Hơn 1 năm thực thi Hiệp định UKVFTA: Bức tranh không chỉ ‘màu hồng’

author 13:22 18/03/2022

(VietQ.vn) - Hiệp định UKVFTA là đòn bẩy thúc đẩy thương mại Việt Nam - Anh phục hồi trở lại sau những giảm sút đáng kể vào năm 2019 và 2020. Tuy nhiên, bức tranh không hoàn toàn màu hồng bởi tuy giảm thuế cho nhiều ngành hàng, UKVFTA có nhiều yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng rất cao.

Nhiều tín hiệu tích cực

Sau hơn 1 năm thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), không chỉ đem đến cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước mà còn thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại Anh.

Ngay đầu năm 2022, xuất khẩu Việt Nam sang Vương quốc Anh đã có những tín hiệu vui khi lần đầu tiên đặc sản hoa quả nhiệt đới và hàng nông sản thực phẩm đã có mặt tại chuỗi siêu thị lớn cao cấp và trung lưu của Anh như Whole Food, Marks and Spencer (M&S), Waitrose, TESCO, Sainsbury’s....

Trước đó, chỉ một số ít mặt hàng nông sản như hạt điều, cà phê, hạt tiêu được bán tại siêu thị Anh, trong khi gạo, hoa quả và các nông sản thực phẩm khác chủ yếu bày bán tại các siêu thị nhỏ lẻ phục vụ cộng đồng người Việt và một phần cộng đồng người gốc Á chứ chưa thâm nhập được vào chuỗi siêu thị lớn tại Anh. Kết quả đáng khích lệ này là nỗ lực lớn của doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cùng các bộ ngành liên quan, song cũng phản ánh những lợi ích mà Hiệp UKVFTA đã mang lại cho các nhà xuất khẩu Việt Nam sau một năm thực thi Hiệp định.

Gạo là một trong những mặt hàng tiềm năng tại thị trường Anh. Ảnh minh họa. 

Với việc xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho mặt hàng rau quả từ ngày 1/1/2021 sau khi UKVFTA có hiệu lực, xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Anh trong năm 2021 tăng 67% so với năm 2020 lên hơn 19,35 triệu USD, trong khi nông sản các loại tăng 16% lên hơn 230,4 triệu USD. Về tổng thể, xuất khẩu Việt Nam sang Anh năm 2021 tăng 16,4% so với năm 2020 với tổng kim ngạch đạt hơn 5,76 tỷ USD.

Việc thực thi UKVFTA với 94% trong tổng số 547 dòng thuế các sản phẩm nông nghiệp được dỡ bỏ đã mang lại lợi thế cạnh tranh vượt trội tại thị trường Anh cho nhiều sản phẩm Việt Nam so với sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ những nước chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Anh.

Các doanh nghiệp Việt Nam có bạn hàng đã tận dụng ngay ưu đãi thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó các mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất là thủy-hải sản, gạo, dệt may, gỗ, rau quả, da giày… Hiệp định UKVFTA là đòn bẩy thúc đẩy thương mại Việt Nam - Anh phục hồi trở lại sau những giảm sút đáng kể vào năm 2019 và 2020. Thương mại hai chiều năm 2021 đạt hơn 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020, trong đó Việt Nam đạt thặng dư thương mại xấp xỉ 4,92 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2020. Xuất khẩu của Anh sang Việt Nam cũng tăng 24%.

Bức tranh không chỉ màu hồng

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Anh đánh giá, đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng vỏ container, cước phí vận chuyển đường biển tăng cao và kinh tế Anh chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, bức tranh không hoàn toàn màu hồng bởi tuy giảm thuế cho nhiều ngành hàng, UKVFTA có nhiều yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng rất cao. Nói cách khác, Anh mở cửa hơn với hàng Việt nhưng chỉ là hàng chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường...

Đơn cử như gạo, không phải loại gạo nào cũng được hưởng thuế ưu đãi từ UKVFTA, mà chỉ một số nhóm gạo chất lượng cao của Việt Nam mới nằm trong danh sách được hưởng thuế 0%.

Tuy vậy, Anh vẫn là thị trường lớn mà các doanh nghiệp Việt còn nhiều cơ hội khai thác. Hiện tại, Anh là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Việt Nam, song thị phần của Việt Nam tại thị trường này còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm hơn 1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Anh.

Thời gian tới, để có thể thâm nhập và thành công tại thị trường Anh, ngoài vấn đề chất lượng, giá cả cạnh tranh, các công ty Việt Nam cần chú ý đến uy tín trong kinh doanh. Bởi Anh từ lâu đã nổi tiếng là quốc gia tôn trọng pháp luật.

Muốn tiếp cận các công ty lớn của Anh, doanh nghiệp cần minh bạch thông tin như có website đáng tin cậy, có lịch sử làm ăn tốt với các doanh nghiệp có uy tín (track records), và có hợp đồng rõ ràng, tôn trọng mọi điều khoản trong hợp đồng. 

Người tiêu dùng Anh đặc biệt quan tâm đến các vấn đề xã hội như lạm dụng lao động trẻ em; hợp đồng lao động hay điều kiện làm việc không thỏa đáng; hoạt động doanh nghiệp gây phát thải cao… Vì vậy, các doanh nghiệp phải chứng tỏ có trách nhiệm và đóng góp để xây dựng xã hội tốt hơn.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang