Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh: Xu thế, cơ hội cho doanh nghiệp
Công nghệ số - động lực tăng trưởng mới của TP.HCM
Ngân hàng Nhà nước nói gì về khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Năm 2024 có thể đạt mức tăng trưởng GDP hơn 7%
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 11 tháng tăng trưởng ấn tượng
Chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh: Yêu cầu tất yếu để hội nhập và phát triển
Xu thế phát triển bền vững và tăng trưởng xanh
Báo cáo phát triển bền vững mới nhất từ Công ty Deloitte dựa trên khảo sát hơn 2.100 lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao (CxO 2024) cho thấy, một nửa các tổ chức đã triển khai các giải pháp công nghệ để đạt mục tiêu khí hậu, trong khi 42% khác sẽ áp dụng trong 2 năm tới. Hơn 50% trong số các tổ chức này tập trung vào phát triển sản phẩm và dịch vụ bền vững hơn.
Sự chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp không chỉ tạo ra cơ hội kinh doanh mà còn thúc đẩy sự đổi mới trong các mô hình kinh tế tuần hoàn. Đáng chú ý, 92% lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu tin rằng họ có thể giảm phát thải khí nhà kính đồng thời đạt được tăng trưởng kinh tế.
Việt Nam, với GDP quý II/2024 tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, đã chứng minh được tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đi kèm với áp lực về môi trường, đặc biệt ở khu vực phía Bắc, nơi 30% các khu công nghiệp chưa đáp ứng tiêu chuẩn xử lý nước thải và chất thải rắn.
Tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu.
Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam, đồng thời đặt ra yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn môi trường. Đây là động lực mạnh mẽ để doanh nghiệp nhanh chóng áp dụng các quy trình sản xuất xanh nhằm duy trì sức cạnh tranh.
Với ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) thông tin, ngành dệt may đã xác định lộ trình chuyển đổi xanh với mục tiêu xuất khẩu đạt 48,5 tỷ USD vào năm 2025 - tăng khoảng 10% so với năm 2024. Đến năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển từ phát triển nhanh sang bền vững, dựa trên mô hình kinh tế tuần hoàn, tự chủ nguồn nguyên phụ liệu và ứng dụng công nghệ số. Tầm nhìn đến 2035 là phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước, tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ở trong nước, doanh nghiệp dệt may đối mặt với áp lực thực hiện lộ trình cam kết của Việt Nam tại COP 26 về Net Zero vào năm 2050. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực và vốn rất lớn cho dệt, nhuộm. Doanh nghiệp cũng đối diện với nhiều thách thức trong chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, yêu cầu tự chủ nguồn nguyên phụ liệu để tận dụng ưu đãi thuế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Trên bình diện quốc tế, sản xuất kinh doanh trong môi trường biến động làm thay đổi xu hướng và nhu cầu tiêu dùng, tăng chi phí logistics, giá nhiên liệu... Các chuỗi cung ứng phải được truy soát về tiêu chuẩn lao động và môi trường. Thay đổi từ “thời trang nhanh” sang “thời trang bền vững” theo hướng kinh doanh tuần hoàn cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo ông Cẩm, trước những áp lực này, doanh nghiệp Việt cần nâng cao nhận thức về tăng trưởng bền vững, đồng thời tập trung vào các thế mạnh của mình. Doanh nghiệp có thể áp dụng công nghệ nhuộm không nước, tiết kiệm năng lượng, thay nồi hơi đốt than, dầu bằng điện hoặc sinh khối; lắp đặt điện mặt trời áp mái và sử dụng năng lượng gió, thủy điện.
Ngoài ra, cần tối ưu chi phí, xây dựng lộ trình chuyển đổi, phối hợp với các nhãn hàng thực hiện yêu cầu xanh, và áp dụng chuyển đổi số để truy xuất nguồn gốc. Sử dụng nguyên liệu truyền thống như tơ tằm, đay, tre; kết nối các doanh nghiệp cùng khu vực để xử lý, tái sử dụng nước và phế thải cũng là giải pháp hiệu quả.
Đối với ngành bán lẻ, bà Phạm Thị Thùy Linh - Giám đốc Đối ngoại và Đầu tư, Tập đoàn Central Retail Việt Nam chia sẻ, tập đoàn đang theo đuổi mô hình “Nhà bán lẻ xanh & bền vững.” Hơn một thập kỷ hoạt động tại Việt Nam, Central Retail đã cam kết sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, khuyến khích khách hàng tái sử dụng túi mua sắm và triển khai các trung tâm thương mại tích hợp tấm pin năng lượng mặt trời. Central Retail mong muốn góp phần vào một tương lai bền vững hơn cho Việt Nam và cộng đồng.
Ngành cao su Việt Nam cũng đang đẩy mạnh phát triển bền vững, với mục tiêu đến năm 2030 có 250-300 nghìn ha rừng cao su được cấp chứng chỉ bền vững và 100% mủ, gỗ cao su truy xuất nguồn gốc. Đến nay, 123,66 nghìn ha rừng cao su đã đạt chứng nhận, đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu, đặc biệt là quy định chống phá rừng của EU (EUDR). Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tiên phong áp dụng mô hình sản xuất xanh, đầu tư công nghệ giảm phát thải, và thúc đẩy truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Bên cạnh đó, VRG triển khai thực hiện chứng nhận Doanh nghiệp bền vững năm 2024 đối với 23 thành viên Tập đoàn ở các lĩnh vực cao-su, sản xuất sản phẩm công nghiệp cao-su, chế biến gỗ, kinh doanh khu công nghiệp và thủy điện. Điển hình, Công ty TNHH MTV Tổng Công ty cao su Đồng Nai đã xuất khẩu thành công lô hàng đầu tiên sang châu Âu, nhờ phần mềm truy xuất thông minh. Với xu hướng tiêu dùng xanh gia tăng, ngành cao su không chỉ mở rộng thị trường mà còn khẳng định vai trò trong kinh tế bền vững và trung hòa carbon.
Tập đoàn còn đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, tăng cường các giải pháp sản xuất sạch hơn, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, sử dụng tiết kiệm năng lượng, truyền thông, đào tạo về phát triển bền vững, đảm bảo quyền lợi người lao động và đầu tư an sinh xã hội. Đến nay, Tập đoàn đã và đang triển khai ISO 14001 cho 36 đơn vị; đầu tư 36 hệ thống quan trắc tự động để giám sát trực tiếp quá trình vận hành; triển khai chuyển đổi sấy mủ cao su bằng nhiên liệu biomass của 27 công ty; khoanh nuôi, phục hồi bảo tồn rừng; ban hành sổ tay Hướng dẫn kết nối cộng đồng trong quản lý rừng cao su bền vững áp dụng tại Việt Nam và Campuchia.
Thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng xanh
Trong giai đoạn 2020–2023, Việt Nam chỉ thu hút được khoảng 10 tỷ USD vốn FDI vào các dự án sản xuất xanh, chiếm 10% tổng vốn đầu tư. Các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ và xử lý chất thải đang chiếm ưu thế. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn vốn dài hạn và công nghệ tiên tiến cùng chính sách hỗ trợ chưa hoàn thiện là những rào cản lớn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết :"Trước bối cảnh này, Việt Nam đang chủ động thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, đặt chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá chính. Ưu tiên các dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, và công nghệ sạch, đồng thời có quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, và kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu".
Nói về những giải pháp cụ thể, PGS. TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Theo cập nhật của Chính phủ mới đây, có 2.166 doanh nghiệp sẽ phải thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính vào tháng 3/2025 và xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp ở các lĩnh vực đã sẵn sàng... Trong khi đó, từ ngày 1/1/2025, Việt Nam muốn xuất khẩu nông sản thì phải chứng minh được hàng hóa đó không xuất phát từ phá rừng sau 31/12/2024. Ngoài ra, còn các vấn đề như xây dựng biên giới carbon, rừng, nhựa, ảnh hưởng doanh nghiệp sản xuất. Nếu doanh nghiệp không chuẩn bị thì bị loại khỏi cuộc chơi.
Theo PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, những yêu cầu về tiêu chuẩn xanh là bắt buộc và doanh nghiệp phải tuân thủ khi tham gia vào thị trường, nhất là thị trường EU. Trong thời gian tới, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu về những yêu cầu, quy định của EU. Bên cạnh đó, cũng cần ưu tiên huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh. Đặc biệt, tăng cường năng lực, nâng cao khả năng về hấp thụ tài chính xanh, sử dụng các công nghệ xanh để đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi năng lượng sang nền kinh tế tuần hoàn.
Duy Trinh