Sở Y tế Hà Nội cảnh báo 3 loại thuốc giả trôi nổi trên thị trường

author 15:12 07/01/2025

(VietQ.vn) - Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản gửi các cơ sở y tế trên địa bàn về việc không dùng, cẩn trọng với các loại thuốc giả: Theophylline 200mg, Tetracyclin TW3 và Clorocid TW3.

Sở Y tế nhận được công văn của Cục Quản lý Dược về việc thuốc giả Theophylline 200mg. Cụ thể, thuốc giả trên nhãn ghi: Viên nén THEOPHYLLINE 200mg (Theophylin 200mg), số lô 21127, NSX 20/8/2022, HD 20/8/2026; nơi sản xuất: Pharmacy Laboratories Plus (Warszawa), không có thông tin về số GĐKLH và/hoặc số GPNK trên nhãn.

Cùng với đó là 2 thuốc giả trên nhãn ghi: Viên nén Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg), SĐK: VD 25305-16, nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm TW 3, đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên; Viên nén Tetracyclin TW3 (Tetracyclin hydroclorid 250mg), SĐK: VD-28109-17, nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm TW 3, đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.

Sở Y tế Hà Nội cảnh báo 3 loại thuốc giả đang lưu hành trên thị trường, người dân cần chú ý

Để đảm bảo sức khỏe cũng như quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế, các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn không kinh doanh, phân phối, sử dụng thuốc với thông tin nêu trên; tuân thủ việc kinh doanh, mua bán thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; rà soát hoạt động của cơ sở và khẩn trương thông báo về Sở Y tế để có biện pháp xử lý.

Các phòng y tế quận, huyện, thị xã thông báo đến các cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý không kinh doanh, phân phối, sử dụng các thuốc có thông tin nêu trên; tiếp nhận thông tin từ cơ sở, tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cơ sở.

Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội rà soát trong quá trình đi lấy mẫu, báo cáo về Sở Y tế (nếu có) để có biện pháp xử lý.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc giả là sản phẩm được sản xuất với ý đồ lừa đảo, gồm các trường hợp sau: hoàn toàn không có dược chất được ghi trên nhãn thuốc; có dược chất nhưng hàm lượng ít hơn, thậm chí rất ít so với hàm lượng được ghi trên nhãn; có dược chất nhưng dược chất hoàn toàn khác so với dược chất ghi trên nhãn, thậm chí có thuốc giả trong đó dược chất là độc chất gây chết người; có dược chất ghi đúng trên nhãn, có bao bì, quy cách đóng gói, tên thuốc giống như thuốc của chính hãng được quyền sở hữu công nghiệp nhưng do một hãng làm giả sản xuất.

Thuốc giả gây tác hại ở 2 phương diện. Thuốc giả gây thiệt hại rất trầm trọng đến uy tín của các hãng dược phẩm nổi tiếng làm ăn chân chính. Thuốc bị làm giả người dùng thuốc không phân biệt được đâu là thật hay giả do thuốc giả dùng tên thuốc, nhãn hiệu, thương hiệu, bao bì được làm giả giống y như thuốc thật. Thuốc giả gây tác hại cho chính người dùng thuốc. Nếu thuốc giả không chứa dược chất hoặc chứa dược chất nhưng không đủ hàm lượng, người bệnh dùng sẽ không chữa được bệnh, làm bệnh nặng thêm và có thể dẫn đến tử vong. Nhưng nguy hiểm hơn có loại thuốc giả chứa độc chất nguy hiểm, người bệnh dùng bị tai biến (như trường hợp thuốc giả mạo là đông dược trộn thuốc corticoid gây các tai biến trầm trọng), hoặc gây chết người.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang