Nhập viện cấp cứu sau khi uống thuốc hạ sốt: Cảnh báo ngộ độc paracetamol

author 20:40 13/08/2024

(VietQ.vn) - Sau khoảng 8 giờ cô gái 19 tuổi bị Covid-19 nhờ em trai pha thuốc hạ sốt cho uống, gia đình đã vội đưa cô đi cấp cứu vì ngộ độc paracetamol.

Cô gái 19 tuổi (trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ) được gia đình đưa vào Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê cấp cứu trong tình trạng mệt lả, đau đầu, chóng mặt sau khi uống 9 viên paracetamol loại 500mg.

Trước đó, cô bị sốt cao vì mắc Covid-19 nên nhờ em trai 5 tuổi pha thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, trẻ không biết nên bóc hết vỉ thuốc có 9 viên hòa vào nước, đưa chị uống.

Khoảng sau 8 giờ, cô gái này mệt lả, đau đầu, chóng mặt được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc giải độc và thải trừ paracetamol. Sau 2 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân ổn định, các dấu hiệu sinh tồn trong giới hạn bình thường.

Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Nguyễn Thanh Thủy, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê cho biết, paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt được sử dụng nhiều trong cộng đồng, không cần kê đơn. Việc sử dụng thuốc không đúng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như suy gan, suy thận, rối loạn chức năng đông máu, nặng hơn có thể gây suy đa tạng, hôn mê, thậm chí tử vong.

Để dự phòng ngộ độc, bác sĩ khuyến cáo người dân cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất hoặc hướng dẫn của bác sĩ, không dùng kết hợp các loại thuốc có cùng thành phần. Tại gia đình, các loại thuốc cần để xa tầm tay trẻ em và không nhờ trẻ lấy, pha thuốc để tránh sử dụng nhầm loại hoặc liều dùng.

Ngộ độc paracetamol là tình trạng ngộ độc, tổn thương gan do dùng quá liều paracetamol hoặc dùng paracetamol cùng với các loại thuốc có chứa thành phần paracetamol. Mặc dù Paracetamol là một loại thuốc giảm đau và hạ sốt phổ biến, được sử dụng để điều trị các triệu chứng như đau đầu, đau nhức cơ thể, sốt,… nhưng nếu dùng quá liều, paracetamol vẫn có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong.

Cô gái 19 tuổi bị Covid-19 nhờ em trai pha thuốc hạ sốt cho uống, gia đình phải đưa đi cấp cứu vì ngộ độc paracetamol.

Với các trường hợp dùng paracetamol quá liều, thuốc hầu như được hấp thụ trong 2 giờ đầu tiên và sau 1 giờ kể từ lúc sử dụng là lúc nồng độ thuốc đạt đỉnh.

Để tránh ngộ độc paracetamol cần lưu ý: Dùng đúng liều quy định 325 – 650mg/lần và cách nhau 4-6 giờ (với người lớn), 10-15mg/kg và cách 4 – 8 giờ (với trẻ em). Luôn đóng chặt các hộp thuốc chứa paracetamol và sử dụng các chai an toàn cho trẻ em. Giữ tất cả các loại thuốc xa tầm tay trẻ em và khóa cẩn thận.

Biết đúng liều lượng paracetamol và lượng paracetamol trong chế phẩm đang sử dụng. Nếu dùng với liều lượng khuyến cáo sẽ không có nguy cơ ngộ độc do paracetamol.

Không bao giờ trộn lẫn các loại thuốc khác nhau nếu cả hai loại thuốc đều chứa paracetamol, trừ khi được bác sĩ chỉ định. Ví dụ, không nên dùng thuốc đau đầu chứa paracetamol với thuốc cảm lạnh có chứa paracetamol. Bạn có thể đọc thành phần thuốc để biết thuốc có chứa paracetamol (acetaminophen) hay không.

Nếu bạn không chắc chắn về cách thức và thời điểm dùng paracetamol hãy đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế uy tín để được hướng dẫn. 

Khi bạn được cấp một loại thuốc mới, hãy luôn đảm bảo rằng bác sĩ biết tất cả các loại thuốc và chất bổ sung, các loại thực phẩm chức năng mà bạn đang dùng, cả thuốc được kê đơn và không kê đơn. Cách dễ nhất để làm điều này là ghi lại danh sách các loại thuốc và thực phẩm chức năng và trao đổi với bác sĩ của bạn. Không dùng paracetamol nếu bạn uống đồ uống có cồn.

Thanh Hiền (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang