ hệ sinh thái, tự thân người dân, doanh nghiệp sẽ chủ động tham gia từ đó xây dựng thị trường bền vững, kết nối chặt chẽ giữa chủ thể ở khối công (quan hệ cơ quan quản lý, nhà nước) và tư (doanh nghiệp và người dân).
Ngoài ra, khi tham gia vào hệ sinh thái, người dân sẽ sản xuất ra những sản phẩm thị trường xuất khẩu cần, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường như: không nhiễm chì, không nhiễm kim loại nặng... Nếu người nông dân sản xuất, canh tác theo hướng hữu cơ sẽ tăng thêm giá trị cho sản phẩm.
Khánh Mai (t/h)