Rủi ro hiện hữu với người tiêu dùng trong xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt

author 10:46 16/04/2025

(VietQ.vn) - Thanh toán kỹ thuật số đang trở thành phương thức phổ biến nhờ tiện lợi và chi phí thấp. Đi kèm với sự tiện lợi thanh toán kỹ thuật số tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương.

Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN

Thanh toán kỹ thuật số - xu hướng tất yếu đi kèm những rủi ro

Theo Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương, tại Việt Nam, các hệ thống thanh toán kỹ thuật số được các ngân hàng phát triển và xây dựng nhằm phục vụ thanh toán thuận tiện, dễ dàng cho người dùng. Phương thức thanh toán này xuất hiện trên phạm vi rộng, hoạt động liền mạch với các thiết bị di động, ứng dụng và trình duyệt. Các hình thức thanh toán này bao gồm: Thanh toán qua thẻ ngân hàng, thanh toán bằng cách chuyển khoản, thanh toán qua ví điện tử, thanh toán qua cổng thanh toán.

Sự gia tăng của phương thức thanh toán này đến từ chủ trương của Chính phủ về chống lại nạn tham nhũng, rửa tiền và tài trợ cho các hoạt động bất hợp pháp. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, càng số hoá mạnh mẽ như đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thì càng tăng cường công khai, minh bạch, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Thanh toán không tiền mặt trở nên phổ biến bên cạnh sự tiện lợi cũng tiềm ẩn nhiểu rủi ro. Ảnh minh họa

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2023, số lượng tài khoản thanh toán cá nhân tại Việt Nam đạt hơn 182 triệu, tăng gần 22% so với năm 2022. Riêng trong tháng 1/2024, các giao dịch không tiền mặt tăng trên 60% về số lượng và hơn 40% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, thanh toán qua QR code tăng đến gần 900% về số lượng và hơn 1.000% về giá trị.

Không chỉ góp phần minh bạch hóa nền kinh tế, thanh toán số còn giúp người dân tiếp cận dịch vụ tài chính thuận tiện hơn, thúc đẩy hòa nhập tài chính. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, người tiêu dùng có thể chi trả mọi khoản phí, từ hóa đơn điện nước, mua sắm online đến quét mã tại các quán hàng rong, chợ dân sinh. Ngoài sự thuận tiện, hình thức này còn giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và hỗ trợ người dùng quản lý chi tiêu hiệu quả hơn qua lịch sử giao dịch điện tử.

Sự phát triển của thanh toán số khiến tiền mặt dần bị loại bỏ khỏi nhiều giao dịch. Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng thích nghi với sự thay đổi này. Một bộ phận người tiêu dùng vẫn chuộng tiền mặt vì cảm thấy an toàn, dễ kiểm soát tài chính hoặc đơn giản vì khó tiếp cận công nghệ. Nếu xu hướng “phi tiền mặt” diễn ra quá nhanh, nhóm người dễ bị tổn thương – như người cao tuổi, người khuyết tật, dân vùng sâu vùng xa, người có trình độ công nghệ thấp – có thể bị đẩy ra ngoài lề hệ thống tài chính.

Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, 28% người dân Hà Lan được khảo sát cho biết không thể sống thiếu tiền mặt. Tại Tây Ban Nha, 76% người từ 65 tuổi trở lên vẫn chủ yếu dùng tiền mặt, trong khi tỷ lệ này ở nhóm 25–34 tuổi chỉ là 36%. Các nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ sử dụng tiền mặt cao hơn ở nhóm người có trình độ học vấn thấp, thu nhập hạn chế hoặc gặp khó khăn về sức khỏe. Trong bối cảnh đó, việc cắt giảm chi nhánh ngân hàng, đóng cửa ATM càng khiến nhóm đối tượng này bị thiệt thòi.

Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) đã xác định 7 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, gồm: Người cao tuổi theo quy định của pháp luật về người cao tuổi; Người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật; Trẻ em theo quy định của pháp luật về trẻ em; Người dân tộc thiểu số; người sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người bị bệnh hiểm nghèo theo quy định của pháp luật; Thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện chưa có đánh giá cụ thể về khả năng tiếp cận thanh toán số của các nhóm này.

Trên thực tế, tình trạng các cửa hàng chỉ chấp nhận thanh toán không tiền mặt đã xuất hiện ở Việt Nam, gây tranh cãi trong dư luận. Việc không cho người tiêu dùng lựa chọn giữa hai hình thức có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của nhiều người, đặc biệt là nhóm yếu thế.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng yếu thế trước xu hướng thanh toán không tiền mặt

Không chỉ giới hạn ở khả năng tiếp cận, thanh toán số còn tiềm ẩn nhiều rủi ro với tất cả người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh bất ổn an ninh mạng gia tăng. Điển hình, Thụy Điển và Na Uy – hai quốc gia từng số hóa gần như hoàn toàn hệ thống thanh toán đã điều chỉnh chính sách, khuyến nghị người dân tiếp tục sử dụng và dự trữ tiền mặt do lo ngại nguy cơ tấn công mạng và sự cố hệ thống. Thậm chí, Na Uy đã thông qua luật phạt các cửa hàng không chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt.

Ngoài ra, các lỗ hổng về kỹ thuật số và sự cố mất điện có thể khiến thanh toán kỹ thuật số ngừng hoạt động, khiến việc truy cập vào các hệ thống thanh toán bị dừng. Đặc biệt, với sự gia tăng của rủi ro biến đổi khí hậu, tình trạng mất điện đã và đang trở thành vấn đề nóng hổi trên toàn thế giới. Một báo cáo năm 2022 cho thấy tại Hoa Kỳ, khoảng 83% các vụ mất điện có thể là do các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, tăng 78% trong giai đoạn 2011-2021 so với giai đoạn 2000-2010. Trong trường hợp mất điện hoặc xảy ra các tình huống tiêu cực liên quan đến kỹ thuật số, thanh toán bằng tiền mặt vẫn được coi là hình thức thanh toán khả thi và dễ dàng tiếp cận đối với người tiêu dùng.

Thời gian qua các vụ lừa đảo chuyển tiền qua mạng đang gia tăng nhanh chóng với nhiều chiêu trò tinh vi. Số tiền bị lừa có khi lên đến hàng tỷ đồng, hình thức lừa có thể khác nhau như đặt phòng khách sạn, mua vé máy bay, tham gia giải chạy marathon, tham gia cuộc thi áo dài, cuộc thi nấu ăn, … các “bẫy” được giăng ra có cùng kịch bản: đặt cọc trước - báo sai nội dung chuyển khoản - chuyển thêm để lấy lại tiền.

Bên cạnh đó, có hình thức giả mạo công an, cơ quan điện lực, người quen, chuyển tiền online hợp tác đầu tư, … Mặc dù những câu chuyện cảnh báo thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội nhưng vẫn xuất hiện người bị lừa mới. Nguyên nhân có thể là do người tiêu dùng thiếu kỹ năng sử dụng Internet, mua hàng qua mạng hay tham gia mạng xã hội, vô tình cung cấp thông tin cá nhân như căn cước công dân, số tài khoản, mật khẩu, mã OTP, mã số thanh toán... cho kẻ lừa đảo. Trong một số trường hợp, các tin nhắn giả mạo gửi các đường link hay một tên thương hiệu, một nội dung chứa mã độc làm người tiêu dùng vô tình tự tay làm mất tài khoản tài chính cá nhân.

Như vậy, bên cạnh những thuận lợi mà phương thức thanh toán không tiền mặt mang lại, có nhiều rủi ro mà người tiêu dùng phải đối mặt. Những rủi ro đó có thể được phân loại thành 3 nhóm: Hạn chế đối với người tiêu dùng dễ bị tổn thương trong việc tiếp cận phương thức thanh toán này; Rủi ro đối với tất cả người tiêu dùng trong trường hợp vấn đề an ninh mạng tiềm ẩn và lỗ hổng kỹ thuật số, mất điện; Rủi ro trong bối cảnh xuất hiện lừa đảo chuyển tiền qua mạng.

Trước thực trạng trên, nhiều quốc gia đã bắt đầu điều chỉnh chính sách nhằm đảm bảo quyền tiếp cận hệ thống tài chính cho mọi người dân. Theo OECD, Chính phủ Úc công bố kế hoạch duy trì tiền mặt như một hình thức thanh toán quan trọng và đang phối hợp với các cơ quan chức năng để giám sát hạ tầng tiền mặt, đảm bảo mọi người, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương, không bị bỏ lại phía sau trong quá trình số hóa. Bỉ đã thông qua luật quy định rằng các nhà bán lẻ không được từ chối thanh toán bằng tiền mặt. Nếu người bán hàng từ chối thanh toán bằng tiền mặt, họ sẽ bị xử phạt, trừ trường hợp có những lo ngại về an toàn được nêu rõ trước khi thanh toán, ví dụ như nghi ngờ sử dụng tiền bất hợp pháp hoặc giao dịch đang được đề cập có giá trị trên 3.000 EUR (hơn 80 triệu đồng).

Năm 2018, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (People’s Bank of China - PBoC) đã công bố quy định đối với các doanh nghiệp từ chối chấp nhận tiền mặt làm phương tiện thanh toán. Gần đây hơn vào năm 2024, Trung Quốc đã phạt bảy doanh nghiệp vì từ chối thanh toán bằng tiền mặt. Các khoản tiền phạt này được áp dụng đối với cả các doanh nghiệp và cá nhân có liên quan.

Để giải quyết các dịch vụ tiền mặt đã ở mức thấp kỷ lục, Thụy Điển, theo Đạo luật Dịch vụ Thanh toán, yêu cầu sáu ngân hàng lớn nhất trong nước cung cấp dịch vụ rút tiền cho cá nhân. Các ngân hàng này cũng được yêu cầu chấp nhận tiền gửi từ các công ty và tổ chức. Sau khi cơ sở hạ tầng tiền mặt của Thụy Điển xuống cấp, Đạo luật này đã được gia hạn vào năm 2021 nhằm quy định chặt chẽ hơn về việc cung cấp dịch vụ tiền mặt. Việc các ngân hàng tuân thủ các tiêu chuẩn này được Cơ quan Bưu chính và Viễn thông Thụy Điển giám sát. Nếu các ngân hàng không tuân thủ các tiêu chuẩn, họ có thể phải chịu phí phạt và lệnh cấm.

Tại Vương quốc Anh, theo Đạo luật Dịch vụ Tài chính và Thị trường năm 2023, quyền hạn của Cơ quan Quản lý Tài chính (Financial Conduct Authority – FCA) đã được mở rộng. Quốc hội nước này đã yêu cầu FCA đảm bảo quyền tiếp cận tiền mặt thông qua duy trì mạng lưới các dịch vụ và cơ sở tiền mặt nhằm giúp những người phụ thuộc vào tiền mặt có thể rút và gửi tiền mặt. 

Với Việt Nam, bên cạnh việc đẩy mạnh thanh toán số, cần rà soát, đánh giá khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của các nhóm yếu thế, tránh tình trạng “số hóa quá nhanh nhưng chưa toàn diện”. Các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ, nên duy trì ít nhất hai hình thức thanh toán để đảm bảo công bằng cho người tiêu dùng. Đồng thời, cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục kỹ năng số và cảnh báo an ninh mạng để người dân sử dụng công cụ thanh toán hiện đại một cách an toàn, hiệu quả.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang