Những nguy hiểm chết người do sốc phản vệ cần tránh

author 11:01 26/12/2016

(VietQ.vn) - Sốc phản vệ có thể xảy ra ở bất cứ loại thuốc, hóa chất điều trị cũng như dị ứng thức ăn, hóa mỹ phẩm, côn trùng đốt. Bệnh diễn biến nhanh dễ tử vong.

Tử vong vì sốc phản vệ

Mới đây, Vietnamnet đưa tin 2 bệnh nhân tử vong sau khi gây mê tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sáng ngày 25/12.

Hai bệnh nhân được xác định là Hoàng Văn Tr. (37 tuổi, ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) và Quách Thị Mai P. (38 tuổi, ở Trúc Bạch, Ba Đình). Cả 2 đều có biểu hiện sốc phản vệ tại Bệnh viện Trí Đức, sau đó được chuyển sang cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai và tử vong tại đây.

 Bệnh viện - nơi 2 bệnh nhân xảy ra sốc phản vệ sau khi tiêm thuốc.

2 bệnh nhân được gây mê bởi 2 kíp mổ khác nhau, mỗi kíp 5 người gồm 1 bác sĩ mổ, 1 bác sĩ gây mê, 1 kĩ thuật viên gây mê, 2 dụng cụ viên.

Bệnh nhân P. bắt đầu được gây mê lúc 8h15. Bệnh nhân được tiêm Atropine 0.25mg, Midazolam 5mg, Solumedrol 40mg, (tiền mê). 15 phút sau sử dụng tiếp 100mg Diprivan và 30mg Esmeron.

Sau 30 giây, bệnh nhân có dấu hiệu sốc phản vệ và được cấp cứu tại phòng mổ.

Bệnh nhân Tr. bắt đầu gây mê lúc 8h40 với quy trình tương tự, nhưng điều chỉnh liều lượng Diprivan ở bước 2 lên 120g. Tuy nhiên, sau 30 giây bệnh nhân có dấu hiệu sốc phản vệ.

Theo các bác sĩ, đúng nguyên tắc, 8h30 xảy ra biến cố ca 1 thì bắt buộc phải dừng gây mê các ca sau để niêm phong thuốc và kiểm tra chất lượng, tuy nhiên sự cố đã không được báo cáo kịp thời, nên ca thứ 2 vẫn được gây mê sau đó 10 phút.

Chia sẻ với Zing, ông Hoàng Văn Chiến (66 tuổi), bố của bệnh nhân Tr. cho biết, ngày 24/12 con trai ông và vợ cùng đi đến Bệnh viện Trí Đức để khám vì ho và rát cổ họng. Tại đây các bác sĩ chỉ định cắt amidan và hẹn sáng 25/12 đến để làm thủ thuật.

Theo ông, con trai ông từ trước đến nay hoàn toàn khỏe mạnh, dù biết bị amidan nhưng do anh Tr. rất sợ dao kéo nên không đến viện để cắt.

“Lần này động viên mãi nó mới đến viện khám và quyết định cắt amidan, không ngờ lại xảy ra cơ sự này”, ông Chiến nói.

Hiện, Công an quận Hai Bà Trưng đã tiến hành niêm phong phòng mổ, vỏ thuốc và các sổ sách, chứng từ liên quan đến ca gây mê.

Sở Y tế Hà Nội cũng kiểm tra và niêm phong, bảo quản tất cả các thuốc đã dùng cho bệnh nhân, bao gồm: Diprivan 1% 200mg/20ml, Esmeron 50mg/5ml, Atropin Sunfat 0.25mg/ml, Solu Medrol 40mg/1ml, Midanium (Midazolam 5mg/ml).

Ảnh cuối cùng của máy bay quân sự Nga trước khi rơi ở biển Đen(VietQ.vn) - Tờ Daily Mail mới đây đã đăng tải bức ảnh cuối cùng của chiếc máy bay quân sự Nga Tu-154 thuộc Bộ Quốc phòng Nga trước khi nó gặp nạn sáng 25/12.

Thuốc, thực phẩm, hóa mỹ phẩm – Kẻ thù gây sốc phản vệ

Giáo sư Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chia sẻ với VnExpress, các loại thuốc trong quá trình chẩn đoán điều trị kể cả thức ăn hằng ngày như trứng, sữa, cua,… cũng đều có thể dẫn đến sốc phản vệ. Trường hợp nhẹ sẽ ngứa, đau bụng, đi ngoài, nặng có thể tử vong.

 Bất cứ loại thuốc điều trị, kể cả thức ăn hàng ngày cũng có thể gây sốc phản vệ.

Bác sĩ Bình cũng gặp một trường hợp bị sốc phản vệ vì dị ứng với dọc mùng. Thấy cô gái có biểu hiện khó thở không chịu nổi, người bán hàng chỉ biết gọi xe ôm đưa đến viện. Chưa kịp vào viện, bệnh nhân đã bị thiếu ôxy não, ngừng tim; khi được cấp cứu giúp tim đập lại nhưng não đã hỏng.

Theo Giáo sư Bình, số người bị sốc phản vệ ngày càng nhiều. Trước đây mỗi năm tại Bệnh viện Bạch Mai chỉ gặp vài trường hợp thì nay hầu như ngày nào cũng có người bị sốc phản vệ.

Phản ứng phản vệ có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất cứ loại thuốc hoặc hóa chất điều trị nào cũng như xuất phát từ dị ứng thức ăn, hóa mỹ phẩm và do côn trùng đốt. Bệnh có diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

"Nếu bệnh nhân bị sốc phản vệ phải cấp cứu ngay, xử lý trong vòng 10 giây thì 80-90% có thể cứu được. Đây là những cái chết hoàn toàn không mong muốn và xảy ra đột ngột, đặc biệt là ở những người khỏe mạnh", giáo sư Bình nhấn mạnh.

Cách phòng tránh sốc phản vệ

Nếu có tiền sử dị ứng, hãy trao đổi thật kỹ với bác sĩ khi được đơn thuốc. Hãy luôn mang theo bên mình các loại thuốc giải dị ứng.

Sốc phản vệ diễn biến nhanh, phức tạp dễ gây tử vong. Ảnh internet.

 + Khi đang tiêm thuốc, nếu thấy có những cảm giác khác thường như bồn chồn, hốt hoảng, sợ hãi, tê lưỡi.. hãy nói ngay với bác sĩ để ngừng tiêm và kịp thời xử lý như sốc phản vệ.

+ Sau khi tiêm thuốc xong nên ở lại phòng tiêm khoảng 15-30 phút, không nên ra về ngay đề phòng sốc phản vệ xảy ra muộn hơn với tùy cơ địa từng người.

+ Sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, đúng chỉ định.

+ Khi ăn đồ ăn lạ, nên thử một lượng nhỏ để xét phản ứng của cơ thể. Chờ sau 24 giờ mới nên ăn lại nếu không thấy hiện tượng gì bất thường. Với những người có cơ địa dị ứng sẽ rất dễ bị sốc do ăn uống những đồ có chất lạ.

Minh Khuê (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang