Quảng Ninh: Tạm giữ hơn 2.400 sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc

(VietQ.vn) - Mới đây tại thị trấn Tiên Yên (huyện Tiên Yên), Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 8, phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3 (CSGT), Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Ninh tiến hành kiểm tra xe ô tô thùng kín phát hiện trên 2.400 sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, là hàng nhập lậu.
Lễ hội trái cây Tiền Giang năm 2024 sẽ tổ chức vào tháng 6 tới
Mua nhà đã chục năm, cư dân Vinhomes bất ngờ nhận thêm ưu đãi từ chủ đầu tư
Cụ thể, khoảng hơn 12h trưa, Đội Quản lý thị trường số 8 (Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh) đã phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3 (Phòng Cảnh sát giao thông số 3, Công an tỉnh Quảng Ninh), kiểm tra phương tiện ô tô biển kiểm soát 14C-37239 do bà N.T.C (SN 1986, thôn Khe Tiên, xã Yên Than, huyện Tiên Yên) là lái xe kiêm chủ hàng.
Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện các sản phẩm thực phẩm, gồm: 300 gói Bim bim cánh gà; 1.100 chiếc xúc xích; 10 kg lạc củ; 24 chai nước sốt các loại; 182 gói rong biển ăn liền; 420 chiếc kẹo đồ chơi; 400 gói khoai lang sấy. Tất cả số hàng trên đều do nước ngoài sản xuất.

Toàn bộ số hàng hóa không rõ nguồn gốc đã bị tạm giữ. Ảnh tư liệu
Tại thời điểm kiểm tra, chủ phương tiện không xuất trình được giấy tờ hóa đơn, chứng từ của số hàng hóa trên. Chủ phương tiện khai nhận đã mua số hàng hóa trên trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn giấy tờ, đây là hàng nhập lậu về để kinh doanh, buôn bán. Trong quá trình vận chuyển số hàng hóa này về bán thì bị lực lượng chức năng khám xét và tạm giữ.
Theo đó, Đội Quản lý thị trường số 8 đã ban hành quyết định tạm giữ hàng hóa để xác định giá trị hàng hóa và xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.
Theo quy định tại khoản 13 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP; định nghĩa về hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ như sau: Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa đang lưu thông trên thị trường nhưng không có căn cứ để có thể xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa đó.
Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa được thể hiện ở các thông tin sau: Nhãn hiệu, bao bì và tài liệu kèm theo hàng hóa; Chứng từ chứng nhận xuất xứ của hàng hóa; hợp đồng hoặc hoá đơn mua bán hàng hóa, tờ khai hải quan; Giấy tờ khác với mục đích chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự; giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định pháp luật.
Mức xử phạt đối với hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau: “4. Mức phạt tiền dành cho những hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định của pháp luật là phải có nhãn hàng hóa nhưng không có nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn hàng hóa gốc nhưng bị thay đổi được quy định cụ thể như:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với những hàng hóa vi phạm có giá trị tới 5.000.000 đồng;
Phạt tiền từ 3.000.000 – 6.000.000 đồng với hàng hóa vi phạm giá trị từ trên 5.000.000 đến 10.000.000 đồng;
Phạt tiền từ 6.000.000 -10.000.000 đồng với những hàng hóa vi phạm có giá trị trên 10.000.000 đến 20.000.000 đồng;
Phạt tiền từ 50.000.000 – 60.000.000 đồng áp dụng với những hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.
Đối với hành vi bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ qua biên giới trái quy định của pháp luật nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về Tội buôn lậu theo Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với hình phạt tù cao nhất lên đến 20 năm; và có thể bị phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề; hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm; tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
An Nguyên