Để chiến thắng dịch bệnh trên cả ‘mặt trận’ y tế và kinh tế

author 19:40 11/10/2021

(VietQ.vn) - Để chiến thắng đại dịch Covid-19 trên cả hai mặt trận y tế và kinh tế, bên cạnh việc kiềm chế dịch bệnh cần có những chính sách hợp lý nhằm tăng cường sức đề kháng của nền kinh tế.

Thời gian qua, tại Việt Nam, đợt dịch lần thứ tư do biến thể Delta lây lan nhanh đã tác động lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Đại dịch lan rộng ra hầu hết các tỉnh, thành phố, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai…, nơi tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất và các doanh nghiệp lớn.

Trước bối cảnh khó khăn này, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ thiết thực tới người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên do tiềm lực hạn chế, Việt Nam không thể theo đuổi chính sách phục hồi kinh tế vĩ mô theo cách của các nước lớn trên thế giới. 

Bên cạnh việc kiềm chế dịch bệnh cần có những chính sách hợp lý nhằm tăng cường sức đề kháng của nền kinh tế. Ảnh minh họa.

Theo nhóm chuyên gia Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), để chiến thắng đại dịch Covid-19 trên cả hai mặt trận y tế và kinh tế, bên cạnh việc kiềm chế dịch bệnh cần có những chính sách hợp lý nhằm tăng cường sức đề kháng (khả năng chịu đựng) của nền kinh tế; chuẩn bị đủ năng lực ứng phó khi dịch bệnh kéo dài; từ đó tăng cường tiềm lực phục hồi kinh tế nhanh chóng ngay khi dịch bệnh được khống chế, không để nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Nhằm tạo ra nguồn lực trong thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ có thể thực hiện các biện pháp huy động nguồn lực tài chính theo thứ tự ưu tiên như sau: Thứ nhất, cắt giảm chi thường xuyên tối thiểu 10%, đặc biệt là các chi phí chưa thực sự cần thiết như hội thảo, hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước…; Thứ hai, tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi (không lãi suất hoặc lãi suất rất thấp) nếu có từ các tổ chức quốc tế với mục tiêu phòng, chống và khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thiên tai;

Thứ ba, phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp trong điều kiện hệ thống tài chính dư thừa thanh khoản hiện nay. Biện pháp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ nên được sử dụng ở mức vừa phải để đảm bảo khu vực tư nhân có thể tiếp cận vốn dễ dàng, đặc biệt là giai đoạn sau bệnh dịch.

Các chuyên gia nhấn mạnh, nguyên tắc mấu chốt là phải luôn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Bất kể bệnh dịch kéo dài và nhiều doanh nghiệp có thể sẽ bị phá sản thì Chính phủ vẫn cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Cần giữ lạm phát và lãi suất ở mức thấp, tỷ giá ổn định, đầu tư công thực hiện đúng mục đích và giám sát tốt, môi trường đầu tư được cải thiện.

Phải như vậy để sau khi dịch thoái lui thì nền kinh tế mới được hồi phục nhanh chóng. Ngược lại, chúng ta sẽ mất nhiều năm tiếp theo để giải quyết các vấn đề không phải do dịch bệnh, nền kinh tế sẽ bị đình trệ trong thời gian dài như giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính 2007 – 2008.

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần tiếp tục được thực hiện theo hướng tập trung hơn, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát nhu cầu của doanh nghiệp. Cần có chọn lọc, phân loại ngành, nghề để hỗ trợ, trên cơ sở đánh giá, khảo sát nhanh tác động của dịch Covid-19 đến các ngành, nghề cụ thể và có điều kiện, tiêu chí rõ ràng. Đặc biệt, nên ưu tiên các ngành du lịch, vận tải, dệt may - da giày, bán lẻ, giáo dục – đào tạo. Trong khi đó, một số ngành trong khi có dịch vẫn phát triển tốt (công nghệ thông tin, thương mại điện tử...).

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang