Sữa giảm giá: Chớ vội chủ quan!

author 09:36 05/06/2014

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, việc áp giá trần cho mặt hàng sữa không khác gì con dao hai lưỡi, chỉ có tác dụng nhất thời. Trong khi đó theo khảo sát của PV hiện nay nhiều loại sữa đã được giảm giá bán.

Sự kiện: Giá sữa, Thông tin giá sữa trên thị trường

Theo quy định, các hãng sữa chính thức áp giá trần kể từ ngày 1/6, sau đó 20 ngày tức từ ngày 21/6, Bộ Tài chính cũng sẽ áp giá trần bán lẻ mặt hàng sữa.
Tuy nhiên, tới thời điểm này, không chỉ tại các đại lý bán buôn, mà còn cả các siêu thị, cửa hàng bán lẻ cũng đã bắt đầu rục rịch giảm giá đối với các sản phẩm sữa được Bộ Tài chính quy định áp giá trần.

Nhiều mặt hàng sữa giành cho trẻ dưới 6 tuổi đã bắt đầu giảm

Trước động thái trên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Chủ tịch hiệp hội siêu thị Hà Nội nhận định: Đây chỉ là hiệu quả bước đầu của quy định áp giá trần, không nên vội chủ quan, cần phải có thời gian mới đánh giá được tác dụng của chính sách này ra sao!

“Sữa là một trong những mặt hàng thiết yếu trong đời sống của mỗi gia đình hiện nay, không chỉ trẻ nhỏ mà rất nhiều đối tượng người Việt cũng có nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, Bộ Tài Chính mới chỉ áp dụng trần giá cho sản phẩm sữa giành cho trẻ dưới 6 tuổi còn hàng trăm loại sữa khác đang lưu thông trên thị trường sẽ ra sao? Nếu chính sách trên có hiệu quả tốt thì có triển khai rộng ra các mặt hàng khác?”, ông Vũ Vinh Phú đặt câu hỏi.

Vấn đề khác cũng được dư luận đặt ra liệu thời gian tới, việc áp giá trần có khiến giá sữa giảm thật sự hay chỉ là các động thái đối phó của doanh nghiệp trước áp lực của chính sách?

Theo ông Phú, không thể loại trừ khả năng DN dùng các chiêu trò, mánh nới để lách luật.

Cụ thể, sau khi bán hết sản phẩm bị áp giá, DN sẽ  thay  tên khác cho sản phẩm để bán giá mới; DN cũng có thể bỏ thêm một vài vi chất vào sản phẩm sữa để lấy cớ tăng giá, thậm chí còn giảm trọng lượng tinh của sản phẩm để giá bán không thay đổi nhưng thực chất vẫn là tăng giá…

“ Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) khẳng định đã lường trước được những chiêu lách luật nên đã quy định bất kỳ nhãn sữa mới nào cũng đều phải làm thủ tục đăng ký giá, tuy nhiên dù sao từ khâu xác định, kiểm tra cũng phải mất thời gian nhưng vẫn phải mất quá trình. Ai đảm bảo trong thời gian này, DN không tăng giá cho sản phẩm mới?”, vị chuyên gia đặt giả thiết.

Theo ông Đỗ Vinh Phú, áp giá trần chỉ là biện pháp hành chính vạn bất đắc dĩ mới sử dụng trong nền kinh tế thị trường. Thay vào đó nhà nước nên có biện pháp kinh tế  tạo môi trường cạnh tranh thông thoáng  cho thị trường sữa trong nước. Thực tế,  80% sản phẩm sữa bột  bán trên thị trường hiện nay đang bị hơn 200 DN tư nhân nhập khẩu và DN chế biến sữa nước ngoài khống chế. Trong bối cảnh như vậy, biện pháp hành chính chỉ là biện pháp cuối cùng bởi nếu áp giá thì DN cũng phải theo nhưng họ sẽ chỉ làm theo cách đối phó, việc lách luật là không thể tránh khỏi.

Về biện pháp kinh tế, ông Phú gợi mở, trước mắt cần tổ chức lại cho tốt khâu phân phối, tiếp thị các mặt hàng sữa nội để người tiêu dùng trong nước thay đổi tâm lý không còn lệ thuộc vào sữa ngoại.

“Tôi lấy làm lạ rằng sữa là mặt hàng quan trọng mà không thấy tổng công ty thương mại vào cuộc trong khi hàng năm họ được hỗ trợ lãi suất bình ổn giá lên tới hàng trăm tỷ đồng.  Tại sao công ty phân phối tư nhân làm được mà tổng công ty thương mại mắc mớ gì  lại không làm?”

Mặt khác,  Chính phủ và các địa phương cần có những chính sách hỗ trợ về thuế, đất đai cho các DN sản xuất sữa nội. Ngược lại về phần mình, những nàh sản xuất trong nước cũng cần tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng mặt hàng sữa bột. Hiện nay các DN sữa nội mới sản xuất 20% sữa bột, số còn lại là sữa nước và các sản phẩm khác chiếm 80%.

“ Áp dụng biện pháp kinh tế thúc đẩy sức cạnh tranh mới là gốc phát triển cho thị trường sữa trong nước. Mặc dù Luật giá cả có quy định nội dung áp gía trần, tuy nhiên không khác gì con dao hai lưỡi,  trong tích tắc nào đó thì đây vẫn là biện pháp phi thị trường, hiệu quả không cao, có thể nhất thời chỉ có tác dụng đối với một bộ phận hàng nào đó”, ông Vũ Vinh Phú nói.

Theo chuyên gia, một khi thị trường đã có sự cạnh trnah hoàn hảo cũng là lúc nên bỏ quy định áp giá trần để DN tự do cạnh tranh. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần làm tốt công tác kiểm soát, kiểm toán cần công khai minh bạch…

Theo quy định, các hãng sữa chính thức áp giá trần kể từ ngày 1/6, sau đó 20 ngày tức từ ngày 21/6, Bộ Tài chính cũng sẽ áp giá trần bán lẻ mặt hàng sữa. Bộ Tài chính cho biết, nguyên tắc xác định giá bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng được xác định bằng giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu cộng (+) các chi phí hợp lý khác có liên quan nhưng tối đa không quá 15% của giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu.

 

 

 

Hoàng Vũ



Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang