Sản phẩm Dạ dày Mộc Thảo: Mạo danh bác sĩ Hồng Hải lừa dối người bệnh

author 10:54 07/06/2022

(VietQ.vn) - Sản phẩm dạ dày Mộc Thảo không chỉ quảng cáo sai công dụng mà còn mạo danh hình ảnh, uy tín bác sĩ Nguyễn Hồng Hải - Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hòa Bình để tư vấn, lừa dối người tiêu dùng.

Trước đó, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã đăng tải bài viết phản ánh sản phẩm dạ dày Mộc Thảo được cấp phép là thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK)... nhưng tại nhiều trang mạng xã hội, sản phẩm này lại được quảng cáo công dụng như thuốc, điều trị dứt điểm bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng, diệt vi khuẩn HP,... Thậm chí, để người bệnh tin và chi tiền mua sản phẩm, tổ chức kinh doanh đã dựng nhiều video có tham gia của các nghệ sỹ như Chí Trung, Phương Dung… nhằm quảng cáo trái phép cho sản phẩm này.

 Dạ dày Mộc Thảo sử dụng hình ảnh người nổi tiếng quảng cáo sai công dụng sản phẩm?

Trong vai người có nhu cầu chữa bệnh dạ dày, PV để lại số điện thoại trên một kênh bán hàng thì được người phụ nữ giới thiệu là bác sĩ Hồng Hải (60 tuổi), gọi tới thăm khám và điều trị. Quá trình thăm khám qua điện thoại, người này hỏi PV những dấu hiệu của bệnh dạ dày như: “Con bị thế này lâu chưa, đánh răng có nôn khan không?”, sau đó kết luận ngay tình trạng này là viêm dạ dày tá tràng có vi khuẩn HP.

“Tình trạng của con không sử dụng thuốc tây con nhé, thuốc tây chỉ giảm đau chứ không khỏi bệnh. Ngoài ra, con cũng không được đi nội soi, vì đường ống nội soi cho vào dạ dày là kim loại, khi nội soi sẽ làm rách niêm mạc dạ dày. Trường hợp của con đơn giản thôi, con nghe bác thì bác sẽ điều trị dứt điểm cho con trong 35 ngày...”, người tư vấn khẳng định.

Nhận thấy “bác sĩ” tư vấn qua loa, PV ngỏ ý muốn tới khám trực tiếp thì người này từ chối khéo, lý do bác sĩ bận công việc. Đồng thời, người này lại lái sang hướng có những bệnh nhân bị dạ dày 30, 40 năm vẫn chữa khỏi dứt điểm nên khuyên PV hoàn toàn yên tâm điều trị theo hướng… online.

“Thuốc bác làm cho con là thuốc dạng viên con nhé. Thuốc này là bác làm riêng cho con dựa vào tình trạng bệnh của con. Mỗi người mỗi thuốc, không ai giống ai cả. Trong thời gian con dùng thuốc cứ 2-3 ngày bác sẽ gọi điện thăm khám cho con. Tiền thuốc của con là 2,2 triệu đồng, còn phí vận chuyển bác hỗ trợ con để lấy chỗ đi lại, sau này khỏi rồi con nhớ giới thiệu bệnh nhân cho bác con nhé”, “bác sĩ” online căn dặn PV.

Sau khi thấy người bệnh đã tin tưởng, “bác sĩ” nhanh chóng xin địa chỉ để gửi thuốc dạ dày Mộc Thảo. Theo lời người này, dạ dày Mộc Thảo rất lành tính và không có tác dụng phụ. Trong sản phẩm này đã tích hợp để điều trị dứt điểm vi khuẩn HP, chỉ điều trị trong 35 ngày sẽ không tái phát lại.

Tiếp đến, để có đoạn kết trọn vẹn theo kịch bản đã dựng trước, một người khác tự xưng là nhân viên khoa dược, gọi điện cho PV để xác nhận đơn hàng. “Thuốc của chị bác sĩ Hải đã làm xong rồi, trong 2 đến 3 ngày tới chúng tôi sẽ gửi thuốc về đúng địa chỉ cho chị. Khi nhận được thuốc chị lưu ý nhìn trên bao bì có mã kiểm định là H1108. Đây là mã hồ sơ chỉ có bệnh nhân và bác sĩ biết”, nhân viên này cho biết.

 Hình ảnh bác sĩ Hồng Hải bị sử dụng tràn lan trên mạng xã hội.

Tiếp tục làm sáng tỏ thông tin trên, PV Chất lương Việt Nam đã liên hệ tới bác sĩ Nguyễn Hồng Hải - Nguyên PGĐ Bệnh viện Y học cổ truyền Hòa Bình có phải là người đã gọi điện tư vấn cho PV hay không? Trả lời thắc mắc của PV, bà Hải cho biết bà chỉ xuất hiện trong một chương trình tọa đàm về bệnh dạ dày, còn thông tin ghi thêm hay dùng hình ảnh bà là không đúng. Bác sĩ Hồng Hải cũng khẳng định không tư vấn, bán hàng cho bệnh nhân qua điện thoại.

Thông qua nội dung trên cho thấy, tổ chức kinh doanh dạ dày Mộc Thảo đã bất chấp pháp luật, dàn dựng đội ngũ nhân viên giả mạo nhằm lừa dối người tiêu dùng vì mục tiêu lợi nhuận. Và tất nhiên, không phải người bệnh nào cũng có thể biết được chân tướng màn kịch này.

Trước thực trạng trên, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, những đối tượng mạo danh bác sĩ để bán thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh nói trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo đó, nếu số tiền chiếm đoạt được từ việc mạo danh bác sĩ bán thuốc từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết tội về hành vi chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

Nếu mạo danh bác sĩ tại một bệnh viện cụ thể nào đó, lấy danh nghĩa cơ quan, tổ chức để thực hiện hành vi thì bị phạt tù không dưới 2 năm. Người phạm tội này trong trường hợp nặng nhất thì bị phạt tù chung thân. Mặt khác, trường hợp các đối tượng này có hành vi sản xuất - buôn bán thuốc giả, các đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo Điều 194 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội này có thể bị phạt tù đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Nhóm PV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang