Những độc tố nguy hại sức khỏe được tìm thấy trong sữa bột giả tại nhiều quốc gia

(VietQ.vn) - Theo ghi nhận thời gian qua trong các vụ bê bối sữa bột giả quốc tế đã phát hiện ra nhiều độc tố nguy hiểm tới sức khỏe con người như Melamine, chì, vi khuẩn Salmonella…
Chưa hết bàng hoàng về vụ sữa giả, người tiêu dùng lại nơm nớp lo về quảng cáo sữa Nutri Brain IQ
Bác sĩ chỉ cách để tránh mua nhầm sữa giả, sữa kém chất lượng
Bác sĩ chỉ cách để tránh mua nhầm sữa giả, sữa kém chất lượng
Tại Hội nghị An toàn Thực phẩm Toàn cầu của WHO, bà Renata Clarke - chuyên gia từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) - từng khẳng định, buôn bán sữa giả không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn là một hành vi tội ác với thế hệ tương lai. Điểm chung ở các sản phẩm sữa giả là giá bán thường thấp hơn đáng kể so với hàng chính hãng. Chính điều này đã đánh trúng tâm lý của một bộ phận người tiêu dùng - đặc biệt là ở vùng nông thôn hoặc người có thu nhập thấp. Thực tế đã có không ít vụ bê bối sữa giả chứa các độc tố nguy hiểm tới sức khỏe bị phanh phui gây chấn động dư luận.
Melamine- chất gây suy thận
Năm 2008, vụ bê bối sữa nhiễm melamine tại Trung Quốc đã gây chấn động toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 300.000 trẻ em đã bị ảnh hưởng, trong đó ít nhất 6 trường hợp tử vong do suy thận cấp.
Melamine là một hợp chất công nghiệp, thường được sử dụng để sản xuất nhựa, keo và chất chống cháy. Một số nhà sản xuất bất lương đã trộn melamine vào sữa bột để gian lận kết quả kiểm tra hàm lượng protein, do nó chứa nitơ cao - yếu tố khiến máy kiểm định đánh giá sai. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), melamine không được phép có mặt trong thực phẩm dưới bất kỳ dạng nào, vì nó có thể gây sỏi thận, tổn thương thận không hồi phục, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh có hệ bài tiết yếu.
Tại Việt Nam cũng đã phát hiện sữa Y Lợi (Yili), nằm trong danh mục sữa nhiễm độc chứa melanine của Trung Quốc.

Sữa bột giả chứa độc tố nguy hại tới sức khỏe người dùng bị phanh phui. Ảnh minh họa
Vi khuẩn salmonella
Nhiều vụ thu giữ sữa bột giả tại châu Phi và khu vực Đông Nam Á từng phát hiện sản phẩm nhiễm salmonella - loại vi khuẩn gây tiêu chảy, sốt cao và mất nước trầm trọng. Sữa giả được pha trộn thủ công trong môi trường không tiệt trùng chính là ổ chứa lý tưởng của loại vi khuẩn này. WHO cảnh báo, Salmonella gây ra hơn 150.000 ca tử vong mỗi năm, phần lớn ở trẻ nhỏ và người có hệ miễn dịch yếu. Hậu quả không chỉ là tiêu chảy cấp, mà còn có thể là viêm màng não, nhiễm trùng máu, gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Vào năm 2017 Nhà chức trách Pháp và Tập đoàn sữa hàng đầu tại Pháp Lactalis đã thông báo lệnh thu hồi khoảng 7.000 tấn sữa của hãng được lưu hành trên thị trường toàn cầu bao gồm Trung Quốc, Pakistan, Anh và Sudan. Nguyên nhân có thể sản phẩm bị nhiễm khuẩn salmonella sau khi phát hiện 26 trường hợp trẻ dưới 6 tuổi mắc bệnh tại Pháp sau khi dùng sữa này.
Ngày 20/2/2022 Cục An toàn thực phẩm Việt Nam đã nhận được thông tin từ Mạng lưới các cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN) về sự cố an toàn thực phẩm liên quan đến việc một số trẻ nhỏ bị nhiễm Cronobacter sakazakii and Salmonella Newport sau sử dụng sản phẩm dinh dưỡng công thức sản xuất tại nhà máy của Abbott Nutrition's Sturgis, MI, Mỹ.
các sản phẩm liên quan đã được xuất khẩu từ Mỹ tới Việt Nam, cụ thể là sản phẩm dinh dưỡng công thức dạng bột cho trẻ nhỏ; nhãn hiệu: Similac, Alimentum, and EleCare; tên công ty là Abbott. Hai số đầu tiên của mã số từ 22 tới 37 và mã số trên bao bì chứa ký hiệu K8, SH, hoặc Z2, và hạn sử dụng từ 1/4/2022 trở về sau.
Chì
Chì từng được phát hiện trong một số sản phẩm sữa giả tại các nước đang phát triển. Báo cáo năm 2020 của The Lancet Global Health cho thấy, một số loại sữa bột trôi nổi có hàm lượng chì cao gấp 20 lần mức cho phép.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), chì ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển não bộ ở trẻ nhỏ, làm giảm chỉ số IQ, gây rối loạn hành vi và khả năng học tập. Về lâu dài, chì còn là nguyên nhân gây tăng huyết áp, tổn thương thận, ảnh hưởng sinh sản và tăng nguy cơ ung thư.
Chất tạo sánh công nghiệp
Để mô phỏng độ đặc và mùi vị của sữa thật, nhiều đối tượng đã sử dụng các chất như carboxymethyl cellulose (CMC) - một chất làm đặc công nghiệp, hoặc đạm thực vật không rõ nguồn gốc. Một số thậm chí pha trộn cả bột ngô, tinh bột biến tính và hương liệu tổng hợp. Tuy các chất này có thể tạo cảm giác "giống sữa", nhưng lại không cung cấp dinh dưỡng và thậm chí gây rối loạn tiêu hóa, dị ứng hoặc viêm ruột nếu dùng lâu dài.
Sữa bột chứa dầu khoáng
Vào năm 2019 Tổ chức Foodwatch (châu Âu) phát hiện lượng nhỏ chất dầu khoáng thơm (MOAH) tồn dư trong 8 sản phẩm sữa bột công thức tại Pháp, Đức, Hà Lan. 8 loại sữa bột bị Foodwatch cảnh báo là Neolac, Hero Baby, Nutrilon (Hà Lan), Nestle Nidal, Danone Gallia (Pháp), Beba Optipro Pre 800g, Beba Optipro 1 800 g, Novalac (Đức). Nguyên nhân khiến sữa bột công thức nhiễm dầu khoáng chưa được làm rõ, song Foodwatch cho rằng dầu sử dụng trong sản xuất hộp kim loại đựng sữa bột cho trẻ em có thể là thủ phạm. MOAH là một dẫn xuất hydrocarbon được sử dụng trong mực viết và chất dán dùng cho đóng gói thực phẩm, được Liên minh châu Âu (EU) đánh giá có khả năng gây ung thư.
Sữa bột chứa hạt nano
Cơ quan lương thực Australia lên tiếng yêu cầu thu hồi 3 loại sữa bột danh tiếng được sản xuất tại nước này do phát hiện chứa các hạt nano có khả năng gây độc hại. Bao gồm Nestle NAN HA Gold 1, Nature’s Way Kids 1 và Heinz Nurture Original 1. Một loạt các cuộc thanh tra sữa bột dành cho trẻ sơ sinh được sản xuất và bán ra tại Australia được tiến hành.
Trước nhiều vụ bê bối trên các chuyên gia khuyến cáo, trẻ sơ sinh đặc biệt dễ bị rủi ro về an toàn thực phẩm vì hệ miễn dịch vẫn đang phát triển. Do đó, việc phát hiện sữa bột hay các loại sản phẩm khác dành cho trẻ nói riêng, người tiêu dùng nói chung không đảm bảo chất lượng, đe dọa sức khỏe cần được kiểm soát chặt chẽ.
Người tiêu dùng cần mua sữa tại cửa hàng, nhà thuốc, siêu thị uy tín. Kiểm tra kỹ tem chống giả, mã QR, hạn sử dụng. Không mua sữa "xách tay", "giá rẻ bất ngờ" từ các trang mạng xã hội, livestream… Quan sát màu, mùi và độ tan của sữa trước khi cho trẻ sử dụng.
Ngoài ra, cần tăng cường sự giám sát của lực lượng quản lý thị trường, kiểm định chất lượng định kỳ các loại sữa bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán hàng giả, đặc biệt trong lĩnh vực dinh dưỡng trẻ em.
An Dương (T/h)