Phòng chống ngộ độc thực phẩm từ động, thực vật có độc tố tự nhiên

author 20:26 24/03/2025

(VietQ.vn) - Thời gian gần đây ghi nhận những trường hợp tử vong, để lại di chứng cho người bị ngộ độc do ăn động vật, thực vật có chứa độc tố tự nhiên dù được chữa khỏi...

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, tại một số địa phương, đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc, Miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh ven biển xảy ra các vụ ngộ độc do ăn động vật, thực vật có chứa độc tố tự nhiên (như nấm độc, côn trùng độc, quả rừng, cây rừng, cóc, so biển, cá nóc…). Trong đó, đã có những trường hợp tử vong và để lại di chứng cho những người bị ngộ độc dù được chữa khỏi.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành công văn số 506/ATTP-NĐTT đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị chức năng tăng cường giám sát, triển khai giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong thu hái, đánh bắt, tiêu dùng sản phẩm nông, lâm, thủy sản, sử dụng các loại nấm, cây, củ quả rừng tự nhiên…

Đồng thời, phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên trong động vật, thực vật theo đặc điểm vùng miền, đặc biệt đối với các đối tượng nguy cơ cao, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. Huy động sự tham gia của các cấp chính quyền, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn.

Thời gian qua xảy ra nhiều vụ ngộ độc do ăn động, thực vật có chứa độc tố tự nhiên.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thường xuyên, liên tục kiến thức an toàn thực phẩm, các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên cho cộng đồng như sử dụng tiếng dân tộc đối với vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa.

Chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương. Hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc.

Bên cạnh đó chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc xảy ra.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân những dấu hiệu nhận biết nấm độc. Đó là nấm có đủ mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc, thường là nấm độc; bên trong thân cây nấm mầu hồng nhạt, mũ nấm mầu đỏ có vẩy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm cũng là nấm độc.

Các chuyên gia cũng chỉ ra một số quan niệm sai lầm về nấm độc. Thứ nhất, nhiều người hiểu lầm rằng, nấm độc thường có màu sặc sỡ. Tuy nhiên, trên thực tế có những loại nấm cực độc như nấm tán trắng, có bề ngoài màu trắng sữa nên nhiều người dễ nhầm lẫn với các loại nấm ăn được. Để phân biệt nấm độc tán trắng với nấm trắng ăn được không đơn giản, ngay cả với các nhân viên y tế cũng như người có kinh nghiệm.

Thứ hai, nhiều người hiểu lầm nấm bị sâu bọ ăn là nấm không độc. Thực tế, các loài nấm độc đều bị kiến, sâu bọ, ốc sên ăn.

Thứ ba, người dân cho động vật (gà, chó, chuột,...) ăn thử trước, nếu sau 1 – 2 giờ, động vật không chết hoặc không bị ngộ độc là nấm không độc. Điều này chỉ đúng đối với một số loài nấm tác dụng nhanh. Đối với các loài nấm gây chết người thường có tác dụng chậm (12 – 24 giờ mới có triệu chứng đầu tiên) nên không thể nhận biết ngay và động vật chỉ chết sau ăn nấm 4 –5 ngày.

Thứ tư, có người thử nấm bằng đũa, thìa, dây truyền... làm bằng bạc, nếu thấy bạc đổi màu xám đen là nấm độc. Điều này cũng hoàn toàn sai. Các loại độc tố của nấm không tác dụng đối với bạc nên không gây đổi màu.

Thanh Hiền (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang