Bộ Tài chính và những nỗ lực bình ổn giá sữa

author 06:56 02/07/2014

(VietQ.vn) – Với sự nỗ lực bình ổn giá của Bộ Tài chính, chưa phát hiện trường hợp vi phạm và thị trường sữa đi vào ổn định là những tín hiệu vui mừng cho người tiêu dùng.

Sự kiện: Giá sữa, Thông tin giá sữa trên thị trường

Thị trường sữa sau khi áp trần giá bán lẻ: Niềm vui cho con trẻ

Báo điện tử Petrotimes cho hay, sau khi áp trần giá bán buôn đối với mặt hàng sữa thì ngày 21-6 vừa qua, giá bán lẻ cũng chính thức được áp trần với mức không được vượt quá 15% so với giá bán buôn. Đây thực sự là một tín hiệu vui và trong những ngày qua, kể từ ngày thực hiện quy định này của Bộ Tài chính, thị trường sữa đã sôi động trở lại sau chuỗi ngày ảm đạm do giá sữa tăng vô tội vạ.

Người tiêu dùng lần đầu tiên được hưởng quyền lợi chính đáng của mình và cũng lần đầu tiên người tiêu dùng thấy rõ các doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu sữa phải lộ rõ bộ mặt của kẻ "đánh cắp đồ ăn của con trẻ” khi chấp hành mức trần giá sữa. Bởi với mức giá mới, nếu lỗ sẽ không bao giờ họ "chịu” phương án này.

Trái hẳn với thị trường sữa cách đây khoảng một tháng - đìu hiu, vắng vẻ hơn cả chùa Bà Đanh thì nay tấp nập, người ra kẻ vào ở những nơi bán sữa. Họ vui mừng, phấn khởi hơn bao giờ hết.

Nếu lấy ngày bắt đầu thực hiện áp trần giá sữa bán buôn và bán lẻ (chỉ cách nhau khoảng 10 ngày) làm "mốc” thì từ hôm đó đến nay, các loại sữa bột có mặt trên thị trường đều đồng loạt giảm giá và giảm đáng kể. Cụ thể sữa Enfamil A+1 loại 400g có mức giá cũ là 271 nghìn đồng/hộp, nay chỉ còn 215 nghìn đồng/hộp, tức là giảm 21%; Sữa Enfagrow A+3 vanilla, loại 1.800g giá cũ gần 700 nghìn đồng/hộp, giá mới niêm yết chỉ còn 647 nghìn đồng/hộp, như vậy giảm 23%; Sữa Enfamil A+1 loại 400g giảm xuống 21%, còn lại là 215 nghìn đồng/hộp; Sữa Imp Friso Gold 3 loại 1.500g có giá mới là 618 nghìn đồng/hộp thay vì 694 nghìn đồng/hộp như trước đây; Sữa Dielac Alpha Step 2 HT loại 900g giảm 19%, tức từ 220 nghìn đồng/hộp xuống còn 194 nghìn đồng/hộp…

 

Người tiêu dùng vui mừng với những nỗ lực bình ổn giá sữa của Bộ Tài chính

Người tiêu dùng vui mừng với những nỗ lực bình ổn giá sữa của Bộ Tài chính (Ảnh minh họa)

Nói chung, bình ổn thị trường giá sữa về lâu dài vẫn là một bài toán nan giải. Ngay cả việc áp giá trần đối với mặt hàng sữa như hiện nay, cũng chưa phải là kế hoạch dài hơi mà chỉ được Bộ Tài chính xác định trước mắt thực hiện trong 1 năm. Sau đó, sẽ dừng nếu thị trường lành mạnh, tăng giá đầu vào của giá thành sản phẩm sữa hợp lý, minh bạch và đáp ứng được yêu cầu quản lý giá… Như vậy, niềm vui của người tiêu dùng dường như chưa được khẳng định dài lâu…

Bộ Tài chính chưa phát hiện vi phạm trần giá sữa

Cũng theo thông tin trên báo VNExpress, cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vừa yêu cầu các sở tài chính phải thường xuyên cập nhật thông tin, rà soát, kiểm tra, giám sát việc xác định giá bán lẻ tối đa và đăng ký giá bán lẻ sữa đến người tiêu dùng.

Dựa trên báo cáo của các địa phương gửi về, đến ngày 26/6 Bộ Tài chính cho biết chưa phát hiện được cửa hàng sữa nào bán vượt giá trần cho phép.

Cũng theo Cục Quản lý giá, ngoài sản phẩm của 6 doanh nghiệp được công bố trước đó, rất nhiều sản phẩm sữa của các đơn vị khác cũng đã được các địa phương yêu cầu thực hiện giá trần bán lẻ từ cuối tuần qua.

Trong đó, hai địa phương có số lượng doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm sữa lớn nhất là Hà Nội và TP HCM cũng đã triển khai thực hiện quy định bình ổn giá sữa.

Riêng tại TP HCM, đại diện Sở Tài chính cho biết, giá sữa bán lẻ tối đa của 12 doanh nghiệp  trên địa bàn được thông báo thấp hơn so với giá bán lẻ trước đó từ 1% - 31%, tương đương 2.000 - 90.000 đồng mỗi hộp tùy loại.

Trước đó, 181 mặt hàng của Mead Johnson Nutrition Việt Nam, Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến, Công ty cổ phần Dinh dưỡng 3A, Nestlé Việt Nam, Organic Việt Nam và Friesland Campina Việt Nam đã được công bố giá trần.

Bộ Tài chính cho biết, tất cả các dòng sữa đã được đăng ký giá trần bán buôn và bán lẻ sẽ được cơ quan tài chính và chi cục quản lý thị trường các quận, huyện kiểm tra thường xuyên, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử phạt theo quy định.

Bộ Tài chính giải trình hãng sữa rút ruột đổi tên

Tuy nhiên, mới đây lại có những thông tin về việc một số doanh nghiệp sữa đã có những chiêu lách luật áp trần giá sữa.

Cũng theo thông tin trên VEF, Diễn đàn kinh tế Việt Nam, Bộ Tài chính vừa xác minh nghi án rút ruột, đổi tên để lách luật “trần giá sữa” của 2 hãng sữa ngoại Mead Johnson và Abbott nhằm báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, kết quả là phần “đúng” vẫn thuộc về 2 hãng này.

Nghi án rút ruột nhưng không hạ giá là trường hợp Pediasure của Abbott do Công ty Dinh dưỡng 3A phân phối. Kể từ sau khi có thông tin sẽ áp trần giá sữa, các cửa hàng sữa cho biết mặt hàng này đã giảm trọng lượng từ hộp 900g xuống còn 850g, nhưng giá vẫn giữ nguyên là 565.000 đồng/hộp. Thêm nữa, đây là dòng sữa được đề là dùng cho trẻ từ 1-10 tuổi. Với việc công bố độ tuổi như vậy, Pediasure đã nghiêm nhiên đứng ngoài danh mục các mặt hàng sữa bị áp giá trần dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của Bộ Tài chính.

 

Chưa phát hiện trường hợp vi phạm cũng như chiêu trò lách luật của các doanh nghiệp sữa cho thấy sự cố gắng và nỗ lực hết mình của Bộ Tài chính

Chưa phát hiện trường hợp vi phạm cũng như chiêu trò lách luật của các doanh nghiệp sữa cho thấy sự cố gắng và nỗ lực hết mình của Bộ Tài chính

(Ảnh minh họa)

Nghi án thứ 2 là đổi tên để tăng giá một cách ngoạn mục đối với sữa Mead Jonhson. Cũng sau khi có quyết tâm siết chặt quản lý giá sữa bằng công cụ giá trần của Bộ Tài chính hồi tháng 4 thì cùng lúc, hãng này ra mắt hàng loạt sản phẩm mới với tên gọi dài hơn.

Tuy nhiên, kết quả xác minh của Bộ Tài chính khẳng định, “không thể nói hai hãng sữa này lách luật”. Thông tin trên thị trường và thông tin từ Cục An toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế về các mặt hàng sữa trên đều cho các thông số chứng minh, cả 2 hãng sữa của Mỹ này đều "chuẩn" về pháp luật.

Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, đối với sữa Mead Johnson, 2 dòng sữa trên đều có sự khác biệt về thông tin chi tiết sản phẩm. Ví dụ, chỉ tiêu chủ yếu theo yêu cầu của nhà sản xuất thì ở sữa cũ Enfamil A+2 là 39 chỉ tiêu, thì dòng sữa mới 360 độ Brain Plus có 40 chỉ tiêu. Chỉ tiêu vi sinh vật ở sữa cũ là 7 thì sữa mới có 4, hàm lượng kim loại nặng ở sữa cũ có 6 chỉ tiêu, sữa mới có 5...

Bộ Tài chính kết luận, do có sự khác nhau về chỉ tiêu chất lượng nên không thể khẳng định là 2 sản phẩm tương đương nhau.

Chưa kể, tất cả các thủ tục liên quan đến chứng nhận hợp quy và kê khai giá đã được thực hiện từ trước khi có quyết định áp giá trầnMead Johnson đã kê khai giá ở hạng mục sản phẩm mới ở Cục Quản lý giá từ ngày 1/4/2014, nhưng đến 20/5/2014 Bộ Tài chính mới có quyết định về áp trần. Cùng đó, kể từ năm 2013 đến 2 tháng đầu năm nay, không có sản phẩm sữa nào của hãng này đăng ký thay đổi mẫu mã, trọng lượng.

Đối với trường hợp Abbott, Bộ Tài chính cho biết, Cục An toàn thực phẩm cho biết Pediasure là sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, không phải là sản phẩm dinh dưỡng công thức theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Do vậy, mặt hàng này không thuộc danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi nên không phải bình ổn giá. Nói cách khác, sữa Pediasure không phải đăng ký giá tới Bộ Tài chính và việc thay đổi trọng lượng, tăng giảm giá là hoàn toàn nằm trong quyền được phép của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, qua ghi nhận thị trường, tất cả thông tin về việc thay đổi tên gọi hay giảm trọng lượng sữa như trên mới rầm rộ sau khi Bộ Tài chính công bố biện pháp bình ổn giá. Cùng đó, nhiều mặt hàng sữa “cũ” bị giảm giá theo giá trần như các dòng Enfamil và Enfagrow, hay hộp sữa Pediasure trọng lượng cũ 900g theo phản ánh của các cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội, hầu như không còn trên thị trường, nếu không nói là đã biến mất. Các nhà sản xuất thường chỉ đăng ký “bổ sung” quy cách đóng gói, hay đăng ký sản phẩm mới cũng đồng nghĩa, những sản phẩm cũ có thể sẽ bị "khai tử" nếu không còn nhiều lợi nhuận.

Tuy vẫn còn một số rắc rối song người tiêu dùng cũng nhận thấy được Bộ Tài chính đã thực sự nỗ lực trong công tác bình ổn giá sữa.

 

Nguyễn Dung (T/h)


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang