Sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong

author 13:55 16/10/2021

(VietQ.vn) - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ vừa ban hành Quyết định số 4506/QĐ-SHTT về việc sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00046 cho sản phẩm cam Cao Phong.

Cụ thể, tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý được sửa đổi thành Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong.

Mục tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm được bổ sung thêm giống cam V2 với các đăch thù như sau, về cảm quan: Vỏ quả nhẵn và mỏng. Múi mọng nước. Vị ngọt đậm. Mùi thơm. Chỉ tiêu chất lượng: Độ Brix từ 9,65 đến 10,37 0Br. Khu vực địa lý được sửa đổi, bổ sung thành: Thị trấn Cao Phong, xã Tây Phong, xã Bắc Phong, xã Dũng Phong, xã Thu Phong, xã Hợp Phong, xã Bình Thanh, xã Thung Nai, xã Nam Phong và xã Thạch Yên thuộc huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

Cam Cao Phong được Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00046 theo Quyết định số 3947/QĐ-SHTT ngày 05/11/2013. Theo Quyết định này, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, sản phẩm cam quả mang chỉ dẫn địa lý gồm các giống: cam CS1, Xã Đoài Lùn, Xã Đoài Cao và cam Canh nằm trong khu vực địa lý thuộc thị trấn Cao Phong và các xã: Tây Phong, Bắc Phong, Dũng Phong, Tân Phong và Thu Phong thuộc huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

Sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong

 Sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong.

Cây cam được trồng tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình từ đầu những năm 1960, do thích nghi với điều kiện sinh thái nên sản phẩm có những đặc tính chất lượng đặc thù. Từ khi được bảo hộ đến nay, chỉ dẫn địa lý này đã đạt được một số hiệu quả tích cực. Diện tích trồng cam của huyện Cao Phong đã tăng từ 827 ha năm 2014 với sản lượng 10.000 tấn đã tăng lên 2.817 ha năm 2019 với sản lượng trên 38.000 tấn (3,4 lần về diện tích và 3,8 lần về sản lượng). Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong đã góp phần hình thành vùng sản xuất cam hàng hóa tập trung quy mô lớn, diện tích trồng cam được mở rộng cả trong và ngoài khu vực địa lý được bảo hộ (từ 6 xã/thị trấn ra tất cả 13 đơn vị hành chính của huyện Cao Phong). Sản xuất cam Cao Phong đi theo hướng nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm.

Diện tích cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap năm 2014 khoảng 100 ha, năm 2016 là 170 ha và năm 2019 đạt trên 1.000 ha (35% tổng diện tích cam của huyện). Giá trị và hiệu quả sản xuất tăng mạnh, giá bán sản phẩm bình quân tại vườn 10.000-12.000 đồng/kg trước năm 2014 đã tăng và duy trì ở mức 20.000-25.000 đồng/kg, thu nhập bình quân từ 200-300 triệu đồng/ha tăng lên 500-700 triệu đồng/ha, nhiều hộ trồng cam có thu nhập từ 1-10 tỷ đồng/năm. Chỉ dẫn địa lý đã góp phần tạo dựng và định vị thương hiệu “Cam Cao Phong” trên thị trường. Trước đó, tên thương mại “Cam Cao Phong” ít được người tiêu dùng biết đến và phải mượn danh “Cam Vinh” để tiêu thụ.

Từ năm 2014, cam Cao Phong đã trở thành thương hiệu được người tiêu dùng miền Bắc lựa chọn hàng đầu. Thị trường tiêu thụ mở rộng tại miền Bắc và vươn tới các tỉnh phía Nam. Từ năm 2016 cho đến nay, “Cam Cao Phong” trở thành thương hiệu tin dùng của thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Chỉ dẫn địa lý góp phần đa dạng hóa hình thức tiêu thụ sản phẩm, hình thành những kênh hàng chất lượng cao (có bao bì, nhãn mác), thu hút được các doanh nghiệp lớn tham gia xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ (Big C, Vinmart...).

Kênh bán hàng online của các nhà vườn trở nên phổ biến đối với thị trường Hà Nội và các tỉnh khác, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng. Việc mở rộng sản xuất cam hàng hóa đã góp phần tạo thêm một lượng việc làm lớn tại địa phương. Trước đây, nghề trồng cam chỉ thu hút khoảng 1.500 hộ gia đình của xã Tây Phong và thị trấn Cao Phong thì nay đã tạo được việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 5.000 hộ dân tại tất cả các đơn vị hành chính của huyện Cao Phong.

Tuy nhiên, chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong vẫn chưa phát huy được hết lợi thế cũng như tiềm năng của vùng sản xuất vì một số vùng trồng cam của huyện Cao Phong cũng có chất lượng sản phẩm và điều kiện địa lý tương đồng như khu vực chỉ dẫn địa lý nhưng không được phép sử dụng chỉ dẫn địa lý để thương mại hóa sản phẩm... gây ra sự bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế trồng cam của huyện Cao Phong và những bất cập cho công tác quản lý chỉ dẫn địa lý. Giống cam V2 trồng tại Cao Phong từ năm 2004 đến nay đã khẳng định được tính ổn định di truyền về chất lượng và năng suất, sản phẩm có chất lượng tốt, chín muộn, cho hiệu quả kinh tế cao và có tính rải vụ (vụ cam kéo dài đến tháng 5) nhưng chưa đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Trước thực trạng đó, ngày 28/5/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ủy quyền cho Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong tiến hành thủ tục sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang