Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

author 15:46 14/10/2021

(VietQ.vn) - Các chuyên gia khẳng định, việc kiểm soát cơ bản dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc và khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội không phải là câu khẩu hiệu, không chỉ là mục tiêu phấn đấu mà còn là đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống.

Từ thực tiễn nước ta trong gần hai năm qua kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát cho thấy việc thực hiện “mục tiêu kép” từ nay đến cuối năm 2021 và vào đầu năm sau - kiểm soát về cơ bản dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội không phải là câu khẩu hiệu, không chỉ là mục tiêu phấn đấu mà còn là đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống. Bởi nếu không kiểm soát được dịch ở mức độ nhất định thì khôi phục sản xuất là điều gần như không khả thi.

Các doanh nghiệp nỗ lực phục hồi sản xuất. Ảnh minh họa.

Các chuyên gia nhận định, kinh tế thế giới đang tăng trưởng trở lại và lĩnh vực thương mại hàng hóa toàn cầu hồi phục nhanh. Vì vậy, việc Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để nhận các đơn hàng lớn nhằm phục hồi sản xuất trong nước, bắt nhịp với đà phục hồi của các nền kinh tế hay không là điều hết sức quan trọng. Trên tinh thần đó, bên cạnh việc phải tránh thái độ chủ quan, lơ là, nóng vội, chúng ta cũng cần tránh sa vào tình trạng hốt hoảng, e dè, thận trọng quá mức để lỡ mất chuyến hành trình chung với nền kinh tế thế giới.

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, song vào năm 2020 và trong 9 tháng của năm 2021 các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử… vẫn nhận được nhiều đơn hàng quốc tế mới nhờ sự dịch chuyển chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị và sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn.

Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp đang gặp khó khăn ở cả phía cung và cầu. Về phía cung, vật cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp là quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa thông suốt phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa không được đảm bảo. Lý do là những quy định về phòng dịch rất phức tạp và không thống nhất giữa các địa phương.

Ngành công nghiệp có đặc tính là sự kết nối sản xuất theo chuỗi mà không phân biệt địa giới hành chính. Bởi vậy, rào cản lưu thông, vận chuyển hàng hóa do yêu cầu phòng dịch sẽ dẫn đến nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, trong đó đặc biệt là chuỗi cung ứng lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu vào sản xuất của doanh nghiệp.

Do đó, điều kiện tiên quyết và cốt lõi để phục hồi kinh tế là phải khống chế dịch một cách căn bản, tạo tiền đề để nhiều quy định về phòng, chống dịch bệnh được điều chỉnh, sửa đổi nhằm đảm bảo mục tiêu vừa duy trì sản xuất cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng cho người lao động và cộng đồng.

Hết sức tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, hạn chế nguy cơ khách hàng quốc tế dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác. Nếu để điều này xảy ra thì đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp chúng ta rất khó nối lại các mối quan hệ giao thương đã mất.

Trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân gắn chặt với việc mở cửa nền kinh tế. Trong đó bao gồm các vấn đề như tăng năng lực của các sơ sở y tế, tiêm vaccine đạt miễn dịch cộng đồng, vừa mở cửa trở lại vừa bảo đảm hệ thống y tế hoạt động thông suốt, hiệu quả, ứng phó linh hoạt với dịch bệnh. Chương trình này phải được đẩy mạnh và phấn đấu hoàn thành trong quý I/2022.

Thực tế, quốc gia có sự phục hồi kinh tế nhanh cũng là những nơi có độ phủ vaccine rộng và sớm. Mặt khác, các quốc gia bắt đầu mở cửa giao thương trong thời kỳ “bình thường mới” đang có xu hướng ưu tiên làm ăn với các quốc gia và khu vực đã đạt được sự miễn dịch cộng đồng thông qua vaccine để kiểm soát dịch bệnh.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang