Nhiều hạn chế trong việc quản lý, sử dụng tem điện tử đối với mặt hàng rượu, thuốc lá

author 17:59 18/03/2024

(VietQ.vn) - Hiện nay do tình trạng quản lý và sử dụng tem điện tử đối với rượu và thuốc lá vẫn còn nhiều hạn chế gây ra nhiều thất thoát cho ngân sách nhà nước cũng như nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng đòi hỏi phải có biện pháp quản lý hiệu quả.

Bất cập trong quản lý, thực thi pháp luật đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công, thuốc lá nhập lậu

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, theo Thông tư số 23/2021/TT-BTC, từ ngày 01/7/2022, các sản phẩm thuốc lá, rượu nhập khẩu hoặc sản xuất để tiêu thụ trong nước phải dán tem điện tử thay thế cho việc sử dụng tem in mã vạch đa chiều.

Sản phẩm thuốc lá, sản phẩm rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước sử dụng tem điện tử thuốc lá, tem điện tử rượu do Tổng cục Thuế chịu trách nhiệm in, phát hành.

Tem điện tử là tem có dấu hiệu nhận biết bằng mắt thường như tem rượu, tem thuốc lá được in mã vạch đa chiều đang sử dụng nhưng có đặc điểm mới là có chứa các thông tin, dữ liệu điện tử được tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để phục vụ công tác quản lý của doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước.

Sau gần 2 năm triển khai, công tác quản lý thuế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: hiện đại hóa việc tra cứu, quản lý, sử dụng tem điện tử trên ứng dụng, cổng thông tin điện tử của Tổng Cục Thuế; thuận lợi trong kiểm tra, thanh tra do vừa chứa dữ liệu điện tử, lại dễ dàng nhận biết bằng mắt thường và chống làm giả cao; chống thất thu thuế, đảm bảo công bằng trong thực thi pháp luật thuế...

Tuy nhiên, qua khảo sát công tác quản lý, sử dụng tem điện tử đối với thuốc lá nhất là sản phẩm rượu cho thấy còn một số hạn chế trong việc quản lý tem. Thực tế cho thấy tại nhiều tỉnh, thành, nhiều hộ nấu rượu thủ công hoặc bán lẻ rượu chủ yếu sử dụng gạo để nấu rượu bán lẻ quanh thôn, xóm, số lượng không đáng kể và chỉ nấu theo kinh nghiệm, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, rất khó yêu cầu các cá nhân này thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính theo quy định về sản xuất, kinh doanh rượu.

Hơn nữa, một số hộ sản xuất rượu thủ công có mục đích kinh doanh muốn được cấp giấy phép nhưng lại không đáp ứng được các điều kiện theo quy định như an toàn thực phẩm, công bố hợp quy sản phẩm... Điều này dẫn đến những bất cập trong quản lý, thực thi pháp luật đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công.

Việc quản lý và sử dụng tem điện tử đối với rượu, thuốc lá vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh minh họa

Liên quan tới việc kiểm soát nguồn gốc chất lượng rượu, nhất là đối với rượu thủ công, ngày 14/9/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu. Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu thủ công phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm phải dán nhãn mác kinh doanh với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, con số này chiếm rất ít, còn lại hầu hết các cơ sở nấu rượu thủ công chưa được cấp phép cũng như kiểm định chất lượng sản phẩm rượu trước khi bán ra thị trường.

Theo tính toán, trên thị trường có khoảng 70% rượu thủ công, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan quản lý. Điều này gây thất thu thuế hàng trăm triệu USD, chiếm đến 30% tổng tổn thất về thuế từ khu vực phi chính thức như kinh doanh rượu thủ công, rượu nhập lậu, rượu giả…

Đối với sản phẩm thuốc lá nhất là đối với thuốc lá thế hệ mới, ông Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho rằng, hiện nay, do hành lang pháp lý và thuế chưa được thiết lập cho thuốc lá thế hệ mới nên hầu hết sản phẩm thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam đều được nhập lậu và tiêu thụ tràn lan trên thị trường “chợ đen”. Điều này đang đặt ra rất nhiều thách thức cho cơ quan quản lý thị trường trong việc kiểm soát và xử phạt. Điều này cũng đã gây lúng túng cho cơ quan quản lý trong kiểm tra, giám sát mặt hàng này. 

Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là rất lớn và có xu hướng ngày một gia tăng. Nếu các sản phẩm này không được quản lý minh bạch, đồng bộ và đồng thời thì một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng sẽ tiếp tục tìm kiếm và sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng trôi nổi trên thị trường với chất lượng không bảo đảm và gây ra nhiều rủi ro cho sức khỏe.

Đồng loạt tăng cường giải pháp quản lý tem điện tử thuốc lá, rượu sản xuất trong nước

Tổng cục Thuế chỉ ra những bất cập trên là do công tác phối hợp giữa các cấp ngành tại phương với cơ quan thuế trong việc rà soát thực tế hoạt động sản xuất, quản lý cấp phép để xác định tổ chức, cá nhân thuộc diện quản lý sử dụng tem chưa được chặt chẽ, thường xuyên. Đồng thời, chưa có quy chế phối hợp để tham mưu cho uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố giải pháp đồng bộ quản lý, sử dụng tem điện từ đối với hoạt động sản xuất rượu, thuốc lá trên địa bàn.

Công tác tuyên truyền chưa thực sự định hướng và tác động mạnh mẽ đến ý thức tuân thủ của tổ chức, cá nhân sản xuất rượu, thuốc lá, cũng như quyền lợi và nâng cao trách nhiệm của người tiêu dùng, nhân dân, tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn trong việc quán triệt sử dụng sản phẩm đã dán tem theo quy định.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong việc quản lý tem điện tử đối với sản phẩm rượu và sản phẩm thuốc lá sản xuất tiêu thụ trong nước, góp phần quản lý sản lượng tiêu thụ, chống thất thu, tăng thu cho ngân sách nhà nước, nhiều tỉnh thành đã tăng cường giải pháp quản lý tem điện tử thuốc lá, rượu sản xuất trong nước.

Cụ thể, mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Công Thương cùng các ban ngành có liên quan, UBND các quận huyện ban hành văn bản chỉ đạo rà soát toàn bộ các cơ sở sản xuất rượu, thuốc lá trên địa bàn thành phố; đồng thời phối hợp với Cục Thuế và các cấp, ngành thực hiện rà soát, tổng hợp, đánh giá trên cơ sở rà soát đến từng xã, phường về thực trạng tình hình sản xuất kinh doanh; công tác cấp phép; đăng ký, sử dụng tem; đăng ký, kê khai nộp thuế; đồng thời chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường kiểm tra, xử phạt hành vi vi phạm quy định về dán tem đối với rượu và thuốc lá theo quy định.

Trong đó, Công an thành phố được giao nhiệm vụ cử lực lượng phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương khi có đề nghị; tiếp nhận và điều tra xử lý đối với các hành vi vi phạm có tính chất hình sự trong lĩnh vực sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh rượu, thuốc lá trên địa bàn, các hành vi trốn thuế với giá trị lớn…

Tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng vừa có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Cục Thuế tỉnh; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; UBND các huyện, thành phố Cà Mau tăng cường công tác quản lý tem điện tử rượu, thuốc lá sản xuất tiêu thụ trong nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ động phối hợp với cơ quan thuế tiếp tục quán triệt, chỉ đạo triển khai công tác quản lý tem điện tử rượu, tem điện tử thuốc lá trên địa bàn.

Tiếp đến UBND tỉnh Khánh Hòa cũng có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường quản lý tem điện tử thuốc lá, rượu sản xuất trong nước.  Theo chỉ đạo, Cục Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục tăng cường việc giám sát, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh thuốc lá, rượu sản xuất trong nước trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thuốc lá, rượu; kiểm tra, xử phạt hành vi vi phạm quy định về dán tem đối với rượu và thuốc lá.

UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế tiếp tục quán triệt, chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác quản lý tem điện tử thuốc lá, tem điện tử rượu trên địa bàn theo Thông tư số 23/2021/TT-BTC của Bộ Công Thương; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm bày bán, lưu thông trên địa bàn và xử lý theo hành vi vi phạm thẩm quyền.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang