Rủi ro trong thương mại quốc tế: Doanh nghiệp cần cẩn trọng, chủ động phòng ngừa

author 19:26 24/08/2022

(VietQ.vn) - Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, các doanh nghiệp làm ăn với nhiều đối tác hơn. Nhiều sân chơi rộng hơn với những luật chơi khác nhau thì nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng lớn hơn, phức tạp hơn. Lừa đảo trong thương mại quốc tế đang đặt doanh nghiệp đứng trước nhiều rủi ro, phòng tránh vấn nạn này, rất cần sự chủ động của doanh nghiệp.

Nhiều rủi ro lừa đảo trong thương mại quốc tế

Theo Hiệp hội Chuyên gia chống lừa đảo toàn cầu có trụ sở tại Hoa Kỳ, các doanh nghiệp toàn cầu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo. Giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD.

Tại Hội thảo Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 23/8/2022, ông Nguyễn Minh Đức- chuyên gia pháp chế của VCCI cho biết, trên toàn cầu, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ là nạn nhân của lừa đảo và tội phạm kinh tế trong năm 2018 là 49%; 2020 là 47% và 2022 là 46%. Trong đó, tội phạm lừa đảo từ bên ngoài chiếm khoảng 43%; từ nội bộ 31%; thông đồng giữa trong và ngoài chiếm 26%...

Logistics có vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế.

Tại Việt Nam, 52% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Công ty kiểm toán PwC cho biết, họ trải nghiệm lừa đảo hoặc tội phạm kinh tế khác trong 2 năm trước thời điểm khảo sát cao hơn mức 46% của khu vực châu Á Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu.

Theo ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện Việt Nam là nền kinh tế rất mở, trong khu vực ASEAN độ mở của Việt Nam chỉ sau Singapore, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hiện đã hơn 200% GDP… tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu những năm vừa qua đạt cao, trung bình trên 20%, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020.

Việt Nam hiện đang có thế mạnh về xuất nhập khẩu, dù tác động từ dịch Covid-19 nhưng xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng, tuy nhiên sân chơi khi mở rộng thì đồng nghĩa với rủi ro với những tranh chấp thương mại nhiều hơn. Về phía Bộ Công Thương và VCCI đã nhiều lần có thông tin cảnh báo, hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp vẫn rơi vào những rủi ro trong lừa đảo thương mại quốc tế.

Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, các doanh nghiệp làm ăn với nhiều đối tác, sang nhiều sân chơi rộng hơn với những luật chơi khác nhau thì nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng lớn hơn, phức tạp hơn”- ông Trần Thanh Hải thông tin. 

Điển hình về vụ lừa đảo trong thương mại quốc tế đối với doanh nghiệp Việt Nam gần đây là vụ việc 76 contener hạt điều của 5 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Italya bị mất bộ chứng từ gốc. Đến thời điểm này sự việc 76 container hạt điều đã cơ bản được giải quyết ổn thoả. Nhưng đó cũng là “bài học kinh nghiệm” cho các doanh nghiệp ngành điều nói riêng và doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nói chung- ông Trần Thanh Hải nêu rõ.

Doanh nghiệp cần cẩn trọng, chủ động phòng ngừa rủi ro

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là chưa nhiều kinh nghiệm trong việc phòng, ngừa và đối phó với các lừa đảo và tranh chấp rất dễ xảy ra. Rất nhiều doanh nghiệp chưa quen thuộc với văn hoá kinh doanh của từng nước, lạ lẫm với đối tác cho đến hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp và thủ tục giải quyết tranh chấp. Nhiều doanh nghiệp chưa quen sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp thương mại phổ biến như trọng tài thương mại, hoà giải thương mại. Nhiều doanh nghiệp còn ít sử dụng luật sư thường xuyên…

Trong khi đó, theo ông Đậu Anh Tuấn- Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế (VCCI), lừa đảo và tranh chấp mà doanh nghiệp thường phải đối mặt là do không có điều kiện kiểm tra kỹ lưỡng về đối tác, lựa chọn phương thức thanh toán chưa phù hợp, có thể từ những gài cắm đầy tính toán từ đối tác thương mại.

Dự báo rủi ro trong lừa đảo thương mại quốc tế sẽ vẫn tiếp tục gia tăng trong giai đoạn tới. Theo đó, để phòng ngừa vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, chính các doanh nghiệp Việt Nam phải hoàn thiện mình, phải có nhân lực tốt, bộ máy tốt, hệ thống quản trị rủi ro tốt. Các doanh nghiệp phải có mạng lưới thông tin, thường xuyên liên hệ với cơ quan thương vụ Việt Nam và các tổ chức hỗ trợ, dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp tại các thị trường.

Các doanh nghiệp cần có thói quen, sự chuyên nghiệp trong sử dụng các dịch vụ pháp lý. Các giao dịch, cam kết nhất là với đối tác quốc tế, luôn tìm đến các chuyên gia pháp lý, luật sư.

Một yếu tố quan trọng nữa để phòng ngừa rủi ro là doanh nghiệp cần dựa vào các doanh nghiệp đi trước, hiệp hội ngành hàng mạnh sẽ là kênh hỗ trợ oanh nghiệp hội viên của mình hiệu quả nhất để hạn chế các rủi ro khi tranh chấp, những điều nên làm, những thứ cần tránh, nhưng nơi, những ai cần cẩn trọng khi giao kết hợp đồng.

Ông Trần Thanh Hải cho rằng, kinh nghiệm trong kinh doanh quốc tế vai trò của công ty môi giới rất quan trọng, nhưng từ vụ 76 container hạt điều, các doanh nghiệp Việt Nam vì quá tin vào công ty môi giới nên không kiểm tra lại đối tác nhập khẩu. Nên để tránh trường hợp tương tự, doanh nghiệp cần kiểm tra đối tác một cách độc lập, ngoài ra cần tìm hiểu về thị trường xuất khẩu, vì như thị trường Italia không thể một thời gian ngắn tiêu thụ đến 76 contener hạt điều, mà chỉ tiêu thụ hết 10% số đó, nên cũng cần có sự phân tích để tránh rủi ro có thể xảy đến.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của logistics trong thương mại quốc tế, ông Trần Thanh Hải cho rằng, doanh nghiệp logistics không chỉ giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện các thủ tục đưa hàng hóa đến tay người bán, người mua mà còn đóng vai trò như một "van" an toàn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến nghị, nếu người mua yêu cầu vận đơn đích danh, nên sử dụng nghiệp vụ 2 bộ vận đơn; vận đơn chủ và vận đơn thứ cấp. Vận đơn chủ được gửi cho đại lý của doanh nghiệp logistics còn vận đơn thứ cấp gửi cho ngân hàng người mua.

Khi thanh toán tiền cho ngân hàng, người mua nhận được vận đơn thứ cấp, đại lý của doanh nghiệp logistics sẽ dùng vận đơn chủ để nhận hàng từ hãng tàu và sau đó giao cho người mua. Như vậy, nếu người mua hay ai đó có trong tay bộ vận đơn thứ cấp cũng không thể trực tiếp nhận hàng từ hãng tàu.

Một số doanh nghiệp nhập khẩu phản ánh tình trạng nhận hàng không đúng chất lượng như hợp đồng, thậm chí hợp đồng nhập khẩu đồ dùng gia đình nhưng mở container ra là rác. Trường hợp này sẽ khó xảy ra nếu sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp logistics có đại lý giao nhận ở nước người bán- ông Trần Thanh Hải cho hay.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang