Cam Cao Phong sẽ tới tay người tiêu dùng bằng kênh sàn thương mại điện tử

author 16:55 09/09/2021

(VietQ.vn) - Các hợp tác xã, hộ sản xuất nhỏ lẻ của Hòa Bình đang lên kế hoạch đưa cam Cao phong lên sàn thương mại điện tử trong thời gian sắp tới.

Cam từ lâu đã là loại cây chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân tại huyện Cao Phong (Hòa Bình). Huyện Cao Phong hiện có hơn 2.800 ha cây ăn quả có múi, trong đó hơn 1.100 ha cam được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thương hiệu cam Cao Phong đã được khẳng định trên thị trường và được đông đảo người tiêu dùng mua và sử dụng trong thời gian qua.

Năm 2014, diện tích trồng cây có múi tại huyện Cao Phong mới dừng ở 1.200ha, sản lượng 16.500 tấn thì đến vụ cam 2019 - 2020, huyện có gần 3.016ha cây ăn quả có múi, sản lượng trên 40.000 tấn. Trong đó, hơn 1.018ha trồng cam được cấp chứng nhận VietGAP với sự tham gia của 759 hộ. Niên vụ 2020 - 2021, sản lượng dự kiến trên 30.000 tấn. Hiện tại, cam lòng vàng giá bán tại vườn từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, cam Canh từ 22.000 - 25.000 đồng/kg. So với cam của các địa phương, cam Cao Phong có mức giá tốt (cam Tuyên Quang khoảng 5.000 đồng/kg, cam Hà Giang từ 6.000 - 7.000 đồng/kg…).

 Nhân viên Bưu điện tới tận hộ gia đình để hướng dẫn bà con các cách đơn giản nhất để đưa hàng lên sàn Postmart. Ảnh ST

Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến vụ thu hoạch cam Cao Phong, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hòa Bình đã khẩn trương tổ chức các buổi kết nối tiêu thụ cam giữa các hộ gia đình, hợp tác xã với các doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử để đưa ra các giải pháp tiêu thụ cam trong thời gian tới. Trung bình mỗi tuần Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức 1 hội nghị tiêu thụ một loại đặc sản. Trong đó, tiêu thụ cam Cao phong là một trong những chủ đề thu hút được đông đảo sự tham gia của nhiều hộ sản xuất nông nghiệp nhất.

Ông Đặng Văn Hà, Hợp tác xã Hà Phong, Hòa Bình cho biết, hiện đơn vị này đang có khoảng 150 ha trồng cam, tổng sản lượng ước tính khoảng 1.000 tấn với 3 loại sản phẩm chính là cam lòng vàng, cam canh và cam V2.

“Năm nay dịch bệnh căng thẳng, chúng tôi rất lo cho việc tiêu thụ cam vào 1 - 2 tháng tới đây. Vì thế, bên cạnh việc duy trì kênh tiêu thụ truyền thông, Hợp tác xã quyết định bổ sung kênh tiêu thụ mới là qua sàn thương mại điện tử. Chúng tôi rất kỳ vọng vào kết quả giao dịch qua sàn thương mại điện tử trong năm đầu tiên triển khai này”, ông Đặng Văn Hà chia sẻ thêm.

Vào cuối tháng 8, để hỗ trợ người nông dân Hòa Bình tiêu thụ cam Cao Phong, đồng thời triển khai Quyết định 1034/QĐ-BTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, Bưu điện tỉnh Hòa Bình đã thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện trên toàn địa bàn. Đến thời điểm hiện tại, Bưu điện tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ, hướng dẫn được gần 40 nhà cung cấp đưa 56 sản phẩm lên bán trên sàn thương mại điện tử Postmart của Vietnam Post.

 Cam Cao Phong đắt hàng trên sàn Postmart

Ông Bùi Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Hòa Bình cho biết, đưa nông sản nói chung và cam Cao Phong lên sàn TMĐT Postmart sẽ là một trong những giải pháp mới để hỗ trợ nông dân tiêu thụ các sản phẩm của mình. Giải pháp này sẽ càng phát huy hiệu quả trong điều kiện dịch bệnh đang xảy ra tại nhiều địa phương. Với mạng lưới và lực lượng lao động phủ rộng tới từng thôn, bản, hôm nay dù thời tiết không thuận lợi, nhưng nhân viên Bưu điện vẫn đi tới tận hộ gia đình để hướng dẫn bà con các cách đơn giản nhất để đưa hàng lên sàn Postmart.

Bên cạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn, tập huấn cho các hộ sản xuất nông nghiệp để đưa cam và các nông sản của tỉnh lên sàn Postmart, Bưu điện còn đang miễn phí toàn bộ các chi phí đăng ký, quản lý gian hàng trên sàn thương mại điện tử này cho các hộ nông dân. Đồng thời, đơn vị sẽ áp dụng nhiều chính sách ưu đãi về giá cước, đóng gói hàng hóa, quảng bá thương hiệu… để thúc đẩy sản lượng tiêu thụ và nâng cao giá trị cho cam Cao Phong nói riêng và các sản phẩm nông sản của các hộ sản xuất nông nghiệp tại Hòa Bình trên sàn Postmart.

 Bưởi Phúc Trạch tiêu thụ trên sàn Postmart

Cùng với cam Cao Phong, thời gian qua, sàn TMĐT Postmart đã hỗ trợ cho nhiều loại nông sản nước ta được tiêu thụ qua kênh TMĐT như na Lạng Sơn, bưởi Phúc Trạch... từ đó đa dạng đầu ra, tháo gỡ một phần khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Cao Phong là một huyện nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hòa Bình, được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu ôn hòa, được bao quanh bởi những dãy núi đá vôi và có tầng đất canh tác dày, thoáng khí, hàm lượng dinh dưỡng cao nên rất phù hợp với cây có múi, nhất cam, quýt. Các loại cam, quýt trồng ở đây có ưu điểm nổi trội là mọng nước, có hương thơm và vị ngọt đậm đà, khác hẳn với các vùng trồng cam khác. Chính vì vậy cam, quýt đã được đưa vào trồng và phát triển ở Cao Phong, trở thành cây trồng chủ lực của địa phương.

Năm 2014, cam Cao Phong được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Năm 2016, Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế cấp chứng thư "Tốp 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5”. Chất lượng, uy tín sản phẩm cam Cao Phong tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Thuỳ Dương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang