Quản lý giá sữa trẻ em: Phải chuẩn tên gọi sản phẩm

author 10:07 17/07/2014

(VietQ.vn) - Phải chuẩn tên gọi sản phẩm để quản lý tốt thị trường giá sữa trẻ em theo quy định áp trần giá của Bộ Tài chính và làm hài lòng người tiêu dùng.

Sự kiện: Giá sữa, Thông tin giá sữa trên thị trường

Thị trường sữa trẻ em vẫn loạn giá

Theo thông tin mới nhất về áp trần giá sữa của Bộ Tài chính, kể từ ngày 21/6, các hãng sữa, cửa hàng, siêu thị… phải áp dụng giá trần bán lẻ mới đối với mặt hàng sữa cho trẻ dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, nhiều cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn bán mặt hàng này với mức giá cao hơn mức giá trần đã đăng ký, thậm chí có nơi còn tự làm giá.

Dư luận phản ánh giá sữa bất ổn, Bộ Tài chính công bố không phát hiện vi phạm, trong khi thực tế thị trường, giá sữa vẫn bát nháo, người tiêu dùng vẫn bị “móc túi”. Dường như, công tác quản lý giá sữa chỉ mới thực hiện triệt để được ở khâu bán buôn, còn khâu bán lẻ bị bỏ lọt.

Ghi nhận tại nhiều cửa hàng sữa và trên các tuyến đường chuyên kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tại TP Hồ Chí Minh như Nguyễn Thông (quận 3), Nguyễn Tri Phương (quận 10), Thống Nhất (quận Gò Vấp), Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức)… cho thấy, giá bán lẻ sữa mỗi nơi mỗi khác. Đặc biệt, nhiều sản phẩm được bán với giá cao hơn giá áp trần.

Tại Hà Nội, khảo sát của phóng viên tại một số cửa hàng sữa trên phố Phương Mai (quận Đống Đa) cũng cho thấy tình trạng giá bán lẻ vượt giá trần. Theo đó, loại sữa NanPro 3 loại 900g hiện có giá 390.000 đồng/hộp, cao hơn mức giá trần 6.000 đồng/hộp.

 

Giá sữa trẻ em bán lẻ vẫn còn vượt giá trần dù Bộ Tài chính đã có những biện pháp quản lý cụ thể và thiết thực

Giá sữa trẻ em bán lẻ vẫn còn vượt giá trần dù Bộ Tài chính đã có những biện pháp quản lý cụ thể và thiết thực. Ảnh minh họa

Theo điều tra thị trường giá sữa, thoạt nhìn, việc giá sữa hạ và được người tiêu dùng đón nhận là một thông tin rất tích cực đối với một thị trường mà các sản phẩm từ trước tới nay chỉ một chiều tăng không giảm. Tuy nhiên, nếu so sánh với bảng giá trần của Bộ Tài chính thì các mức giá của một số sản phẩm mà người tiêu dùng mua được vẫn cao hơn mức giá quy định.

Điều đáng nói, dù bị mua sữa đắt hơn so với quy định nhưng hầu như khách hàng ít ai nhận ra điều đó. Để “làm xiếc” với người tiêu dùng, các cửa hàng chỉ ghi giá từng sản phẩm bán lẻ, chứ không công bố hay niêm yết giá bán buôn, nên người tiêu dùng sẽ không biết con số thực hư thế nào để so sánh. Với cách làm này, dường như người tiêu dùng cũng chỉ trông vào sự thành thật của nhà buôn.

Tuy nhiên, từ phía Bộ Tài chính, cho đến thời điểm này, dù đã có rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra việc áp trần giá sữa của các doanh nghiệp được tổ chức, nhưng vẫn chưa phát hiện được vi phạm nào. Bộ này cũng cho biết thêm đã công bố đường dây nóng nhận thông tin về giá sữa từ thị trường và người dân.

Quản lý giá sữa trẻ em vẫn gặp khó

Mặc dù Quy định áp giá trần với mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã có hiệu lực nhưng việc quản lý giá nhóm hàng thiết yếu này vẫn là thách thức với cơ quan quản lý. Lý do là sữa và các sản phẩm tương tự như sữa liên tục được đăng ký thay đổi mẫu mã, thành phần công thức nhưng cho đến nay, khái niệm “sản phẩm sữa” vẫn chưa có được sự chuẩn hóa để rồi tạo ra “kẽ hở” cho một số doanh nghiệp trục lợi.

Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn cho hay, Bộ Tài chính đã đưa ra những quy định áp trần giá sữa cũng như đã có những biện pháp tích cực để xử lý các trường hợp vi phạm. Mặc dù đã có những kết quả đáng ghi nhận song vẫn còn khá nhiều bất cập khiến người tiêu dùng cũng như Bộ Tài chính phải lo lắng.

Tính đến hết ngày 30/6, có 469 dòng sản phẩm sữa các loại cho em dưới 6 tuổi đã được công bố giá buôn, giá bán lẻ trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cơ quan quản lý vẫn gặp nhiều khó khăn khi việc xác định tên gọi cho các sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi và các sản phẩm khác tương tự như sữa của các cơ quan chức năng vẫn chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, việc xác định từ giá bán lẻ đảm bảo không vượt quá 15% giá bán buôn và phải thấp hơn giá bán lẻ trước khi thực hiện áp giá trần cũng là thách thức với cơ quan quản lý bởi sản phẩm thiết yếu này đến tay người tiêu dùng thường phải qua nhiều tầng nấc trung gian.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp sữa đã có những chiêu trò lách luật áp trần cho sản phẩm sữa trẻ em dưới 6 tuổi bằng cách thay đổi tên gọi các sản phẩm sữa như “thực phẩm dinh dưỡng” và “sản phẩm sữa”. Trong khi đó, người tiêu dùng lại khó phân biệt được đâu là sữa, đâu là sản phẩm dinh dưỡng.

 

Bộ Tài chính nên chuẩn tên gọi mặt hàng sữa để bình ổn thị trường sữa

Bộ Tài chính nên chuẩn tên gọi mặt hàng sữa để bình ổn thị trường sữa. Ảnh minh họa

Theo quan điểm của ông Tuấn, quan trọng nhất là phải chuẩn hóa được tên gọi sản phẩm thì mới thực hiện bình ổn được giá sản phẩm theo Luật Giá bởi theo Luật này, chỉ những mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn giá thì mới phải áp dụng quy định áp giá trần và đăng ký giá trong thời hạn 6 tháng. Bộ Tài chính đã đề nghị phải có sự chuẩn hóa mã số hàng hóa để gắn với việc theo dõi, quản lý các mặt hàng này. Thông tin mới nhất là theo Luật Hải quan mới, Bộ Tài chính được giao thực hiện mã hóa các mặt hàng để thực hiện việc đồng nhất mã số hóa đối với các tên hàng. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, mặt hàng thiết yếu cho trẻ dưới 6 tuổi này sẽ được sắp xếp theo mã số hàng hóa và việc quản lý giá với mặt hàng thiết yếu này sẽ hiệu quả hơn.

Để bình ổn thị trường giá sữa, theo ông Tuấn, Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp phải chủ động rà soát các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, thực hiện đăng ký giá bán với cơ quan quản lý giá. Đặc biệt, doanh nghiệp phải xác định danh mục các mặt hàng thuộc diện sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi phải thực hiện kê khai giá bán với cơ quan quản lý nhà nước về giá.

Đối với các sản phẩm đã thực hiện đăng ký với các cơ quan quản lý về giá mà thay đổi mẫu mã, chất lượng, trọng lượng sản phẩm thì đều phải đăng ký giá lại với cơ quan quản lý về giá. Nếu các sản phẩm chỉ thay đổi về trọng lượng thì sẽ phải thay đổi về tương quan giữa giá và trọng lượng. Còn nếu chỉ thay đổi về bao bì thì doanh nghiệp vẫn phải đăng ký lại để cơ quan quản lý giá tính toán sự thay đổi về các chi phí này. Với các sản phẩm mới có sự thay đổi về thành phần công thức sữa thì cũng phải chứng minh về chi phí hợp lý, hợp lệ đầu vào để xác định giá cho các dòng sản phẩm mới này.

Nguyễn Dung (tổng hợp)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang