Rươi- món ăn bổ dưỡng nhưng nhiều người dùng dễ bị dị ứng

author 06:56 13/11/2021

(VietQ.vn) - Rươi dù rất bổ dưỡng nhưng khi ăn thực phẩm này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ do có chứa chất histamin-một hoạt chất dễ gây ra dị ứng.

Rươi có theo mùa và là loại đặc sản nhiều người ưa thích, chế biến được nhiều món ăn khác nhau. Dù có giá trị dinh dưỡng cao nhưng rươi cũng có thể gây dị ứng, ngộ độc nếu không biết cách sử dụng.

Tại Việt Nam, mùa rươi bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch hàng năm. Nó được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, nhiều người rất ưa thích. Rươi cũng có giá trị dinh dưỡng rất cao, đặc biệt là hàm lượng đạm còn cao hơn cả một số loài hải sản khác như tôm, cua…

 Rươi rất bổ dưỡng nhưng dễ gây dị ứng, ngộ độc. Ảnh minh họa

Thạc sĩ, lương y Vũ Quốc Trung (Hà Nội) cho biết, nếu so sánh 100 gram rươi với 100 gram thịt bê, hàm lượng dinh dưỡng của rươi còn cao hơn. Cụ thể, cứ 100g rươi có chứa 81,9g nước, 12,4g protid, 4,4g lipit, cung cấp cho cơ thể 92 calo. Trong khi cùng khối lượng tương tự, thịt bê nạc có chứa 78,2g nước, 20g protid, 0,5g lipit, cung cấp được 87 calo.

Dù có giá trị dinh dưỡng cao nhưng lương y Trung cho rằng không phải ai cũng có thể ăn được loài vật có theo mùa này vì có thể gây dị ứng. Theo đó, rươi cũng giống như một số loài hải sản khác, có chứa chất histamin có thể gây dị ứng cho người dùng. Những người dễ dị ứng với histamin nếu nhẹ có thể gây ngứa, nôn mửa, trường hợp nặng có thể gây mệt mỏi, khó thở, sốc.

Tình trạng dị ứng có thể xuất hiện từ từ sau vài giờ hoặc nửa ngày sau khi ăn. Trường hợp cấp tính có thể xuất hiện sau ăn khoảng 30 phút, gây ra phản ứng sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Tương tự, theo Ths. BS Trần Thuấn, Khoa Đông y, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), rươi là thực phẩm giàu đạm, nhưng ăn rươi cơ thể sẽ hấp thu lượng đạm như một dị nguyên, ngấm vào ruột, vào máu, gây phản ứng cho cơ thể bởi chất đạm của rươi khác với đạm trong thịt lợn, thịt bò nên dễ gây dị ứng.

Các loài nhuyễn thể nói chung, rươi nói riêng sống dưới đáy bùn cát, nên có nhược điểm là dễ nhiễm những chất độc từ môi trường, nhất là ở những nơi nước bị ô nhiễm. Nhuyễn thể còn có thể là vật trung gian truyền nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như: Salmonella, E.Coli… Đặc biệt các nhuyễn thể khi chết dễ bị phân hủy sinh ra độc tố. Ăn phải rươi chết vừa không ngon mà còn dễ bị ngộ độc hoặc tiêu chảy cấp rất nguy hiểm.

Ngoài ra, do đặc điểm riêng của mùa rươi là chỉ rộ trong tháng 10 (âm lịch) nên muốn trữ rươi lâu (nhất là các nhà hàng, quán ăn) thường bảo quản rươi trong tủ lạnh. Việc bảo quản lạnh quá lâu, không đúng quy trình, không hợp vệ sinh có thể khiến rươi bị nhiễm độc tố của vi khuẩn, hay gặp là độc tố tụ cầu gây tiêu chảy.

Ngộ độc rươi có thể xuất hiện từ vài giờ hoặc nửa ngày sau khi ăn, trường hợp cấp sẽ xuất hiện triệu chứng khoảng 30 phút sau ăn, gây sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu kịp thời bệnh nhân có thể tử vong. Do đó, sau khi ăn rươi nếu thấy một trong các triệu chứng như nổi ban, mẩn ngứa, tê bì vùng lưỡi, miệng hoặc tê bì toàn bộ vùng mặt, chân tay, bị nôn, tiêu chảy… cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để cứu chữa kịp thời.

Histamin là gì và có trong thực phẩm nào?

Histamin là một trong những nguyên nhân phổ biến làm trầm trọng hóa tình trạng dị ứng của nhiều người có cơ địa mẫn cảm. Việc tiêu thụ một lượng Histamin cao vượt mức cơ thể cho phép có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Để tránh tình trạng này, những người có cơ địa dễ dị ứng nên nắm rõ histamin có trong thực phẩm nào.

Chất histamin thường có trong hải sản, sữa, một số loại hạt, thực phẩm lên men. Đặc biệt là cá là một trong những nguồn thực phẩm có hàm chứa lượng Histamin cao nhất. Cụ thể là các loại cá biển như cá thu, cá cơm, cá ngừ, cá trích, cá đuối... nếu không được giữ đông tốt sau khi đánh bắt, bảo quản lạnh kém sẽ khiến vi khuẩn phát triển mạnh và biến đổi axit amin Histidine thành Histamin gây độc cho người.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang