Sữa bột giả, kém chất lượng đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng

(VietQ.vn) - Mới đây, cơ quan chức năng kịp thời xử lý một vụ việc nghiêm trọng liên quan đến sản xuất sữa bột giả, trong đó 573 nhãn hiệu sản phẩm dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai có chất lượng đạt dưới 70% so với mức công bố.
Các ngôi sao Pickleball thế giới trải nghiệm tại lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2025
Xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng nhờ hoạt động vận tải tích cực
Kinh tế Việt Nam 3 tháng đầu năm với nhiều điểm sáng
Qua kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện cơ sở "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng". Các đối tượng đã thành lập Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group từ tháng 8/2021 đến nay, để sản xuất và kinh doanh sữa bột kém chất lượng.
Những sản phẩm này được quảng cáo chứa các thành phần như tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy, không những không chứa thành phần công bố, sản phẩm còn bị thay thế nguyên liệu và bổ sung phụ gia, khiến chất lượng chỉ đạt dưới 70% – đủ để bị xếp vào loại hàng giả theo quy định hiện hành. Tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất, phân phối này trong vòng 4 năm lên tới gần 500 tỷ đồng.

Một hộp sữa giả trong vụ án.
Từ vụ việc trên cho thấy tình trạng đáng lo ngại về an toàn thực phẩm, đặc biệt là với các sản phẩm dành cho đối tượng dễ tổn thương như trẻ nhỏ, người già và người bệnh. Việc sản xuất sữa giả không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Hiện nay, sữa là nguồn dinh dưỡng thiết yếu trong chế độ ăn hằng ngày, nhất là với trẻ nhỏ và người già. Khi các sản phẩm này bị làm giả, không đạt tiêu chuẩn dinh dưỡng, thậm chí chứa chất phụ gia không rõ nguồn gốc, hậu quả với sức khỏe có thể rất nghiêm trọng.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, trẻ em ở mọi lứa tuổi – từ sơ sinh đến mẫu giáo, tiểu học – đều cần nguồn dinh dưỡng đầy đủ và cân đối để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ. Tuy nhiên, khi sử dụng phải loại sữa bị làm giả, nhất là dùng trong thời gian dài, hàm lượng dinh dưỡng bị thiếu, đồng thời hấp thụ những thành phần không rõ nguồn gốc, hậu quả gây ra với trẻ em là rất nghiêm trọng.
Người cao tuổi cũng dễ bị tổn thương trước các sản phẩm dinh dưỡng kém chất lượng, trong đó có sữa giả. Ở độ tuổi này, hệ tiêu hóa đã suy yếu, nhiều người phải sống chung với bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao hay loãng xương. Khi sử dụng sữa giả – vốn không đảm bảo thành phần dinh dưỡng và chứa phụ gia không rõ nguồn gốc cơ thể người lớn tuổi có thể gặp nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Do sữa giả không cung cấp đủ dưỡng chất thiết yếu như đạm, canxi, vitamin... nên nếu dùng lâu dài sẽ khiến người già khó duy trì khối lượng cơ, dễ sụt cân, suy nhược, mệt mỏi kéo dài. Đồng thời, một số thành phần lạ hoặc chất thay thế trong sữa giả có thể gây tổn thương gan, thận, đặc biệt nguy hiểm nếu người dùng đang điều trị bằng thuốc.
Ngoài ra, một số thành phần không an toàn trong sữa giả có thể gây rối loạn chuyển hóa, đầy hơi, tiêu chảy hoặc kích ứng đường tiêu hóa. Với người cao tuổi, những phản ứng này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng sức khỏe hiện tại, kéo theo nguy cơ nhập viện, suy giảm chất lượng sống.
Để phân biệt sữa đảm bảo chất lượng và sữa kém chất lượng, sữa giả, người tiêu dùng nên lưu ý, thường những loại sữa giả chỉ quảng cáo và bán trên mạng xã hội, hầu như không quảng cáo trên các phương tiện truyền thông chính thống và các nền tảng đáng tin cậy.
"Khi mua sữa, nên đọc kỹ thông tin trên bao bì, vỏ hộp như: tên sản phẩm, tên và địa chỉ, số điện thoại liên hệ của nhà sản xuất, đơn vị nhập khẩu, phân phối, hạn sử dụng, bảng thành phần dinh dưỡng. Nếu là sữa nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Nếu thấy bao bì sản phẩm in lem nhem, không sắc nét hoặc có dấu hiệu bị tẩy xóa hoặc hộp bị móp méo… thì tuyệt đối không nên mua", TS. BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng ứng dụng Việt Nam khuyến cáo.
Cũng theo chuyên gia dinh dưỡng, sữa thật thường có màu vàng nhạt, mùi thơm nhẹ, độ mịn cao, không bị vón cục. Khi pha, sữa tan chậm và hạt sữa thường lơ lửng trong cốc, không bị lắng cặn. Trong khi đó, sữa chất lượng kém thường có màu vàng đậm hơn hoặc màu trắng, vị thơm gắt. Khi pha, loại sữa này thường tan nhanh, lắng xuống đáy cốc. Đối với sản phẩm sữa kém chất lượng, không đúng thành phần như công bố, người tiêu dùng rất khó nhận biết, chỉ khi cơ quan chức năng kiểm nghiệm cụ thể từng thành phần sữa mới có thể phát hiện.
Cũng theo các chuyên gia, việc tuân thủ tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm giúp sản phẩm thực phẩm có cơ hội gia nhập thị trường quốc tế dễ dàng hơn. Điều này có thể làm tăng thị phần xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại và tạo ra nguồn thu nhập bổ sung cho nền kinh tế quốc gia.
Các quy định rõ ràng và hệ thống quản lý chất lượng giúp cơ quan quản lý Nhà nước quản lý hiệu quả hơn hoạt động liên quan đến thực phẩm, giúp việc sử dụng tài nguyên và ngân sách công một cách hợp lý hơn, cải thiện năng suất trong các hoạt động kiểm tra và giám sát.
Thanh Hiền (t/h)