Nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa- Phát huy tiềm năng tự nhiên, tạo sinh kế cho đồng bào

author 06:54 27/06/2022

(VietQ.vn) - Chiến lược phát triển ngành thủy sản giai đoạn 2021-2030 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định ưu tiên bảo vệ nguồn lợi thủy sản và quan tâm phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa để phát huy tiềm năng tự nhiên và tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa.

Tiềm năng lớn nuôi trồng thủy sản tại các hồ chứa

Hồ chứa nước là công trình được hình thành bởi đập dâng nước và các công trình có liên quan để tích trữ nước, bao gồm hồ chứa thủy lợi và hồ chứa thủy điện. Các hồ chứa có nhiệm vụ chính là điều tiết dòng chảy, cắt, giảm lũ, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, phát điện và cải thiện môi trường.

Hội nghị phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên hồ chứa diễn ra tại tỉnh Hòa Bình ngày 25/6/2022 

Hồ chứa- bao gồm hồ chứa tự nhiên và nhân tạo là những thủy vực nội địa có vai trò quan trọng trong đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hồ chứa thủy lợi là hồ chứa nước được xây dựng với mục đích chính là cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt kết hợp cắt, giảm lũ.

Hồ chứa thủy điện ngoài nhiệm vụ đảm bảo an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, còn phối hợp với các hồ chứa thủy lợi cấp nước cho nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, nông nghiệp và sản xuất của nhân dân vùng hạ du trong mùa kiệt, đảm bảo an toàn công trình và góp phần giảm lũ cho hạ du trong thời kỳ mùa lũ. Hồ chứa cũng là thủy vực quan trọng của các loài thủy sinh vật, là nguồn lợi tự nhiên quan trọng cho khai thác thủy sản.

Nước ta có rất nhiều hồ chứa lớn với trữ lượng thủy sản phong phú. Gần đây, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa đang phát triển mạnh, đóng góp vào việc nâng cao sản lượng cá nuôi trong các vùng nước nội địa và tăng hiệu quả sử dụng của các vùng nước tự nhiên.

Theo Tổng cục Thuỷ lợi, Việt Nam hiện có 6.695 hồ chứa nước với tổng dung tích 796.143 triệu m3, phân bố ở 45/63 tỉnh, trong đó gần 500 hồ thủy điện với 18 hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt. Các hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3 chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên địa bàn cả nước.

Tuy số lượng hồ chứa nước rất lớn nhưng hiện các địa phương chỉ khai thác được phần nhỏ diện tích hồ cho nuôi trồng thuỷ sản. Số hồ chứa được cấp phép nuôi trồng thủy sản không nhiều. Ví dụ như Đăk Lăk, chỉ có 61/597 hồ chứa thủy lợi được cấp phép để nuôi thủy sản. Một số hồ chứa nước có nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt cho khu vực dân cư nên hạn chế phát triển nuôi trồng thủy sản trong hồ. Hồ chứa nước sinh hoạt chỉ nuôi cá quảng canh, thả giống bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản và khai thác.

Hiện nay, nghề nuôi cá lồng bè trên hồ chứa đang tiếp tục phát triển. Một số tỉnh có sản lượng nuôi cá lồng bè trên hồ chứa cao đang xây dựng thương hiệu, hình thành chuỗi cửa hàng tại các thành phố lớn để quảng bá và nâng cao giá trị sản phẩm như: hồ Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà.

Hoà Bình là tỉnh nuôi cá lồng trên hồ chứa lớn nhất cả nước, với số lồng nuôi cá là 4.750, sản lượng đạt 5,594 tấn, chiếm 77% giá trị sản xuất thuỷ sản của tỉnh. Phát triển nuôi cá vùng hồ đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho trên 5.000 lao động. Tỉnh có 7 doanh nghiệp được cấp chứng nhận VietGAP và có 3 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ. Nhãn hiệu Cá, Tôm sông Đà Hoà Bình được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận.

Quan tâm phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa

Tại "Hội nghị phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên hồ chứa" diễn ra tại tỉnh Hòa Bình ngày 25/6/2022, đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nuôi cá hồ chứa ở nước ta có nhiều thuận lợi và còn nhiều tiềm năng để phát triển.

Nguồn nước tại các hồ chứa sạch, chưa có nhiều hoạt động nuôi trồng thủy sản, ít bị tác động bởi nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, hóa chất nông nghiệp và chất thải, hóa chất của nhà máy công nghiệp nên thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa thích và có giá bán thị trường cao hơn nuôi trong ao, bể từ 1,2 đến 1,5 lần.

Hoà Bình là tỉnh nuôi cá lồng trên hồ chứa lớn nhất cả nước với số lồng nuôi cá là 4.750 

Do vậy, phát triển nuôi cá hồ chứa giúp chuyển đổi cơ cấu, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn bền vững, xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời tạo sinh kế cho đồng bào miền núi, cao nguyên, hạn chế phá rừng làm nương rẫy, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Tiềm năng lớn là vậy, nhưng thực tế hiện nay, các hồ chứa ở Việt Nam ưu tiên phục vụ các mục đích thủy điện, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt… chưa chú trọng phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Nuôi thủy sản hiện mới chỉ khai thác một phần rất nhỏ tiềm năng mặt nước. Sự kết hợp giữa khai thác, nuôi trồng, cũng như công tác phối hợp quản lý giữa cơ quan chức năng liên quan, các địa phương còn nhiều bất cập, chưa được quan tâm đúng mức.

Công tác quy hoạch nuôi trồng thủy sản và hài hòa lợi ích giữa thủy lợi, thủy điện, thủy sản tại nhiều địa phương chưa tốt nên chưa tận dụng hết tiềm năng mặt nước và nguồn lợi sẵn có của hồ chứa. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa hình thành các liên minh sản xuất theo chuỗi…

Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho biết, chiến lược phát triển ngành thủy sản giai đoạn 2021-2030 tại Quyết định số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã xác định ưu tiên bảo vệ nguồn lợi thủy sản và quan tâm phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa để phát huy tiềm năng tự nhiên và tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa.

Theo đó, ngành thủy sản sẽ tiếp tục phát triển nuôi hiệu quả các loài thủy sản có giá trị kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Tận dụng tiềm năng mặt nước, phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa. Ưu tiên phát triển giống các đối tượng nuôi giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng.

Khuyến khích phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, giảm giá thành sản xuất, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Khuyến khích hình thành kênh phân phối đến các chợ, siêu thị, nhà hàng, gắn sản phẩm đặc thù của địa phương với du lịch. Thực hiện, áp dụng quy định về truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thuỷ sản nuôi, xây dựng thương hiệu, xây dựng sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, cần tăng cường đào tạo, tập huấn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tiếp cận công nghệ thông tin, kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số. Hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm qua các đơn hàng trên sàn thương mại điện tử và đơn hàng trực tiếp trên thị trường- Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang