Quản lý chặt đầu mối phân phối để ngăn xăng dầu giả

author 09:47 11/04/2021

(VietQ.vn) - Thời gian vừa qua, cơ quan Công an đã phát hiện và bắt giữ hàng triệu lít xăng giả, xăng kém chất lượng. Ngoài việc làm hư hỏng động cơ, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, tình trạng xăng giả còn phá hoại nền kinh tế đất nước và từ đây đặt ra bài toán phải quản lý chặt kênh phân phối, đặc biệt với các đầu mối xăng dầu lớn trong cả nước để ngăn tình trạng xăng dầu giả.

Khó nhận biết xăng giả

Theo các chuyên gia, rất khó để nhận biết xăng giả bằng mắt thường, phần lớn là dựa vào cách pha màu của xăng, như RON 95 có màu vàng nhạt đến vàng và E5 RON 92 có màu xanh nhạt đến xanh.

Tuy nhiên, nếu nói về một hàng hóa giả, có nhiều cách giả khác nhau như giả về công dụng, nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ, tem nhãn hay các chỉ tiêu chất lượng. Riêng với xăng dầu còn có nhiều chỉ tiêu chất lượng liên quan đến phụ gia hóa học, dung môi. Những chỉ tiêu này phải có các cơ quan chuyên môn, các tổ chức kỹ thuật được trang bị phòng thử nghiệm đánh giá trên cơ sở phân tích mẫu thì mới đi đến kết luận đó có phải là xăng giả hay không.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, những vụ cháy xe thời gian gần đây nhiều khả năng xuất phát từ xăng giả. Khi chưa phát hiện ra các vụ làm giả xăng dầu, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều nguyên nhân như thời tiết, chất lượng phương tiện, các tài xế độ nâng cấp, gia cố phương tiện. Xăng giả ảnh hưởng đến chất lượng máy móc và có thể kích nổ bất kỳ lúc nào để gây ra cháy nổ.

Cũng theo ông Thanh, phần lớn các vụ cháy xe gần đây là ở các tỉnh phía Nam. Do đó, nhiều ý kiến đề xuất để ngăn chặn việc làm giả hàng triệu lít xăng dầu để bán ra thị trường, cần phải xử lý nghiêm các đối tượng làm giả xăng dầu để làm gương vì ngoài việc cháy nổ mất an toàn giao thông, uy hiếp tính mạng người điều khiển, xăng giả còn tàn phá nền kinh tế đất nước.

Đại diện Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, việc thanh tra, kiểm tra và trinh sát được thực hiện thường xuyên. Nhiều thông tin về xăng giả, kém chất lượng đã được phát hiện kịp. Hiện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thiết lập hệ thống các tổ chức kỹ thuật đủ năng lực để kiểm tra đánh giá, thử nghiệm chất lượng xăng dầu nhanh nhất để cung cấp kết quả cho các cơ quan chức năng. Đồng thời ban hành nhiều văn bản quản lý chất lượng xăng dầu.

Ví dụ đối với xăng dầu sản xuất, pha chế trước khi đưa vào lưu thông phải đăng ký theo quy định pháp luật và chứng nhận phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; xăng dầu nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng, đánh giá sự phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước thông quan.

Lực lượng công an niêm phong một kho chứa xăng, dầu giả. Ảnh: Công an Đồng Nai 

Trách nhiệm của quản lý Nhà nước

Sản xuất và kinh doanh xăng dầu hiện là lĩnh vực đan xen nhiều đơn vị quản lý, cụ thể về chất lượng thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KHCN), về nhập khẩu là biên phòng (nhập lậu) và Hải quan (nhập công khai); khi hàng vào nội địa thì trách nhiệm của Quản lý thị trường và Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương.

Liên quan đến vụ buôn lậu 2,7 triệu lít xăng dầu giả bị bắt giữ vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, việc hoạt động buôn lậu diễn ra rất lâu với quy mô rộng, thủ đoạn hết sức tinh vi và có sự tiếp tay, tham gia của một số cá nhân, tổ chức bảo kê nên rất khó khăn trong việc phá án.

Cùng với đó, phải đưa lực lượng công an từ nơi khác về đánh án. Điều này cho thấy sự buông lỏng quản lý của chính quyền và có sự tiếp tay của một số cán bộ địa phương

Hiện tại, các đối tượng lợi dụng việc phát triển công nghệ xăng sinh học đã pha chế làm giả xăng dầu. Cụ thể vụ án sản xuất, buôn bán xăng giả của Trịnh Sướng tồn tại nhiều năm nay với hệ thống pha chế, bồn chứa và các loại sinh phẩm nhập về quy mô lớn cho thấy có sự buông lỏng quản lý, có hiện tượng bao che, dung túng “chống lưng”, ăn chia lợi ích nhóm.

Hiện phần lớn các vụ việc tại địa phương đều do các cơ quan chức năng từ trung ương về phát hiện, từ đây đặt câu hỏi tại sao chính quyền địa phương không biết. Theo đó về góc độ hàng hoá lưu thông trên thị trường, quản lý thị trường phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan đo lường địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát quản lý thị trường, đặc biệt với kênh phân phối xăng dầu. Khi phát hiện ra xăng giả nghiệm trọng cần phải đồng loạt ra quân kiểm tra chất lượng xăng dầu trên phạm vi toàn quốc.

Theo PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng (nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an), xăng giả là một trong những nguyên nhân gây cháy nổ phương tiện, ô nhiễm môi trường gây hoang mang cho người dân. Xăng là dạng dung dịch nên chỉ cần đổ thêm một chút dung môi, phụ gia có thể biến đổi chất lượng. Vì vậy việc đấu tranh với pha chế lậu, pha chế dung môi khiến giảm chất lượng xăng dầu là rất khó khăn. Để phân biệt, phải lấy mẫu thử nghiệm qua nhiều loại máy móc khác nhau mới có thể kết luật chất lượng xăng có đảm bảo hay không.

Theo PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng, việc sử dụng các phụ gia không được phép, hoặc các thành phần dung môi không phải là xăng nhưng có tính chất tương tự gây ảnh hưởng đến máy móc, thiết bị hoặc hiệu năng không đạt như xăng thông thường thì phải thực hiện nhiều thí nghiệm mới xác định được.

Ông Hùng cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, bởi hiện cả nước có trên 50 đầu mối xăng dầu lớn nên việc quản lý phải quy trách nhiệm từng đầu mối. Tiêu chuẩn xăng không chỉ có chỉ số octan mà phải xét nghiệm tất cả các thành phần có trong xăng, do đó các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp, siết chặt quản lý chất lượng xăng dầu để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Theo báo Lao động

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang