Sản phẩm Xương khớp NIBIFA: Quảng cáo một đằng, chất lượng một nẻo

author 13:28 03/08/2022

(VietQ.vn) - Sản phẩm Xương khớp NIBIFA của Công ty Cổ phần Dược phẩm Ninh Bình được quảng cáo là thuốc và có khả năng điều trị, bồi bổ sụn khớp. Tuy nhiên, đây chỉ là thực phẩm chức năng và không có khả năng điều trị bệnh.

'Phù phép' thực phẩm chức năng thành thuốc

Theo thông tin từ Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, thực phẩm chức năng xuất hiện và bắt đầu sử dụng tại Việt Nam từ những năm 2000. Khi đó, hầu hết sản phẩm lưu thông trên thị trường ở Việt Nam đều được nhập khẩu từ các nước khác. Đến nay, hơn 70% số thực phẩm chức năng được tiêu thụ ở nước ta là hàng sản xuất trong nước. Hơn 20% còn lại là hàng nhập khẩu từ các thị trường nổi tiếng như Mỹ, Đức, Canada, Hàn, Nhật...

Năm 2000, Việt Nam chỉ có 13 doanh nghiệp đăng ký, đủ điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng và số sản phẩm được lưu hành trên thị trường là 63 sản phẩm. Đến năm 2017, có gần 4.190 công ty đăng ký sản xuất - kinh doanh thực phẩm chức năng và số lượng sản phẩm được lưu hành cũng lên tới hơn 10.930 sản phẩm.

Có thể nói những năm gần đây, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam là mảnh đất màu mỡ để nhiều doanh nghiệp tập trung vào sản xuất - kinh doanh mặt hàng này. Không thể phủ nhận những hiệu quả tích cực mà các sản phẩm thực phẩm chức năng mang lại cho sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, thời gian qua, không ít doanh nghiệp phân phối thực phẩm chức năng đã cố tình làm ăn chụp giật, coi lợi nhuận là trên hết, có hành vi lừa dối người tiêu dùng, cố tình quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm như thần dược khiến nhiều người mua phải sản phẩm kém chất lượng, thậm chí độc hại cho sức khỏe, tiền mất tật mang, gây bức xúc trong dư luận.

Sản phẩm Xương khớp Nibifa của Công ty Cổ phần Dược phẩm Ninh Bình.

Mặc dù thời gian qua Bộ Y tế đã đưa ra nhiều giải pháp xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, tuy nhiên, hành vi vi phạm của các đối tượng ngày một tinh vi. Các hình thức vi phạm phổ biến là sử dụng hình ảnh, bài viết của nhân viên y tế hoặc bài viết, phản hồi của người tiêu dùng nhằm ám chỉ thực phẩm là thuốc chữa bệnh hoặc có công dụng như thuốc chữa bệnh là trái quy định pháp luật.

Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân còn có hành vi quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm; dùng hình ảnh bác sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, hoặc logo các đài truyền hình để lồng ghép nội dung quảng cáo trái phép, gần như lừa dối người tiêu dùng về công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe...

Điển hình như việc sản phẩm Xương khớp Nibifa của Công ty Cổ phần Dược phẩm Ninh Bình (có địa chỉ tại số 18, Hồ Đắc Di, Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội) đang được quảng cáo với nội dung sai sự thật, không đúng chất lượng thực tế của sản phẩm. Thậm chí, những nội dung quảng cáo gây nhầm lẫn không chỉ xuất hiện trên website mà còn từ chính nhân viên của Công ty Cổ phần Dược phẩm Ninh Bình.

Cụ thể, trên website xuongkhopnibifa.vn, sản phẩm Xương khớp Nibifa được quảng cáo với nội dung: “Viên xương khớp NIBIFA với công thức độc quyền từ 18 loại acid amin có trong bột đạm thuỷ từ máu ngựa, sẽ giúp tăng cường thể trạng, bổ sung các acid amin thiết yếu cho cơ thể, ngăn ngừa lão hoá sớm, bảo vệ sụn khớp, bổ sung collagen giúp sụn khớp hoạt động được trơn tru. Đồng thời thành phần Salicin được chiết xuất từ vỏ liễu trắng trong viên xương khớp NIBIFA giúp làm giảm cơn đau nhanh mà an toàn hơn so với nhiều hoạt chất giảm đau phổ biến hiện nay.

Một ưu điểm nữa là Salicin còn hỗ trợ chống lại tác nhân gây viêm ở khớp xương. Sự kết hợp tuyệt vời của 18 loại acid amin trong đạm thuỷ phân từ máu ngựa, Salicin từ vỏ cây liễu trắng cùng với 10 thảo dược quý trong bài thuốc đông y gia truyền, sẽ hỗ trợ điều trị các bệnh về xương khớp, mang lại niềm vui từ xương chắc khỏe mỗi ngày”.

Trong vai người tiêu dùng, phóng viên cũng tới khảo sát tại địa chỉ tầng 6, số 18, Hồ Đắc Di, Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội. Tại đây, phóng viên gặp một phụ nữ giới thiệu là nhân viên Công ty Cổ phần Dược phẩm Ninh Bình. Nhân viên này xin kết bạn zalo với phóng viên và giới thiệu rằng sản phẩm Xương khớp Nibifa là “thuốc đông y thuần 100% không pha tân dược” và có khả năng “điều trị, bồi bổ sụn khớp”.

Nhân viên Công ty Cổ phần Dược phẩm Ninh Bình quảng cáo sản phẩm Xương khớp Nibifa là thuốc, có tác dụng điều trị, bồi bổ sụn khớp. Tuy nhiên, đây chỉ là sản phẩm thực phẩm chức năng, không có tác dụng chữa bệnh.

Những chiêu trò quảng cáo tinh vi

Để tăng thêm niềm tin từ người tiêu dùng, website và Facebook của công ty còn đăng kèm hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo cho sản phẩm. Kèm theo đó là hàng loạt bài viết tư vấn về các bệnh xương khớp, sau đó, lồng ghép thông tin quảng cáo về sản phẩm Xương khớp Nibifa.

Trong khi đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

Thậm chí, website của Công ty Cổ phần Dược phẩm Ninh Bình còn quảng cáo công dụng sản phẩm dưới dạng liệt kê công dụng thành phần có trong sản phẩm. Trong khi đó, Khoản 2, Điều 27, Nghị định 15/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã quy định rõ: Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm.

Thông tư số 43/2014/TT-BYT về quản lý thực phẩm chức năng của Bộ Y tế cũng quy định: "Công bố khuyến cáo về sức khỏe phải đúng bản chất của sản phẩm, chỉ công bố công dụng của thành phần cấu tạo có công dụng chính hoặc công bố công dụng hợp thành của những thành phần cấu tạo khi có bằng chứng khoa học chứng minh và không công bố công dụng theo cách liệt kê công dụng của thành phần".

Website Công ty Cổ phần Dược phẩm Ninh Bình có nhiều bài viết tư vấn về các vấn đề xương khớp sau đó lồng thông tin quảng cáo sản phẩm Xương khớp Nibifa để thu hút người tiêu dùng.

Có thể thấy, những nội dung quảng cáo như trên rất dễ khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm Xương khớp Nibifa giống với thuốc chữa bệnh. Nhưng trên thực tế, sản phẩm này chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (hay còn gọi là TPCN) với công dụng “Hỗ trợ tăng cường khí huyết, mạnh gân cốt; giúp cải thiện các biểu hiện đau mỏi xương khớp do phong thấp, thoái hoá khớp do lưu thông khí huyết kém; hỗ trợ hạn chế lão hoá khớp, giúp các khớp vận động linh hoạt”. Mặt khác, phía Công ty Cổ phần Dược phẩm Ninh Bình cũng không đưa ra bằng chứng hay cơ sở khoa học nào chứng minh sản phẩm của mình có khả năng “điều trị khớp” như đã quảng cáo.

Trong khi đó, theo Mục b, Khoản 3 và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 thì các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.

Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Đối với những thông tin về việc sản phẩm Xương khớp Nibifa quảng cáo có dấu hiệu sai quy định pháp luật, dư luận không khỏi thắc mắc liệu Công ty Cổ phần Dược phẩm Ninh Bình có chịu trách nhiệm? Vì sao các sản phẩm lại được quảng cáo giống với thuốc chữa bệnh dễ khiến người dùng hiểu nhầm? Nếu chất lượng sản phẩm không đúng như quảng cáo, người tiêu dùng có được bồi thường?

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, PV đã liên hệ với đại diện Công ty Cổ phần Dược phẩm Ninh Bình nhằm đảm bảo tính đa chiều của thông tin. Trao đổi với phóng viên, đại diện doanh nghiệp cho biết đã chuyển nội dung đến bộ phận chuyên môn để xử lý. Tuy nhiên, nhiều ngày trôi qua, PV vẫn chưa nhận được phản hồi từ đơn vị này. 

Liên quan tới vấn đề quảng cáo thực phẩm chức năng, trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo, những vi phạm trong quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng phải được xử lý, chấn chỉnh nghiêm… với tinh thần đặt lợi ích người dân lên trên hết và phải rõ trách nhiệm của từng ngành (y tế, văn hóa, thông tin và truyền thông), với từng khâu của cả quá trình.

Trước hết, Bộ Y tế chỉ đạo Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý Dược rà soát lại toàn bộ nội dung quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng đã được Bộ xác nhận để các cơ quan báo chí chấn chỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông căn cứ đối chiếu, xử lý vi phạm.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan truyền thông thực hiện phát hành đúng nội dung quảng cáo được xác nhận, trong trường hợp khác cần có sự trao đổi với cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế, xem xét khung giờ phát sóng phù hợp, đảm bảo nội dung quảng cáo không trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống hay gây phản cảm.

Bộ Y tế, các bộ ngành, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát tất cả văn bản quy phạm pháp luật về quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, từ đó kiến nghị, hướng dẫn phù hợp trên tinh thần mỗi khâu, mỗi việc đều có cơ quan chịu trách nhiệm, hướng dẫn rõ ràng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang