Kết nối doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội linh hoạt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội: Tham gia vào chuỗi để nâng cao sức cạnh tranh
Nhiều hợp đồng lớn trị giá hàng tỷ đồng được ký kết tại Hội chợ
Sáng 24/8/2022, tại Cung triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch, Xây dựng Quốc gia, hơn 250 gian hàng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và nước ngoài đã tham gia giao thương, kết nối, quảng bá tại Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2022.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP.Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, đây là hội chợ chuyên ngành quy mô lớn về ngành công nghiệp hỗ trợ, được thành phố Hà Nội giao Sở Công Thương Hà Nội phối hợp các đơn vị tổ chức thường niên từ năm 2017 đến nay.
Hội chợ thu hút hơn 250 gian hàng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… tham gia, trong đó có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Các sản phẩm của doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu tại hội chợ đều là sản phẩm có chất lượng, tính cạnh tranh cao, nằm trong các ngành lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ then chốt như linh kiện, phụ tùng; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao...
Thông qua hội chợ, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ có thêm cơ hội đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, phát huy năng lực, thế mạnh để kết nối tham gia chuỗi liên kết - cung ứng trong vùng kinh tế Thủ đô, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI trong nước và quốc tế.
Tham gia Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2022, các doanh nghiệp đều có nhiều kỳ vọng. Giám đốc Công ty CP NC Network Việt Nam Yasuo Uchihara cho biết, NC Network và FNA Group có mạng lưới thông tin doanh nghiệp chế tạo với gần 40.000 hội viên tại Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan. Công ty hy vọng sẽ gặp gỡ, kết nối giao thương với những đối tác tiềm năng, tạo ra cơ hội phát triển mới.
Giám đốc Công ty Kyoyo Đặng Trần Thùy - đơn vị chuyên cung cấp các sản phẩm đúc mẫu chảy cho các doanh nghiệp công nghiệp- cho biết, Công ty đã gia nhập chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật, Đài Loan. Tham dự Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2022, công ty tìm kiếm các đối tác cung cấp máy móc công nghệ tiên tiến. Ngay trong ngày đầu tiên của hội chợ, công ty đã ký kết được hợp đồng mua máy đúc hiện đại của Nhật Bản trị giá gần 2 tỷ đồng.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều giao dịch thành công tại Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2022. Mỗi ngày, Hội chợ có khoảng 20 giao dịch thành công với trị giá lên đến hàng tỷ đồng, đem lại cơ hội phát triển mới cho các doanh nghiệp- Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay.
Kết nối doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Trong khuôn khổ Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2022 còn diễn ra “Hội thảo về công nghiệp hỗ trợ Hà Nội 2022”. Hội thảo có ba nội dung chính gồm: Nhu cầu nội địa hóa và sự thích ứng doanh nghiệp nội địa; Chuyển đổi số trong sản xuất; Chia sẻ xu hướng đổi mới khi doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, công nghiệp hỗ trợ có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, thể hiện qua việc cung ứng vật liệu, linh kiện phụ tùng, các bán thành phẩm ngay trong nội địa bảo đảm tính chủ động cho ngành công nghiệp; hạn chế xuất khẩu tài nguyên và các sản phẩm chế biến thô, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm công nghiệp; Giảm nhập siêu, bảo đảm cân bằng cán cân xuất nhập khẩu; Mở rộng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; phát triển hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhiều năm qua, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động phối hợp các cơ quan triển khai các cơ chế, chính sách của Trung ương và Thành phố nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và ngành công nghiệp hỗ trợ của Thủ đô và cả nước.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội và cả nước hình thành và phát triển muộn hơn so với các nước trong khu vực, quá trình này đòi hỏi cần phải có những định hướng, cơ chế chính sách, giải pháp đúng và đủ mạnh để phát triển theo kịp các nước trong khu vực và thế giới.
Tại “Hội thảo về công nghiệp hỗ trợ Hà Nội 2022”, các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp đã chia sẻ về thực trạng, tiềm năng và nhu cầu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội. Từ đó tìm ra giải pháp và đề xuất chính sách thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành sản xuất công nghiệp của thành phố và cả nước.
Thông qua Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2022 và Hội thảo, các nhà quản lý, doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ được tiếp cận về tình hình phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước và quốc tế, làm cơ sở nghiên cứu để hoạch định, hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển; đồng thời có thêm kinh nghiệm, ứng dụng thực tiễn vào sản xuất kinh doanh, phát triển sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ, để kết nối tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI trong nước và quốc tế…- Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Mai Đức