Phân bón kém chất lượng vẫn len lỏi ra thị trường, làm gì để ngăn chặn?

author 05:49 10/08/2024

(VietQ.vn) - Việc sử dụng phân bón giả, kém chất lượng ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng cây trồng, gây thiệt hại cho người nông dân. Cần có những biện pháp “mạnh tay” hơn đối với trường hợp sản xuất kinh doanh phân bón kém chất lượng.

Phân bón kém chất lượng len lỏi ra thị trường

Tại nhiều địa phương, phân bón giả, kém chất lượng vẫn len lỏi vào thị trường, khiến người nông dân rơi vào tình trạng hoang mang và lo lắng. Trong khi chi phí sản xuất ngày càng tăng, việc sử dụng phải phân bón giả sẽ làm cây trồng bị thiệt hại, gây tổn thất lớn cho nhà nông. Thực tế cho thấy, nhiều đại lý vì lợi nhuận trước mắt đã không ngần ngại mua sản phẩm từ các doanh nghiệp sản xuất phân bón kém chất lượng với giá thấp, sau đó bán với giá cao để kiếm lời. Hậu quả là người nông dân phải trực tiếp gánh chịu những thiệt hại từ hành vi này.

Mới đây, Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện 3 hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu kinh doanh phân bón kém chất lượng do Công ty TNHH SX&TM Xuân Hà Ninh Bình địa chỉ tại tổ 6, phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình sản xuất.

Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng phân bón có dấu hiệu vi phạm. Ảnh: conganthanhhoa.gov.vn

Sau thanh tra, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các quyết định xử phạt hành chính, tổng gần 163 triệu đồng đối 3 hộ kinh doanh buôn bán phân bón vi phạm về nhãn hàng hóa và chất lượng; buộc tiêu hủy hơn 10 tấn phân bón đang tồn kho là hàng giả về chất lượng tại 2 hộ kinh doanh ở xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa và xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Đoàn Thanh tra đã bàn giao hồ sơ, chuyển một vụ việc cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thọ Xuân để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với lô hàng phân bón có khối lượng 40,475 tấn là hàng giả về chất lượng tại hộ kinh doanh ở thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Trước đó cũng tại Thanh Hóa, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Bộ Công an cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông, địa chỉ 274B, đường Bà Triệu, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa do ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc công ty, là người đại diện pháp luật, số tiền hơn 1,3 tỉ đồng về hành vi sản xuất, tiêu thụ phân bón không đảm bảo chất lượng.

Còn tại Vĩnh Long - Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm đã ký ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 77,1 triệu đồng đối với hộ kinh doanh phân bón giả, phân bón về 04 hành vi vi phạm: Buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng (do lô hàng lấy mẫu hộ kinh doanh đã bán hết cho người dân nên có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được tương đương với giá trị hàng hóa đã tiêu thụ là 16.600.000 đồng); Kinh doanh hàng hóa trên nhãn có hình ảnh, chữ viết và các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; Kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định.

Tại Kiên Giang, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã xử phạt 400 triệu đồng đối với 2 cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn về hành vi "Bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng".

Làm gì để bảo vệ người nông dân khỏi phân bón kém chất lượng?

Mặc dù hành lang pháp lý về xử lý phân bón giả và kém chất lượng đã tương đối đầy đủ, nhưng theo ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, tình trạng này vẫn chưa được kiểm soát triệt để do thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón giả thường hoạt động tại những vùng sâu, vùng xa, sản xuất vào ban đêm hoặc các ngày nghỉ lễ để tránh bị phát hiện. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra và xử lý.

Cũng theo ông Huỳnh Tấn Đạt, để giải quyết vấn đề phân bón giả, kém chất lượng cần các giải pháp đồng bộ như: Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp… để đưa ra các biện pháp đúng, xử lý triệt để các vấn đề này. Cần nâng cao năng lực, trình độ nguồn lực thanh tra, kiểm tra từ Trung ương đến địa phương để triển khai đồng loạt trên diện rộng nhằm kiểm soát tốt, dẹp được mầm mống của các đối tượng.

Nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương. Tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật bằng các phương pháp như đưa video, clip… Xây dựng hệ thống giám sát sản phẩm giả, nhái thương hiệu để người dân dễ dàng tiếp nhận. Nâng cao nhận thức người dân về nhận diện hàng giả, hàng nhái và minh bạch hóa các sản phẩm trên thị trường.

Bên cạnh đó Cục Bảo vệ thực vật cần tăng cường phối hợp với công ty công nghệ đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng các cơ sở dữ liệu giúp lực lượng chức năng, người dân, doanh nghiệp nhận diện được sản phẩm, có thể tra cứu trên điện thoại di động, các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo các chuyên gia, để tránh mua phải phân bón giả, kém chất, bà con cần tránh loại phân bón không tan, bị vón cục hoặc chảy nước, nên ưu tiên lựa chọn các loại phân bón của các doanh nghiệp lớn, uy tín trên thị trường.

Ngoài ra khi mua, người sử dụng nên ghi chép lại các thông tin trên bao bì phân bón, thậm chí giữ lại mẫu bao bì và phân bón để làm "vật chứng" khi có sự cố xảy ra. Trường hợp cần thiết nên chủ động liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp sản xuất hoặc đại lý phân phối hoặc báo lại cho các cơ quan chức năng như cơ quan Cục Quản lý thị trường, Thanh tra nông nghiệp.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang